Mỹ sắp "giáng đòn" mới vào Trung Quốc
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có kế hoạch ban hành các hạn chế mới đối với đầu tư của Mỹ vào một số ngành công nghiệp tiên tiến của Trung Quốc.
Mỹ đang đẩy mạnh biện pháp siết đầu tư vào Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm |
Theo các nguồn tin thân cận, động thái này được những người ủng hộ tại Nhà Trắng mô tả là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ, dù điều này chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh không hài lòng.
Những hạn chế này sẽ ngăn cản các công ty cổ phần tư nhân và đầu tư mạo hiểm đầu tư vào một số lĩnh vực công nghệ cao như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn tiên tiến, nhằm ngăn chặn việc chuyển vốn đầu tư và chất xám sang Trung Quốc.
Đồng thời, Washington cũng sẽ yêu cầu các công ty đầu tư vào một loạt các ngành công nghiệp của Trung Quốc phải báo cáo về những hoạt động này, giúp chính phủ có tầm nhìn rõ hơn về các trao đổi tài chính giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Biện pháp này sẽ là một trong những bước quan trọng đầu tiên mà Mỹ thực hiện trong bối cảnh xung đột kinh tế với Trung Quốc nhằm kiểm soát các dòng tài chính chảy ra nước ngoài. Điều này có thể tạo tiền đề cho nhiều biện pháp hạn chế hơn đối với đầu tư giữa hai nước trong những năm tới.
Hiện Nhà Trắng đang từ chối bình luận về các thông tin trên. Nhưng các quan chức thuộc chính quyền Biden đã nhấn mạnh rằng những biện pháp hạn chế đầu tư vào Trung Quốc sẽ chỉ nhằm vào một số lĩnh vực có thể hỗ trợ quân đội Trung Quốc hoặc nhà nước giám sát khi Washington tìm cách chống lại các mối đe dọa an ninh nhưng không làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp với Trung Quốc.
Ông Emily Benson, Giám đốc dự án thương mại và công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy vốn của Mỹ đang được sử dụng để nâng cao năng lực quân sự của Trung Quốc, và Mỹ đang thiếu phương tiện đầy đủ để chống lại hoạt động này”.
Trong vài năm qua, đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm mạnh khi hai nước cắt đứt các mối quan hệ kinh tế. Nhưng các công ty đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân vẫn tiếp tục tìm kiếm các cơ hội khác nhau như một cách để tiếp cận ngành công nghệ sôi động của Trung Quốc.
Giới chức an ninh Mỹ cho rằng Huawei có vai trò hậu thuẫn Chính phủ Trung Quốc tham gia hoạt động gián điệp. |
Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế trên đang vấp phải sự chỉ trích từ một số đảng viên Cộng hòa trong quốc hội và những người khác nói rằng nó đã mất quá nhiều thời gian và không đủ mạnh để hạn chế vốn tài trợ của Mỹ cho công nghệ Trung Quốc. Vào tháng 7, một ủy ban Hạ viện về Trung Quốc đã gửi thư tới 4 công ty đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ để bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng” về khoản đầu tư của họ vào các công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực bao gồm trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn.
Mặc dù vậy, một số ý kiến khác nhận định rằng các biện pháp hạn chế này chủ yếu sẽ khiến nền kinh tế Hoa Kỳ gặp bất lợi, bởi vì các quốc gia khác tiếp tục củng cố quan hệ đối tác công nghệ với Trung Quốc và Trung Quốc không thiếu vốn.
Ông Nicholas R. Lardy, thành viên cấp cao không thường trú tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết Mỹ cung cấp chưa đến 5% vốn đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc trong năm 2021 và 2022.
Chuyên gia này chỉ ra: “Trừ khi các nhà đầu tư lớn khác ở Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế tương tự, tôi nghĩ điều này thật lãng phí thời gian. Việc thúc đẩy chính sách này giờ đây chỉ đơn giản là có lợi cho những người ở Bắc Kinh, những người tin rằng Mỹ đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc và không quan tâm đến việc xây dựng các kênh đối thoại mới hoặc sự ‘tan băng’.”
Đồng quan điểm, theo Claire Chu, một nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc tại Janes, một công ty tình báo quốc phòng, việc truyền đạt và thực thi biện pháp này sẽ rất khó khăn và các quan chức sẽ cần phải tham gia chặt chẽ với Thung lũng Silicon và Phố Wall.
Chính quyền Mỹ dự kiến sẽ cho các doanh nghiệp và các tổ chức đánh giá về các biện pháp mới nói trên trước khi ban hành trong những tháng tới.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Việt Nam phản đối việc Trung Quốc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa |
Các nước lo lạm phát, Trung Quốc lại lo giảm phát |
"Giật mình" với quyền lực mềm của Trung Quốc |