Dừng khí đốt qua Ucraine: Lời đe doạ nặng ký
(PetroTimes) - Mặc dù đã một tuần sau khi Gazprom dọa ngừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine, khí đốt của Nga vẫn tiếp tục được vận chuyển qua nước này như bình thường, theo dữ liệu truyền dẫn khí đốt cho thấy.
Áo lo ngại OMV sẽ tiếp tục mua khí đốt từ Nga |
Hợp đồng LNG ngắn hạn hay dài hạn mới thực sự quan trọng đối với châu Âu? |
Ảnh minh họa |
Vì sao Người phát ngôn lên tiếng
Chủ tịch điều hành Gazprom, ông Alexei Miller, đã làm tăng nguy cơ trong tranh cãi trung chuyển khí đốt giữa Moscow và Kyiv bằng lời cảnh báo vào ngày 6/7 rằng công ty không thể loại trừ khả năng Nga sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Naftogaz của Ukraine.
Ông Dmitry Peskov - phát ngôn viên của Điện Kremlin khẳng định lại điều cảnh báo của ông Miller, Nga có khả năng sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt lên công ty khí đốt Naftogaz của Ukraine, nếu công ty này tiếp tục có thêm những hành động kinh doanh không lành mạnh.
Được biết, Naftogaz của Ukraine tiếp tục đưa ra những yêu sách bất hợp pháp về việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu. Đồng thời, bản thân công ty cũng đã “vi phạm nghĩa vụ hợp đồng với những lý do bịa đặt”.
Trong một tuyên bố bằng video được chia sẻ trên kênh truyền thông xã hội Telegram của Gazprom, ông Miller cho biết công ty sẽ ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống của Naftogaz tới châu Âu để trả đũa cho những nỗ lực của Ukraine nhằm đòi bồi thường hàng tỷ USD tại tòa án quốc tế và việc Gazprom không tôn trọng điều khoản "ship-or-pay" trong hợp đồng khí đốt giữa hai công ty.
Trước đó, vào tháng 9/2022, Gazprom cũng đã tuyên bố Moscow có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Naftogaz vì tranh chấp quá cảnh, điều này sẽ buộc Gazprom phải ngừng mọi tương tác với công ty Ukraine và cắt đứt dòng khí đốt qua nước này.
Có thể thấy rằng tranh chấp trung chuyển khí đốt giữa hai công ty không còn là vấn đề nằm ở phạm vi các công ty với nhau mà nó đã mang tầm cỡ quốc gia khiến Kremlin và Kiev vào cuộc.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Peskov cho biết: “Đương nhiên, chúng tôi sẽ không cho phép ai xâm phạm lợi ích của chúng tôi".
Tuy nhiên, dòng khí đốt trung chuyển qua Ukraine vẫn ổn định trong những ngày sau đó, ở mức trên 40 triệu m3 mỗi ngày. Những yêu cầu mới nhất là 42,4 MMcm/d cho ngày 11/7 và 12/7, theo dữ liệu từ Gazprom.
Khi TASS hỏi về thời gian áp dụng biện pháp trừng phạt, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết: "Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào diễn biến tình hình trong lĩnh vực này. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình”.
Một câu hỏi đặt ra là lời đe dọa của Gazprom nhằm mục đích gì? Và việc ông Miller lặp lại lời đe dọa vào tuần trước có thể báo hiệu một quyết định chính trị nhằm chuẩn bị cho việc cắt đứt hay nỗ lực gây áp lực lên châu Âu và khiến châu Âu buộc Kiev phải từ bỏ yêu sách. Ông Miller cho biết những nỗ lực của Naftogaz để tiếp tục vụ kiện trọng tài “cho thấy lựa chọn không hợp tác của họ trong việc đảm bảo quá trình trung chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu và một thái độ thù địch chung đối với Nga”.
Hội nghị thượng đỉnh NATO
Việc châu Âu giảm hỗ trợ cho Ukraine ngày càng quan trọng đối với Moscow khi Hội nghị thượng đỉnh NATO tập trung vào tuần này tại Vilnius để thảo luận về việc Kiev gia nhập liên minh.
Gazprom sẽ không tham gia tranh chấp trọng tài vì họ không tin tưởng các tòa án châu Âu sẽ công bằng. Ông Miller đưa ra lý do rằng, Tòa trọng tài trong đó có Thụy Sĩ, quốc gia đã thực hiện các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại Nga và Thụy Điển, quốc gia muốn gia nhập NATO.
Ông Miller cũng chỉ ra đề nghị gần đây của Naftogaz đã đệ trình lên tòa án Mỹ để phán quyết trị giá 5 tỷ USD trước đó mà tòa trọng tài ở Hague đã yêu cầu Moscow bồi thường thiệt hại và tài sản bị mất ở Crimea do Nga sáp nhập bán đảo này vào năm 2014.
Phản ứng của thị trường
Tuy nhiên, phản ứng tức thời của thị trường trước cảnh báo đóng van khí qua Ucraine khá hạn chế.
Hợp đồng tương lai khí đốt TTF của Hà Lan giao sau giảm gần 6% vào ngày 6/7 xuống mức 32,35 euro mỗi megawatt giờ (10,4 đô la mỗi triệu Btu) và mặc dù tăng nhẹ vào ngày 7/7, nhưng nó vẫn tiếp tục giảm trong tuần này.
Dòng khí đốt trung chuyển qua Ukraine tiếp tục cung cấp cho một số thị trường châu Âu - Slovakia, Áo, Slovenia, Ý và Moldova không thuộc EU. Giám đốc điều hành OMV - ông Alfred Stern cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, công ty Áo sẽ tiếp tục nhập khẩu khí đốt theo hợp đồng của Gazprom “miễn là Gazprom còn cung cấp”.
Ngay cả khi Gazprom không khoá van khí qua Ukraine sớm hơn, thì hoạt động này vẫn có thể sẽ dừng vào cuối năm 2024 khi hợp đồng 5 năm hiện tại hết hạn.
Turk Stream tăng công suất
Khí đốt chảy qua tuyến đường ống quan trọng khác đến châu Âu - đường ống Turk Stream cung cấp cho các quốc gia Balkan và Hungary, tiếp tục tăng trong tháng 7.
Moscow muốn duy trì Turk Stream là tuyến đường xuất khẩu chính sang châu Âu và tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ duy trì và tăng doanh số bán khí đốt của Nga sang châu Âu bất chấp sự bế tắc lớn giữa Moscow và EU.
Yến Anh