"Sống trong sợ hãi" ở nơi khách không dám đến, trẻ phải dọn đi, đầy ruồi muỗi và rác
Ruồi, muỗi, mùi rác, nước bẩn là 4 nỗi ám ảnh mà người dân ở xã Thái Mỹ (Củ Chi, TPHCM) phải chịu đựng suốt nhiều năm qua, khi sống gần khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.
"Nước hút từ giếng khi nhà ở cạnh bãi rác thì làm sao gia đình dám sử dụng?" - anh Bình (44 tuổi, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM) chỉ tay về phía chiếc ống bơm đã ám vàng và lên tiếng phân trần.
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2003, khu vực anh Bình sinh sống được TPHCM lựa chọn để xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.
Những ngày tháng đầu tiên, anh Bình nhớ, mặc dù lượng rác đưa về lớn nhưng được xử lý kịp thời nên người dân chưa cảm nhận sự ô nhiễm bủa vây. Vài năm sau, nước trong chiếc giếng đào sâu của các hộ dân bắt đầu ngả màu, đóng phèn và có mùi hôi.
Gia đình anh Bình xây bể lọc để dùng cho sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay nước ngầm bơm từ giếng lên bắt đầu vàng, phèn và có mùi. |
Nhanh chóng gia đình anh Bình đã cải tạo căn bếp trở thành một bể lọc rộng chừng 10 người ôm. Bể được chia thành 2 phần, ngăn đầu tiên anh Bình rải phía dưới lớp sỏi, cát, than để nước rỉ từ từ sang ngăn vách thứ 2.
"Qua bao nhiêu đó thì nước và chất bẩn có thể được lắng xuống, thế nhưng lọc thì lọc chứ ít nhiều vẫn còn. Bởi vậy nên bệnh do ô nhiễm không bị ngay liền mà nó sẽ thấm từ từ", anh Bình nói.
Cuối cùng, gia đình anh Bình đành chọn cách mua nước đóng bình để ăn uống, sinh hoạt. Riêng chiếc giếng đã gắn bó với gia đình giờ chỉ dùng cho việc tắm rửa, tưới cây trái trong vườn nhà.
Khách ngại đến nhà, con chuyển đi nơi khác sinh sống
Ruồi, muỗi, mùi rác, nước bẩn, đó là 4 thứ mà anh Bình khẳng định là những điều mà tất cả người dân ở xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TPHCM) phải vật vã chịu đựng.
Căn nhà cấp 4 của anh nằm sát mé kênh lớn. Thuở nhỏ, anh vẫn cùng cha tắm rửa, thả cá và ngắt rau dại ở đó để nấu bữa cơm. Thế nhưng, vài năm khi nước thải được cho là rỉ ra từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, cả con kênh và giếng nước gia đình anh đều thay đổi.
Từ ngày ấy, 2 đứa con của anh Bình đành chuyển về nhà ngoại sinh sống. Thậm chí, có thời gian con nghỉ học về thăm cha, nhưng chỉ ở được vài ngày, cả hai lại xin phép được nhanh chóng quay trở về nhà ngoại vì không thích ứng được với mùi rác và nước bẩn.
"Mùa mưa, mùi hôi thối với ruồi, muỗi kinh lắm. Mỗi lần khách đến chơi, mình đã đặt sẵn miếng dán ruồi, xịt thuốc khắp ngõ ngách nhưng họ không quen thì vẫn buồn ói như thường. Ở gần bãi rác phải chịu cảnh thôi chứ biết sao giờ", anh Bình cười.
Khung cảnh "núi rác" bên trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. |
Tương tự, hộ gia đình ông Tiễn (70 tuổi) hơn 10 năm nay cũng bị ám ảnh bởi cảnh rác thải chất thành núi. Ngày 11/7, khi gặp phóng viên, ông Tiễn dẫn chúng ra mục sở thị con nước đen liên tục đổ từ nhà máy xử lý rác qua nhà, bao lấy bếp ăn của gia đình trước khi đổ về hướng con kênh lớn.
Những năm đầu tiên, nước rỉ từ bãi rác chảy theo rãnh cây còn ít, nên ông Tiễn vẫn sử dụng giếng nước. Thế nhưng, sau một thời gian, ông đành chế tạo một lúc 2 bể lọc với mong mỏi có thể loại bỏ phần nào chất bẩn.
Dòng nước đen được cho rỉ ra từ bãi rác, đi theo cách rãnh trồng cây chảy ngang hộ gia đình nhà ông Tiễn. |
"Điều kiện không có chứ chẳng ai muốn ở đây cả. Giấc sáng với đêm thì cả mấy cây số vẫn còn mùi, mình chẳng muốn mở cửa luôn. Nước giếng đã lọc vẫn hôi nên rửa chén thì cuối cùng vẫn phải rửa lại bằng nước sạch", ông Tiễn vừa nói vừa dắt chúng tôi đi xuyên qua những chuồng bò.
Ở đằng sau dây phơi quần áo của gia đình, ông Tiễn chia sẻ từng là một khoảng trời xanh ngăn ngắt của thửa rừng tràm, thế nhưng chỉ sau 2 năm nó đã bị che phủ bởi núi rác và những tấm bạt HDPE đen kịt.
Ông Tiễn chia sẻ bản thân đã phải sống chung với mùi hôi thối, ruồi, muỗi và nước ô nhiễm nhiều năm nay. |
Vất vã "sống trong sợ hãi" với rác
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc tại xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi, TPHCM) có diện tích 687ha, bao gồm 2 doanh nghiệp: Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Vietstar.
Trong tổng số gần 10.000 tấn rác được TPHCM thải ra mỗi ngày, khu liên hợp này đã tiếp nhận xử lý 3.000 tấn bằng chôn lấp và tái chế phân bón, công nghệ đốt phát điện... Thế nhưng, từ năm 2018, cả 2 nhà máy trên đều thường xuyên rơi vào tình trạng tiếp nhận vượt quá công suất thiết kế.
Nhiều năm nay, cả 2 nhà máy thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đã phải tiếp nhận rác vượt công suất thiết kế. |
Theo kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) năm 2018, Công ty CP Vietstar đã tiếp nhận 1.800 tấn rác/ngày, trong khi công suất thiết kế ban đầu chỉ là 1.400 tấn. Đến năm 2020, lượng rác của nhà máy này tiếp tục tăng khoảng 2.000 tấn/ngày.
Riêng đối với Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa, giữa tháng 12/2020, khối lượng chất thải sinh hoạt tiếp nhận xử lý là 1.300 tấn/ngày trong khi công suất thiết kế là 1.000 tấn/ngày.
Ngay sau đó, Tổng cục Môi trường đã xử lý vi phạm hành chính đối với cả 2 doanh nghiệp vì lỗi chưa xử lý dứt điểm lượng rác nhận về, dẫn đến tình trạng rác thải tồn đọng, gây hôi thối, ô nhiễm môi trường.
Song song với việc hình thành các bãi chôn lấp và xử lý trên, từ năm 2003, TPHCM cũng thu hồi 256 ha đất nhằm xây dựng vành đai 40.000 cây xanh ngăn cách và bảo vệ hộ dân. Tuy nhiên, đến nay sau 20 năm, dự án vẫn chưa trở thành hiện thực.
"Mùi hôi thối chỉ là một phần của sự ô nhiễm. Nước từ rác thải đã ngấm xuống đất. Khu vực đó không thể có cây nào sống được", bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi từng trao đổi với phóng viên Dân Trí.
Trong đó, suốt nhiều năm nay, vị Chủ tịch huyện Củ Chi vẫn mong muốn sớm triển khai dự án trồng cây xanh cách ly theo kế hoạch. Với bà Thanh Hiền, dự án hoàn thành sẽ phần nào giảm thiểu vấn đề ô nhiễm, tạo cho người dân cơ hội để tìm nơi khác an cư, lạc nghiệp và có đất để canh tác, sản xuất.
Việc không thể triển khai vành đai cây xanh ngăn cách đã khiến ô nhiễm nước, không khí, đất... diễn ra trong suốt nhiều năm nay trên địa bàn huyện Củ Chi. |
Được sống trong môi trường không còn ô nhiễm, không chỉ là mong ước của lãnh đạo huyện, mà còn là toàn bộ hộ dân đang chịu ảnh hưởng trực tiếp, ngày này sang tháng khác, từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.
Anh Bình kể, mỗi tuần, đội cán bộ với chiếc bình khử mùi, chống ruồi muỗi vẫn tất tả đi khắp các con đường, lùm cây trong xóm nhằm hỗ trợ dân. Nhiều lần gia đình anh Bình lên tiếng xin thêm thuốc phòng tránh tình trạng bị côn trùng tấn công, cán bộ còn mang đến tận nhà.
Anh Bình chia sẻ, việc sống trong môi trường không ô nhiễm đã là mong ước của toàn thể người dân chịu ảnh hưởng bởi khu xử lý rác thải. |
2 năm trước, một chiếc bể inox với thể tích 5.000 lít đã được đặt ngay giữa sân nhà của bà Lê Thị Hằng (63 tuổi, Tổ trưởng tổ 14, ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi) nhằm phục vụ nước sạch miễn phí cho 30 hộ gia đình. Đó là một ngày vui của bà con toàn xã khi không còn cần sử dụng nguồn nước thiên nhiên.
Bà Hằng chia sẻ, cứ mỗi buổi chiều, bà con lại cột những chiếc can nhựa 30 lít, chạy xe đến trước nhà bà, đợi chờ nhau lấy nước sạch. "Tháng nhiều thì xe lớn đổ 3 lần, tháng ít thì 2 lần, nước an toàn nên sẵn sàng dùng để rửa rau, tắm giặt, nấu lên uống… Điều này vô cùng tốt, đặc biệt là cho bà con ở trọ trên địa bàn", bà Hằng cười.
Bà Hằng chia sẻ niềm vui khi bể nước inox 5000 lít được lắp đặt miễn phí cho dân sử dụng vào 2 năm trước. |
Hiện tại, ông Tiễn đã từ bỏ việc sử dụng nước giếng để nấu ăn. Chiếc bồn inox được ràng chắc chắn bằng gỗ, đặt giữa nhà khách như một món báu vật sáng loáng trong căn chòi đất của ông già.
Cứ mỗi tuần, ông Tiễn sẽ chạy vào khu dân cư có đường nước sạch của huyện Củ Chi để chở từng can về đổ vào bồn. Ông lão ngoài 70 nhưng chưa bao giờ nghĩ tới ngày sẽ nghỉ việc chở nước khi vẫn tiếp tục sinh sống cạnh bãi rác.
Chờ đợi ngày được sống đúng nghĩa là... sống
Qua 20 năm, nhiều hộ dân ở xã Phước Hiệp đã được đền bù và chuyển sang nơi khác. Suốt thời gian ấy, anh Bình vẫn mong mỏi đến một ngày cùng gia đình mình định cư ở một khu vực ổn định hơn.
Năm 2021, cán bộ xuống đo đạc nhà, đếm từng cây trong vườn, lòng anh Bình vui như đánh trống. Thế nhưng, dự án chưa vào đâu thì dịch Covid-19 tràn vào. "Đến nay thì mình chẳng còn nghe gì nữa nên không biết đến bao giờ", anh Bình tặc lưỡi.
Đến nay sau 20 năm, lượng rác trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đã chất thành núi. |
Nhiều năm liền sống cạnh rồi trở thành công nhân của nhà máy xử lý rác, bà Út đã quen thuộc với mùi rác thải. Mỗi lần nghe sắp sửa được đền bù, chuẩn bị tái định cư ở khu vực mới, bà Út mừng lắm!
2 năm trước, cán bộ đến và cắm một cái cột mốc giữa quán nước, bà Út đã đinh ninh chuyến này chắc chắn sẽ đi. Thế nhưng, thời gian trôi qua, cột mốc vẫn nằm đó.
Cái giếng sau nhà từng được bà Út khẳng định là sạch nhất xã, đến nay đã không còn được sử dụng. Quay vào nhà, vừa nấu mì cho khách bằng mớ nước sạch mà mỗi lần mua bà Út phải chở cùng lúc 50 bình, bà Út vừa mỉm cười phân trần:
"Yên tâm! Ở cạnh bãi rác chớ nước nhà tôi rửa cái rau, chế tô mì đều phải là bình nước sạch. Tôi xài gì thì khách tôi xài loại đó, không có bậy được…".
Khói bụi mù mịt bủa vây cuộc sống của người dân mỗi ngày. |
Trước vấn đề gây hoang mang dư luận tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, ông Phan Văn Mãi (Chủ tịch UBND TPHCM) đã khẳng định tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi năm 2022, rằng chính quyền đã nắm được vấn đề người dân phản ánh. Đây cũng là một trong những nội dung được UBND huyện Củ Chi kiến nghị thành phố trong lần làm việc mới đây.
Hiện tại, dự án đã được UBND TPHCM giao Sở Tài nguyên &Môi trường thực hiện các khâu chuẩn bị để triển khai. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, vấn đề của việc ô nhiễm khu liên hợp xử lý rác còn nằm ở những phần việc khác.
"Vấn đề ở đây không phải triển khai dự án trồng cây xanh cách ly, tạo vùng đệm mà nằm ở công nghệ xử lý rác. Nếu chúng ta không thay thế công nghệ hiện tại, áp dụng những công nghệ mới, thì không thể xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm, có trồng cây xanh cách ly cỡ nào cũng không thể giải quyết được ô nhiễm và mùi hôi", Chủ tịch UBND TPHCM nhận định.
Người đứng đầu chính quyền thành phố thông tin thêm, vừa qua, UBND TPHCM đã làm việc với Sở Tài nguyên &Môi trường để rà soát, đánh giá năng lực xử lý rác trên địa bàn. Qua đó, thành phố sẽ đánh giá lại công nghệ xử lý, tình hình đầu tư các dự án để đưa ra định hướng thời gian tới.
Theo Dân trí
Kinh hoàng công nghệ xử lý rác ở Củ Chi: Môi trường bị bức tử, dân hoang mang |
Khói mù mịt, nước bẩn bủa vây người dân quanh khu xử lý rác huyện Củ Chi |