Kinh hoàng công nghệ xử lý rác ở Củ Chi: Môi trường bị bức tử, dân hoang mang
(PetroTimes) - Mặc dù đã nhiều lần báo chí lên tiếng về khả năng xử lý rác của hai công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa, bị các cơ quan chức năng nhiều lần nhắc nhở… thế nhưng đến hôm nay, tình trạng nhếch nhác, làm ô nhiễm môi trường sống, rừng nguyên sinh, ao hồ tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi theo thời gian dường như càng tệ hại hơn.
Cả hai công ty đều kín cổng, cao tường, có lớp hàng rào bảo vệ dày đặc, người lạ khó lọt vào. Mọi hoạt động của họ đều tách biệt với thế giới bên ngoài một cách bí mật, khác thường. Thế nhưng mùi hôi thối, khói bụi, sự tàn phá môi trường họ không thể che đậy, giấu kín.
Chúng tôi đã có chuyến thâm nhập thực tế để mục sở thị, ghi nhận hiện trạng môi trường xung quanh cũng như lắng nghe ý kiến của người dân. Mong rằng sau khi xem những hình ảnh này, lãnh đạo TP.HCM, Bộ Tài Nguyên Môi Trường sớm có biện pháp xử lý, trước khi môi trường nơi đây không còn cách phục hồi và khu rừng nguyên sinh hiếm hoi của thành phố biến mất.
"Ao chứa nước rỉ rác" lộ thiên của Vietstar với những mảng nhựa chống thấm rách nát |
Cá bắt dưới kênh không ai dám ăn
Bãi rác cao như núi của Vietstar mặt trước giáp kênh 18, mặt sau giáp kênh 17. Cả hai con kênh 17, 18 đều có màu vàng sậm, tanh tưởi của nước rỉ rác, thông ra con kênh lớn Thầy Cai. Vietstar từng bị UBND Huyện Củ Chi phạt 14 triệu vì xả nước thải ra kênh 18 vào tháng 6 năm 2010.
“Ngày tui còn nhỏ, tui thường nhảy xuống kênh tắm, lội qua lội lại. Nước trong xanh, thấy rong ở tận đáy. Từ ngày có nhà máy xử lý rác, nước kênh hôi thúi không ai dám tắm, con cá bắt dưới kênh đầy ghẻ chóc cũng không ai dám ăn…”, nằm đung đưa võng ở quán nước ven kênh Thầy Cai, gần hai nhà máy rác Tâm Sinh Nghĩa và VietStar, bà M., một người dân có nhiều năm sinh sống tại khu vực gần nhà máy, nói.
Theo bà M., gia đình bà có 3 người thân gồm em trai con dì, em rể và đứa cháu đang làm ở Vietstar. Bà Mỹ rành rẽ: “Trước đây lương cũng khá cao. Bây giờ họ giảm nhân viên, bớt lương. Trừ hết này nọ, lương chừng 10 triệu ngoài thôi. Mà phải quen biết họ mới nhận vô làm, chứ người lạ dễ gì”.
Một cơn gió thoảng qua. Mùi tanh từ dưới con kênh lờ đờ rác, sẫm màu… xộc lên mũi, bà M. nhăn mặt, ngưng câu chuyện, kéo vội khẩu trang.
“Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa là con kênh này hôi thúi chịu không nổi”, bà M. nói.
“Mùa khô thì họ tưới nước lên rác, cho rác mụt, xẹp xuống để có chỗ đổ rác mới. Nước rỉ rác chảy xuống hồ chứa, nhưng mùa mưa dầm dề thì làm sao hồ nào chứa nổi. Mùi hôi từ bãi rác theo gió bay khắp xã Thái Mỹ, Phước Hiệp”. Bà M. giải thích.
Những mảng bạt phủ rác bị bong tróc, trơ rác ra ngoài trời của khu xử lý rác của Công ty Vietstar |
Đang cuộc trò chuyện thì có hai thanh niên tấp vào quán nước. Họ mới đi tìm hái thuốc nam trong các khu rừng nguyên sinh quanh hai nhà máy rác về. Nghe chuyện, một người tên T. chen ngang: “Hôm nay anh hên đó, đi buổi sáng ít hôi. Chứ buổi chiều, anh mới thấy cái cảnh hôi. Họ mở bạt ra, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Mưa xuống còn hôi kinh khủng”.
Nói về mức độ kênh Thầy Cai ô nhiễm, người thanh niên còn, tên B., lại kể: “Bữa đi câu, câu được con cá rô, nhìn thấy ớn. Đuôi, vây đều rụng hết, ghẻ đầy mình. Từ ngày có hai nhà máy rác, cá bắt dưới kênh không ai dám ăn”.
Tự hào với công nghệ tái chế rác thành phân compost tiên tiến, được cấp bằng độc quyền sáng chế tại Mỹ (công nghệ Lema) nhưng khi thâm nhập vào bãi rác của công ty thì hỡi ôi!
Từ xa, đã thấy đống rác cao ngùn ngụn như núi, phủ bạt đen rách lổ chổ của Vietstar, soi bóng bên dòng kênh màu gỉ sắt, lềnh bềnh rác. Cách mặt tiền công ty vài bước chân, ngay dưới chân “núi” rác là một miệng cống thông ra kênh 18, chảy ra kênh Thầy Cai.
Ở phía sau, bãi rác đồ sộ của Vietstar nằm sát con đường đi vào nhà dân ngăn cách bởi hàng rào kẽm xiêu vẹo. Bạt phủ bãi rác rách nát, rác lộ thiên, có nơi rác đổ tháo ra đường. Mái che kho rác xiu vẹo, nhếch nhác. Đứng từ bên ngoài có thể nhìn thấy nhiều vũng nước rỉ từ rác lênh láng bên trong, tràn trên nền đất.
Trong công nghệ xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp thì khâu xử lý nước rỉ từ rác rất quan trọng. Vietstar có “công nghệ” xử lý nước rỉ rác độc chiêu, chẳng khác nào nông dân nước ta đào ao nuôi cá. Họ đào rãnh theo vòng cung quanh đống rác cao ngùn ngụn của mình, sau đó lót thêm tấm nhựa để… chống thấm, và hứng nước rỉ từ trên chảy xuống!
Nước rỉ rác bầy hầy, sát đường dân đi qua lại từ nhà máy xử lý rác của công ty Vietstar |
Theo quan sát của chúng tôi, nước rỉ từ bên trên đống rác cao như núi chảy xuống rãnh theo các ngóc ngách, với lưu lượng chẳng khác nào dòng suối. Với lượng rác hàng nghìn tấn mỗi ngày, lượng nước rỉ tính theo đơn vị hàng trăm mét khối/ngày thì những rảnh nhỏ này có kham nổi? Điều lạ là có những khu vực, nước rỉ cứ đổ xuống, nhưng mực nước ao “cố định”, không dâng lên. Vậy nước rỉ thoát đi đâu?
Tại khu chứa nước rỉ rác đồ sộ nhất, nằm phía của nhà máy Vietstar, nồng nặc mùi tanh tưởi, chúng tôi nhận thấy ao chỉ cách con kênh 17 dẫn ra kênh Thầy Cai chừng 5 mét, sát con đường dân cư qua lại. Những tấm bạt nằm trên bờ đê đã mục, thủng. Liệu phần bạt nhựa quanh năm tiếp xúc với nước rỉ rác độc hại được lót chìm bên dưới ao có tránh được mụt nát và thủng? Nguy cơ nước rỉ rác ngấm vào đất, tràn ra kênh Thầy Cai là rất lớn. Chưa kể là rãnh chứa nước rỉ nằm lộ thiên, mùa nắng thì bốc hơi, bốc mùi theo gió bay khắp vùng. Mùa mưa đến, lượng nước rỉ từ trên bãi rác chảy xuống lớn, cộng thêm các rãnh nước rỉ hứng trọn các cơn mưa thì làm sao dám chắc nước rỉ không thoát ra môi trường?
Trong vai một người sắp mở một bãi rác nhỏ ở quê nhà muốn tham quan bãi rác, chúng tôi xin lên xe vận chuyển rác của tài xế Th. từ bãi tập kết rác của huyện Củ Chi nằm trên Tỉnh lộ 8, về công ty Vietstar. Người ra vào công ty được Vietstar kiểm soát ngặt nghèo, nhưng may mắn chúng tôi đã lọt qua được cổng bảo vệ. Tại kho tiếp nhận rác của “công ty xử lý rác công nghệ Mỹ”, chúng tôi choáng ngộp trước một quang cảnh nhếch nhác, nhộn nhạo. Dưới ánh đèn lờ mờ, trần thấp, nhiều chỗ thấy được ánh sáng mặt trời rọi xuống từ các lỗ thủng, những chiếc xe máy xúc liên tục vận chuyển rác ra phía sau. Nếu so với nơi tiếp nhận rác ngoài Tỉnh lộ 8 của huyện Củ Chi, thì một nơi có công nghệ Mỹ còn khủng khiếp hơn về mùi hôi thối và sự ngột ngạt. Khi người của Vietstar phát hiện chúng tôi quay clip, họ rất hoảng hốt, lập biên bản và đòi chúng tôi xóa clip, hình ảnh vì sợ lọt ra ngoài.
Rảnh nước rỉ nằm cạnh kênh 17 |
Vietstar được thành phố HCM trả tiền xử lý rất sòng phẳng, giá cao, nhưng Vietstar dường như đầu tư rất kém. Đến nay, họ cũng không xây dựng vành đai cây xanh ngăn cách với khu dân cư cho đúng luật bảo vệ môi trường, chỉ trông vào…cỏ dại mọc quanh rào kẽm!
Khốn khổ vì vừa phải ngửi khói, vừa ngửi mùi hôi
Nhà máy xử lý rác của Tâm Sinh Nghĩa chỉ cách Vietstar một cây cầu bắc qua kênh 18 chảy ra kênh Thầy Cai. Nói về nhà máy này của Tâm Sinh Nghĩa, nhìn vào những sự việc những năm gần đây, thì có thể thấy có phần nhận được sự “ưu ái” của Sở Tài nguyên – Môi trường TP. Hồ Chí Minh. Không chỉ từ cách Sở này ứng xử với ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Môi trường, UBND TP. Hồ Chí Minh với những vi phạm của Tâm Sinh Nghĩa cũng như của Vietstar. Trong khi các vấn đề tồn tại tại nhà máy xử lý rác của 2 đơn vị này vẫn chưa được khắc phục thì Sở này lại nhiều có ý kiến về việc thay thế công nghệ xử lý rác từ chôn lấp, vốn đã và đang được ông David Dương thực hiện tại bãi rác Đa Phước, sang công nghệ đốt điện. Điều này không khỏi khiến người ta đặt dấu hỏi về sự minh bạch, công tâm trong việc điều phối, phân bổ nguồn rác cho các đơn vị xử lý rác khu vực TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt khi hoạt động của cả 2 nhà máy của Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar đã nhiều lần bị báo chí lên tiếng phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường.
Cũng phải nói thêm, bãi rác Đa Phước của ông David Dương đã tiên phong xử lý rác cho thành phố bằng công nghệ chôn lấp của Mỹ, gắn bó với người dân TP. Hồ Chí Minh đã gần 20 năm nay và đang bị thành phố nợ tiền xử lý rác gần 4000 tỉ đồng.
Phải chăng vì được ưu ái như vậy mà Tâm Sinh Nghĩa tha hồ nhả khói mịt mù, mặc cho người dân hửi khói lẫn mùi hôi?
Khói đen mịt mù trong lúc công ty Tâm Sinh Nghĩa xử lý đốt rác |
Chúng tôi đứng trước 3 cột khói của nhà máy Tâm Sinh Nghĩa, quan sát. Các cột khói thay nhau nhả khói đen mịt mù như lò gạch, kéo dài mỗi đợt chừng 30 phút. Khói đen theo gió có khi tạt ra tỉnh lộ 8, có lúc tạt về hướng Vietstar, lan ra các khu vực lân cận.
Bao năm nay, người dân các xã Thái Mỹ, Phước Hiệp, Tân An Hội… kêu trời không thấu, vì vừa phải ngửi khói, vừa ngửi mùi hôi từ nhà máy rác Tâm Sinh Nghĩa.
Thanh niên tên B. cho biết buổi chiều, con đường Cây Trôm khói… như Đà Lạt, là giờ nhà máy đốt rác củaTâm Sinh Nghĩa “tích cực” đốt rác.
Đứng bên ngoài công ty, nhưng mùi hôi thối xộc vào mũi nồng nặc, gây cảm giác nôn ói. Theo tìm hiểu của chúng tôi và thông tin trên các trang báo thì Tâm Sinh Nghĩa đã nhận rác vượt khả năng xử lý nên dồn ứ, phải “cất” trong kho chờ sơ sài, là nguyên nhân dậy mùi hôi khắp vùng.
Cả hai công ty xử lý rác tọa lạc nơi dân cư thưa thớt, gần rừng nguyên sinh, sông hồ… có lẽ chính vì vậy mà họ tự tin rằng việc gây ô nhiễm môi trường ít ai biết, ít ai phản ánh nên mặc sức tung hoành bấy lâu nay. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng vào cuộc để làm sáng rõ những vấn đề trên và có biện pháp dứt điểm để xử lý những tồn tại tại 2 nhà máy xử lý rác này, trả lại môi trường thiên nhiên trong lành cho con cháu mai sau trước khi quá muộn màng.
Petrotimes sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả!
Duy Anh
Thu phí "cưỡng bức" ô tô vào nội đô Hà Nội từ năm 2024: Nên hay không? |
Cá chết hàng loạt: Hồ Tây lại có dấu hiệu ô nhiễm |
Hà Nội: Con ngõ dài 200m ngập trong rác khiến người dân khốn khổ |