Chánh & chính - Cửa nghè
(Petrotimes) - Bạn đọc: 1. Xin ông cho biết “chánh” với “chính” khác nhau như thế nào? Hiền Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) 2. Một số đình làng có “cửa nghè” ở chính diện trước đình, có một cửa lớn và hai cửa nhỏ. Tại sao gọi là “cửa nghè” và ý nghĩa của nó? Trân trọng cảm ơn bác. Văn Lâu (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội)
Học giả An Chi:
1. Chánh & chính: “Chánh” và “chính” là những hình vị Hán Việt và là hai điệp thức liên quan chữ [正] mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là “chính”. Trong hệ thống ngữ âm Hán Việt thì ba vần -inh, -ênh, -anh có thể thông chuyển với nhau trong nhiều trường hợp. Chữ “thánh” [聖] trong “thánh nhân” lẽ ra phải đọc thành “thính” vì âm của nó trong Quảng vận là “thức chính thiết” [式正切 = th(ức) + (ch)ính = thính]. Ngược lại, chữ “kính” [敬] trong “cung kính” lẽ ra phải đọc là “cánh” vì âm của nó trong Quảng vận là “cư khánh thiết” [居慶切 = c(ư) + (kh)ánh = cánh]. Vì thế nên ta có những mối quan hệ từ nguyên sau đây:
- Bính [餅] cũng đọc bỉnh > bánh (trong bánh kẹo);
- Bính [昺] = sáng > bảnh trong bảnh bao, bảnh mắt;
- kinh [經] > canh (sợi dọc trên khung cửi);
- đỉnh [頂] chóp đầu > đảnh trong đảnh lễ;
- định [定] > đành trong đành lòng;
- lĩnh [領] cũng đọc lãnh;
- quỳnh [煢] > quạnh trong cô quạnh; v.v...
Trở lên là nói về quan hệ từ nguyên; còn nói về quan hệ đồng đại giữa phương ngữ với nhau thì ta có “-inh (Bắc) = -anh (Nam [chủ yếu trong khẩu ngữ])” như:
- Chính trong chính yếu = chánh trong chánh thức;
- Lĩnh (trong lĩnh lương) = lãnh (trong lãnh tiền);
- Tính trong tính tình = tánh trong tánh nết;
- Sinh trong sinh thành = sanh trong sanh đẻ.
Nhưng trường hợp “chính = chánh” liên quan đến chữ [正] thì cần được nói rõ thêm. Trong một vài lần trước đây, khi nói qua về từ nguyên của chữ “giêng” trong “tháng giêng”, để cho gọn tiện, chúng tôi đã theo ý kiến khá phổ biến đã có từ lâu mà nói rằng, nguyên từ (etymon) của nó là “chính” [正] trong “chính nguyệt” [正月]. Sự thật không đơn giản như thế vì chữ [正] có đến hai âm thuộc hai thanh điệu khác nhau. Âm thứ nhất là “chinh”, thuộc thanh bình (nhưng ta vẫn đọc thành “chính” trong “chính nguyệt”, “chính sóc”). Với âm này (“chinh”), đây mới là nguyên từ của “giêng” trong “tháng giêng”. Âm thứ hai là “chính”, với các nghĩa: đúng, phải; ngay thẳng; chủ yếu; v.v… Với âm này, nghĩa này, nó đã trở thành một từ độc lập trong tiếng Việt miền Bắc cũng như trong tiếng Việt toàn dân, còn ở trong Nam, nhất là trong khẩu ngữ thì nó vẫn được phát âm thành “chánh”. Nhưng cũng với nghĩa đang xét và âm “chánh”, nó lại tách ra thành một hình vị độc lập trong tiếng Việt toàn dân, từ Bắc chí Nam, với cái nghĩa mà Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng - Vietlex, 2007) giảng là “người đứng đầu một đơn vị, tổ chức, phân biệt với người phó”… Trong trường hợp này, hình vị “chánh” luôn luôn đứng đầu và làm trung tâm cho một danh ngữ, đặc dụng để chỉ chức vụ, như: chánh án, chánh chủ khảo, chánh sứ, chánh tổng, chánh văn phòng, v.v… Trong trường hợp này thì ngay cả trong tiếng Việt miền Bắc và tiếng Việt toàn dân, nó đều không thể được thay thế bằng “chính”.
2. Cửa nghè. Chúng tôi cho rằng chữ “nghè” trong danh ngữ “cửa nghè” mà bạn nêu, có liên quan chặt chẽ với chữ “nghè” trong “ông nghè”, là một danh ngữ quen thuộc hơn.
Người ta cho rằng, đời Lê chỉ có những vị tiến sĩ mới được vào làm việc tại chỗ gọi là “nghè” ở trong triều (do đó tiến sĩ mới được gọi là “ông nghè”). Đến đời nhà Nguyễn thì những người được vào làm việc trong nghè cũng đều gọi là “ông nghè”, mặc dù có thể họ không đỗ tiến sĩ. Vậy “nghè” là gì và bắt nguồn từ đâu? Đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [衙] mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là “nha”. Liên quan đến vấn đề đang bàn, từ này có cái nghĩa mà Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) cho như sau: Đời Đường, điện phía trước chỗ vua ngồi thiết triều (gọi là “nha”). Nghĩa này của chữ “nha” cũng chính là nghĩa của chữ “nghè”. Nhưng đây mới chỉ là chuyện ngữ nghĩa; còn về ngữ âm thì có liên quan gì? Xin thưa ngay rằng “nghè” chính là âm xưa của chữ “nha”. Về phụ âm đầu, nh- < ng- (dấu < đọc là “có sau”) là chuyện vẫn thường thấy:
– nha [牙] (ngà voi) < ngà trong ngà voi;
– nhạn [雁] < ngan trong ngan ngỗng;
– nhị [膩], béo, mỡ màng < ngậy trong béo ngậy; v.v…
Còn về vần, ta cũng có nhiều thí dụ về -e > -a (dấu > đọc là “có trước”):
– chè > trà [茶];
– hè (mùa) > hạ [夏];
– mè (vừng) > ma [蔴], vừng;
– the, trong áo the > sa [紗], lụa mỏng, nhẹ; v.v...
Cứ như trên thì từ “nghè” của tiếng Việt, dùng để chỉ một bộ phận kiến trúc trong cung vua, rõ ràng là bắt nguồn từ nghĩa đã nói của chữ “nha” [衙]. Rồi với nghĩa gốc dùng để chỉ một nơi tôn nghiêm trong cung vua, từ “nghè” đã có nghĩa phái sinh là nơi thờ phụng thiêng liêng, như còn có thể thấy trong quán ngữ “đình, chùa, nghè, miếu”. Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên giảng “nghè” là “miếu thờ thần”. Đình làng thường có nghè, là nơi thờ thành hoàng. Nghè dĩ nhiên phải có cửa, do đó mà có danh ngữ “cửa nghè”. Rồi dần dần “cửa nghè” mới được di chuyển để chỉ cái cửa chính diện trước đình, như bạn đã ghi nhận. Chúng tôi bước đầu nghĩ như thế; còn sự thực như thế nào thì có lẽ phải chờ ý kiến của các bậc thức giả.
A.C