Quy hoạch đô thị nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay
Biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nơi có mật độ dân số cao, nhiều nhà cao tầng và lượng cây xanh ít. Do vậy, cần có giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quy hoạch đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay.
1- Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng thiên tai, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Với Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, “nhiệt độ trung bình ở nước ta đã tăng khoảng 0,4°C trong 20 năm gần đây so với giai đoạn 1981 - 1990; nhiệt độ cực đại tăng ở các vùng, song giảm ở một số khu vực phía Nam”(1). Việt Nam là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước các tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, các đô thị “là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn”(2) cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đô thị là nơi tập trung đông dân cư và có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hiện nay, nước ta có trên 820 đô thị, mật độ dân số sống ở các đô thị cao gấp nhiều lần so với mật độ bình quân của cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn, như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2019, có hai thành phố này có mật độ dân số tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2, trong khi đó mật độ trung bình của cả nước chỉ 290 người/km2(3).
Để giảm thiếu sự tác động của biến đổi khí hậu lên khu vực đô thị, việc quy hoạch đô thị được xem là một trong những biện pháp quan trọng. Đây là quá trình “tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị”(4). Do đó, quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi của khí hậu sẽ góp phần làm giảm sự tác động xấu của môi trường lên cuộc sống của người dân thành thị, như ngập lụt, triều cường, bão, nhiệt độ tăng cao, hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm không khí… Quy hoạch cũng tạo ra không gian xanh, hồ điều hòa tại các khu đô thị, tạo nên môi trường sống trong lành cho người dân đô thị.
Toàn cảnh Thành phố Hồ Chí Minh_Nguồn: dantri.com.vn |
2- Trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đến khu vực đô thị, Chính phủ đã phê duyệt các đề án quy hoạch đô thị nhằm giảm thiểu những tác động không mong muốn từ biến đổi khí hậu, như Quyết định số 2623/QĐ-TTg, ngày 31-12- 2013, của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020”, với mục tiêu tổng quát là: “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị; rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong điều hành, quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu”(5); Quyết định số 438/QĐ-TTg, ngày 25-3-2021, của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030”, trong đó, đề ra mục tiêu tổng quát “chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát không khí, đất, nước ở đô thị theo tiêu chuẩn quốc tế, rà soát các văn bản có liên quan, tăng cường phối hợp với các đơn vị chuyên môn ở các bộ, ngành trong điều hành quản lý đô thị nhằm ứng phó với biến đổi của khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay”(6); Luật Quy hoạch đô thị năm 2020 xác định: “Bảo vệ môi trường, phòng ngừa hiểm họa ảnh hưởng đến cộng đồng, cải thiện cảnh quan, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử và nét đặc trưng địa phương thông qua việc đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình lập quy hoạch đô thị” (khoản 3, Điều 6).
Trên cơ sở chủ trương của Đảng, cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung, những năm qua, việc quy hoạch đô thị nhằm ứng phó với biến đổi của khí hậu đã đạt được những thành tựu to lớn, kết cấu hạ tầng từng bước được cải thiện, hệ thống cây xanh được quan tâm đầu tư, các ao hồ có sự cải tạo đáng kể. “Chất lượng nhiều đô thị được nâng cao nhanh chóng, từ nhà ở đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội. Nhiều không gian xanh được mở rộng, nhiều khu thương mại, dịch vụ và giải trí được xây dựng. Nhiều tuyến giao thông được xây dựng mới và nâng cấp. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 88%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 20%. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 86%”(7). Về cơ bản, chất lượng quy hoạch đô thị về không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng được ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân đô thị.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, “hệ thống đô thị phát triển nhanh về số lượng, mở rộng về quy mô, nâng dần chất lượng theo hướng đồng bộ, xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”(8). Bên cạnh đó, công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, đó là “triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, chủ động cam kết giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đã xây dựng Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước biển dâng, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn và Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Đã tập trung xây dựng chương trình phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng, khu vực, như vùng đồng bằng sông Cửu Long”(9).
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc quy hoạch đô thị nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay cũng đang gặp phải những hạn chế nhất định:
Về không gian, kiến trúc, chưa thật sự chú trọng việc lồng ghép quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy, đa số các đô thị ở Việt Nam được hình thành từ rất sớm, sau đó quy hoạch phát triển mở rộng, nên dẫn đến thiếu đồng bộ, làm giảm khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, diện tích cây xanh, hồ điều hòa, nguồn nước còn thiếu trầm trọng. Hiện nay, các đô thị rất ít cây xanh, không gian sống bị thu hẹp, các hồ điều hòa đang dần bị san lấp để lấy đất xây dựng nhà ở, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Chẳng hạn, tại Hà Nội, “trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, chúng ta lấp đi 94 - 95% các mặt nước và cấu trúc tự nhiên của Hà Nội. Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm từng đạt mật độ cây xanh là 5m2 - 6m2/người, hiện chỉ còn 0,4m2/người. Hà Nội trước kia cũng từng giữ được mật độ cây xanh vào khoảng 3 - 4m2/người, bây giờ chỉ còn 0,8m2/người”(10). Diện tích cây xanh bị thu hẹp và hồ điều hòa đang bị san lấp lấy đất xây dựng làm ảnh hưởng đến chất lượng không khí, nhiệt độ tăng cao, đến mùa mưa bão lượng nước nhiều, không có hồ dự trữ gây ngập úng tại các khu vực đô thị, cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Về hạ tầng kỹ thuật, giao thông, đa số các đô thị của nước ta được hình thành từ lâu nên không tính hết được áp lực của phát triển xã hội lên hạ tầng kỹ thuật, giao thông. Hiện nay, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống giao thông đang quá tải, mật độ dân số ngày càng cao, trong khi đó hạ tầng giao thông phát triển không đồng bộ, đường giao thông quá nhỏ, hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhằm ứng phó với biển đổi khí hậu.
Về hạ tầng xã hội, hiện nay, công trình nhà ở, công trình cây xanh, khu vui chơi giải trí, bệnh viện,… tại các đô thị vẫn còn thiếu, nhu cầu xây dựng vẫn còn cao, trong khi đó, công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc xây nhà cao tầng có sử dụng các tấm kính đã làm tăng hiện tượng hấp thu nhiệt, làm tăng nhiệt độ ở đô thị; tỷ lệ diện tích cây xanh tại các khu vực đô thị đang thiếu trầm trọng ở hầu hết các khu vực. Hiện tại, đất để trồng cây xanh trong các đô thị mới chỉ đạt 0,5m2/người. Tại Hà Nội, chỉ tiêu này là 2m2/người, bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới (khoảng 20 - 25m2 cây xanh/người) và bằng 2/7 tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008 (11).
Nguyên nhân của tình trạng trên là do kết cấu hạ tầng đô thị chưa thật sự đồng bộ, chắp vá, trong khi đó dân số ngày càng tăng, nhà cao tầng ngày càng nhiều tại khu vực đô thị, nên càng gây áp lực lên hạ tầng giao thông, hạ tầng thoát nước. Các quy định về cốt mặt bằng trong xây dựng đô thị đã có, tuy nhiên thực tiễn mỗi nơi làm một kiểu, nơi nền cao, nơi nền thấp nên khi trời mưa lớn kéo dài, những nơi có cốt nền thấp trở thành vùng úng ngập(12). Hơn nữa, vì lợi ích của một số nhà đầu tư, nên một số quy hoạch đô thị đã cắt giảm diện tích cây xanh, tăng cường xây dựng nhiều nhà cao tầng, mà không tính đến những tác động trở lại của biến đổi khí hậu, làm nhiệt độ thành phố ngày càng tăng, gây oi bức, ngột ngạt, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân ở thành thị.
Tình trạng ngập úng khi mưa lớn tại thành phố Hà Nội ảnh hưởng đến đời sống nhân dân Thủ Đô_ Ảnh: TTXVN |
3- Trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các đô thị ở Việt Nam:
Thứ nhất, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo đã được nêu ra tại Đại hội XIII của Đảng, đó là: “Chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển nền kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cácbon thấp. Tăng cường chia sẻ thông tin, minh bạch, xây dựng cơ chế liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, xây dựng phương pháp, quy trình dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, quan trắc, giám sát môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” (13). Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, cụ thể là Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 3-6-2013, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Luật Quy hoạch đô thị năm 2020; Quyết định số 438/QĐ-TTg, 25-3-2021, của Chính phủ, phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030”.
Thứ hai, đánh giá đầy đủ, khoa học về sự tác động trở lại của biến đổi khí hậu đối với quy hoạch đô thị. Lập phương án phòng, tránh biến đổi khí hậu; phòng, tránh những rủi ro thiên tai có thể xảy ra, nhất là ở các thành phố lớn, các đô thị ven biển, miền núi thường chịu sự tác động lớn hơn; xây dựng các công trình đô thị hợp lý, ứng phó tốt nhất với sự tác động trở lại của biến đổi khí hậu.
Thứ ba, cần nghiên cứu quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi của môi trường theo hướng bền vững, trên cơ sở khoa học. “Tất cả các dự án đầu tư, các quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch đô thị, khu công nghiệp đều phải thực hiện nghiêm chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường và phải có một phần vốn đầu tư cho các giải pháp bảo vệ môi trường”(14). Quy định cụ thể việc xây dựng nhà ở, công trình có liên quan phải ứng phó được với biến đổi của khí hậu. Đặc biệt chú trọng đến hệ sinh thái đô thị, diện tích cây xanh đô thị phù hợp với việc tăng dân số và mật độ xây dựng. Cần giữ lại những hồ điều hòa tại các đô thị, giảm bê tông hóa, tạo ra không gian thoáng đãng. Bên cạnh đó, cần di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư có nguy cơ ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, ngập nặng do triều cường; chú trọng xây dựng hệ thống tiêu nước, xử lý chất thải, tăng khả năng tiêu thoát nước tại các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với các đô thị ven biển, cần có biện pháp trồng cây xanh chống gió bão, trồng rừng ngập mặn chống sạt lở bờ biển, ngập lụt do triều cường. Khuyến khích sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, làm giảm hiệu ứng nhà kính, phát huy những công trình có khả năng ứng phó tốt với sự tác động trở lại của biến đổi khí hậu, như tòa nhà xanh, công trình xanh…
Thứ tư, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước, công khai, minh bạch các quy hoạch để mọi người dân tham gia giám sát. Chú trọng lợi ích chung, lâu dài trong quy hoạch đô thị. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đưa ra các quy định bảo đảm tính khoa học, để quy hoạch đô thị không bị thay đổi sau khi ban hành. Đồng thời, xử lý nghiêm những cán bộ được giao trọng trách quản lý quy hoạch đô thị, nhưng không làm theo các quy định của Nhà nước, cấu kết với nhà đầu tư để phá vỡ quy hoạch đô thị; xử lý nghiêm minh những nhà đầu tư cố tình vi phạm quy hoạch đô thị, xây dựng vượt quy định không gian cho phép nhằm trục lợi, kiên quyết phá dỡ phần sai phạm, loại bỏ công trình thiếu không gian trồng cây xanh, gây hiệu ứng nhà kính…
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc quy hoạch đô thị nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tạo thêm sức mạnh tài chính, tính khoa học, tính bền vững trong quy hoạch và xây dựng đô thị. Để góp phần hợp tác với các quốc gia trên thế giới trong việc phòng, chống biến đổi khí hậu nói chung và biến đổi khí hậu ở khu vực đô thị nói riêng, trước hết, cần tuân thủ Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) một cách nghiêm túc, bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, như tăng cường diện tích cây xanh, sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện môi trường… Bên cạnh đó, cần hợp tác với các quốc gia phát triển, như Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, các quỹ đầu tư phát triển, các ngân hàng trên thế giới, phối hợp với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác để học hỏi, nâng cao trình độ hiểu biết, trình độ quy hoạch đô thị bền vững, cũng như tăng cường nguồn vốn cho việc cải thiện vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải bằng các công nghệ hiện đại, xây dựng các không gian công cộng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, như hệ thống thoát nước, chống ngập, mở rộng đường giao thông.../.
TS HỒ CÔNG ĐỨC
Đại học Thương mại
------------------
(1) Nguyễn Trung Thắng: “Đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu”, báo Nhân Dân điện tử, ngày 14-4-2017, //www.nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-xa-hoi/item/32608002-do-thi-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau.html
(2) Khoản 1, Điều 3, Luật Quy hoạch đô thị năm 2020
(3) Xem: Bảo Ngọc: “Dân số Việt Nam hơn 96 triệu người, là nước đông dân thứ 15 thế giới”, báo Tuổi trẻ điện tử, ngày 11-7-2019, //tuoitre.vn/dan-so-viet-nam-hon-96-trieu-nguoi-la-nuoc-dong-dan-thu-15-the-gioi-20190711110548628.htm
(4) Khoản 4, Điều 3, Luật Quy hoạch đô thị năm 2020
(5) Quyết định số 2623/QĐ-TTg, ngày 31-12-2013, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020”
(6) Quyết định số 438/QĐ-TTg, ngày 25-03-2021, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030”
(7) Nguyễn Tố Lăng: “Vấn đề đô thị và quản lý phát triển đô thị hiện nay”, Tạp chí điện tử Việt Nam hội nhập, ngày 13-12-2021, //phapluatquanly.vietnamhoinhap.vn/
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 28
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 51
(10) Thủy An: “Quy hoạch dễ dãi, Hà Nội đang phải trả giá ra sao?”, báo Dân trí điện tử, ngày 30-8-2019, //dantri.com.vn/bat-dong-san/quy-hoach-de-dai-ha-noi-dang-phai-tra-gia-ra-sao-20190830062110376.htm
(11) Xem: Nguyễn Ngọc Hùng: “Vai trò của cây xanh đối với các dự án nhà ở đô thị”, báo điện tử Chính phủ, ngày 2-7-2021, //baochinhphu.vn/vai-tro-cua-cay-xanh-doi-voi-cac-du-an-nha-o-do-thi-102295292.htm
(12) Xem Nguyễn Tuấn: “Bất cập cốt nền đô thị”, báo Nhân Dân điện tử, ngày 10-9-2021, //nhandan.vn/baothoinay-dothi/bat-cap-cot-nen-do-thi-664209/
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 144
(14) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, t. 55, tr. 762
Theo Tạp chí Cộng sản
Quy hoạch đô thị |