Việt Nam thuộc nhóm 15 nước nam giới hút thuốc lá nhiều nhất thế giới
Ngày 23/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo “Cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá”.
Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của thuốc lá đối với sức khỏe con người và môi trường. Ước tính có khoảng 12.000 đến 47.000 tấn nicotine đã được thải ra môi trường gây ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo |
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5), hội thảo “Cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá” chính là cơ hội để các chuyên gia trao đổi cùng với phóng viên, nhà báo, cơ quan truyền thông về những vấn đề xoay quanh thực trạng, tác hại của thuốc lá và đề ra những giải pháp, khuyến nghị phù hợp. Từ đó, phóng viên, nhà báo, các cơ quan truyền thông sẽ có những bài viết, sản phẩm truyền thông tác động giúp nâng cao nhận thức của công chúng về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Ths. Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo |
Cập nhật tình hình hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, Ths. Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, trong những năm qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế và các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới Việt Nam giảm từ 45,3% xuống 42,3%.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm trên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam rất thấp. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo.
Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm mới như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá thông thường, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái.
Ths. Bs. Nguyễn Thị An, Giám đốc HealthBridge Canada tại Việt Nam |
Bàn về phòng chống tác hại của thuốc lá và đảm bảo quyền trẻ em, Ths. Bs. Nguyễn Thị An, Giám đốc HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, khói thuốc gây nên những tác động nghiêm trọng tới trẻ trong suốt giai đoạn từ khi thụ thai, thơ ấu và thanh thiếu niên.
Phụ nữ mang thai hút thuốc hay tiếp xúc với khói thuốc thụ động có liên quan đến dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, sinh non và tử vong ở trẻ sơ sinh.
Trẻ em phơi nhiễm với khói thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, làm nặng thêm các triệu chứng hen, đột tử ở trẻ sơ sinh và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.
Việc sử dụng thuốc lá sớm ở trẻ em và thanh thiếu niên gây: nghiện sớm, khó cai hơn, ảnh hưởng sớm đến sức khỏe, sự phát triển não bộ, khả năng học tập, khả năng lao động, chất lượng giống nòi.
Tại Việt Nam, Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 được Quốc hội ban hành 05/04/2016, có hiệu lực 01/06/2017 quy định nghiêm cấm: “Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác”.
Luật Phòng chống tác hại thuốc lá số 09/2012/QH13, được Quốc hội thông qua 18/06/2012 và có hiệu lực 01/05/2013 quy định nghiêm cấm: Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
Ths. Đào Thế Sơn, Đại học Thương mại phát biểu tại hội thảo |
Bàn về ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc lá tới các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và vai trò của các giải pháp PCTHTL, Ths. Đào Thế Sơn, Đại học Thương mại phân tích theo “17 Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ (SDGs)”.
17 Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ (SDGs) |
Việc tiêu dùng và sản xuất thuốc lá có tác động tiêu cực tới hầu hết các mục tiêu SDGs.
Ths. Đào Thế Sơn khuyến nghị, cần tiếp tục đẩy mạnh thực thi FCTC và các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá, có tác động tới 16/17 mục tiêu SDGs. Chính sách thuế và giá đã được chứng minh là có chi phí hiệu quả cao nhất trong việc giảm tiêu dùng thuốc lá từ đó có thể góp phần cải thiện tác động tiêu cực tới các mục tiêu SDGs. Bên cạnh đó, cần ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm này sẽ tiếp tục làm xói mòn các mục tiêu SDGs.
Ths.Bs. Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam |
Bàn về lợi ích của chính sách thuế đối với thuốc lá, kinh nghiệm quốc tế, và khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, Ths.Bs. Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam nên tăng thuế thuốc lá thường xuyên để giá thuốc lá tăng nhanh hơn lạm phát và mức tăng thu nhập. Tăng thuế thuốc lá trong ngắn hạn sẽ giúp đạt mục tiêu kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm; trong dài hạn sẽ giúp đạt mức 70-75% giá bán lẻ theo tiêu chuẩn toàn cầu của WHO.
Ngoài ra, Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối để giảm bớt sự sẵn có của thuốc lá giá rẻ, hạn chế việc thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận và bắt đầu hút thuốc.
Minh Đức