Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu
Ngày 5/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 không còn là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Ủy ban khẩn cấp về quy định y tế quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có phiên thảo luận về đại dịch vào cuộc họp lần thứ 15 về Covid-19.
Tại cuộc họp, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Trong hơn một năm qua, đại dịch Covid đã có xu hướng giảm số ca nhiễm. Điều này đã cho phép hầu hết các quốc gia trở lại nhịp sống như trước Covid-19. Tôi đồng tình với Ủy ban khẩn cấp về quy định y tế quốc tế về việc chấm dứt “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC)” liên quan đến Covid-19”.
WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu liên quan đến Covid-19. |
Trước đó, PHEIC đã tạo ra một thỏa thuận giữa các quốc gia tuân thủ các khuyến nghị của WHO để quản lý tình trạng khẩn cấp trước đại dịch. Mỗi quốc gia sẽ lần lượt tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của riêng họ và những tuyên bố có giá trị pháp lý. Hoa Kỳ chuẩn bị kết thúc tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do Covid-19 vào ngày 11/5.
Theo các quan chức của WHO, Covid-19 tiếp tục lây lan, virus đang tiến hóa và vẫn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, nhưng ở mức độ lo ngại thấp hơn.
Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO cho biết: “Covid vẫn còn một mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng và tất cả chúng ta đều thấy điều đó hàng ngày về sự tiến hóa của loại virus này cũng như sự hiện diện toàn cầu của nó. Chúng tôi mong đợi rằng loại virus này sẽ tiếp tục lây truyền trong tình trạng yếu vì nó liên quan đến lịch sử của các đại dịch. Trong hầu hết các trường hợp, đại dịch thực sự kết thúc khi đại dịch tiếp theo bắt đầu và đại dịch sau thậm chí có thể tồi tệ hơn. Tôi biết mong muốn của tôi không đúng nhưng đó chính là lịch sử của đại dịch”.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO cho biết, giai đoạn khẩn cấp của cuộc khủng hoảng Covid-19 đã qua nhưng căn bệnh này vẫn còn đó và virus Corona gây bệnh sẽ không biến mất sớm.
Van Kerkhove nói: “Mặc dù chúng ta không ở trong tình trạng khủng hoảng, nhưng chúng ta không thể mất cảnh giác. Về mặt dịch tễ học, loại virus này sẽ tiếp tục gây ra thêm những đợt bùng phát. Điều chúng tôi hy vọng là chúng tôi có sẵn các công cụ để đảm bảo rằng các làn sóng trong tương lai không dẫn đến dịch bệnh nghiêm trọng hơn, không dẫn đến các làn sóng tử vong và chúng tôi có thể làm điều đó với các công cụ chúng tôi có trong tay. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi virus này vì nó sẽ còn tiếp tục phát triển”.
Theo dữ liệu của WHO, đã có hơn 765 triệu trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch. Gần 7 triệu người đã chết. Châu Âu có nhiều trường hợp được xác nhận nhiễm virus nhiều nhất và châu Mỹ báo cáo có nhiều trường hợp tử vong nhất.
Các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong lên đến đỉnh điểm vào tháng 12/2022 khi Omicron càn quét toàn cầu, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên hàng tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu và số ca tử vong vẫn thấp hơn nhiều so với mức dự báo trước đó.
Giờ đây, các ca nhiễm và tử vong do Covid-19 đang ở mức thấp nhất trong ba năm nhưng vẫn có hơn 3.500 người đã chết trong tuần cuối cùng của tháng 4 và hàng tỷ người vẫn chưa được tiêm chủng.
Tổng giám đốc WHO cho biết, nếu cần, ông sẽ không ngần ngại triệu tập một cuộc họp ủy ban khẩn cấp khác và tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu một lần nữa nếu có sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm hoặc tử vong do Covid-19 trong tương lai.
“Covid-19 đã để lại những vết sẹo hằn sâu trên thế giới của chúng ta. Những vết sẹo đó phải là lời nhắc nhở vĩnh viễn về khả năng xuất hiện của các loại virus mới với hậu quả tàn khốc”, ông Tedros nói.
Minh Đức