Học phí - Vấn đề lớn trước mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2023
Mùa tuyển sinh 2023 đã đến rất gần, vấn đề học phí vẫn luôn khiến sinh viên, các bậc phụ huynh phải đau đầu.
Chưa hoàn toàn minh bạch, rõ ràng
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), việc công khai học phí là yêu cầu bắt buộc trong quy chế tuyển sinh hằng năm. Thế nhưng nội dung liên quan đến học phí của nhiều cơ sở giáo dục chỉ ghi chung chung, thậm chí có trường mang danh công bố, nhưng thí sinh và phụ huynh cũng ngơ ngác "không biết tính thế nào".
Học phí là vấn đề lớn được thí sinh và phụ huynh quan tâm (Ảnh minh họa: Nhật Dương) |
Dự định xét tuyển vào ngành Kiến trúc của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, bạn Lê Tú (học sinh Trường THPT Đông Sơn 2, Thanh Hóa) cho biết băn khoăn lớn nhất của bạn là vấn đề học phí. Bởi bản thân đã tìm kiếm thông tin và đọc qua 78 trang đề án tuyển sinh 2023 của trường nhưng chỉ thu về thông tin: "Học phí dự kiến với sinh viên chính quy, lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm (nếu có) là thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo".
Bản thân Tú và gia đình cũng không rõ học phí dự kiến và lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81 là bao nhiêu, cao hay thấp, đắt hay rẻ.
"Các thông tin về ngành học, cơ sở vật chất, điểm chuẩn các năm đã công bố rất rõ, nhưng học phí lại không mấy hữu ích, em thật sự rất khó hiểu" - Tú chia sẻ.
Hay tại Học viện Ngoại giao, mức học phí đào tạo chính quy được tính theo tháng. Các ngành Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế... mức học phí là 4.400.000 đồng/tháng/sinh viên; chương trình đào tạo Luật Thương mại quốc tế, châu Á - Thái Bình Dương học thì có mức học phí là 2.100.000 đồng/tháng/sinh viên. Và mức tăng học phí hàng năm không quá 10%. Thế nhưng, phụ huynh và thí sinh không rõ một năm học là 9 hay 10 tháng.
Những trường “top” thì có mức học phí “rất cao”
Mới đây, Trường Đại học Ngoại thương đã công bố đề án tuyển sinh năm 2023 - 2024, bao gồm mức dự kiến học phí năm học tới.
Cụ thể, học phí dự kiến năm học 2023 - 2024 đối với chương trình đại trà là 22 triệu đồng/sinh viên/năm.
Học phí chương trình chất lượng cao dự kiến là 45 triệu đồng/sinh viên/năm.
Học phí chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/sinh viên/năm.
Học phí của các chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế: Chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế, Chương trình Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản, Chương trình Kế toán - Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, Chương trình CLC Luật kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp, dự kiến khoảng 45 triệu đồng/sinh viên/năm.
Học phí của chương trình Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số, Truyền thông Marketing tích hợp dự kiến là 60 triệu đồng/sinh viên/năm.
Những lưu ý cần thiết cho phụ huynh và sinh viên
Theo các chuyên gia tuyển sinh, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính cho biết: “Để có thể yên tâm khi đi học, thí sinh cần đọc kỹ thông tin học phí được các trường thông báo tại đề án tuyển sinh. Trong đó, ngoài mức học phí đóng cho năm học hiện tại, cần tìm hiểu lộ trình tăng học phí các năm tiếp theo của trường, từ đó tính toán điều kiện kinh tế để lựa chọn”.
Hay một ý kiến khác từ ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Thực tế cho thấy, có trường chỉ đưa ra mức học phí thấp ở kỳ đầu tiên nhưng lại tăng cao ở những kỳ tiếp theo, có trường chỉ công bố học phí theo tín chỉ nhưng lại không nêu tổng số tín chỉ trong khóa học mà sinh viên phải hoàn thành. Các cơ sở giáo dục đại học cần minh bạch thông tin về học phí".
Thí sinh cần lưu ý lộ trình tăng học phí, cách tính học phí của cơ sở giáo dục. Bởi thông tin về học phí của các trường đại học là một trong những yếu tố quan trọng khi thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường. Thực tế cho thấy, đã không ít thí sinh khi đỗ vào đại học, nhưng bỏ ngang vì không có điều kiện đóng học phí.
6 đối tượng, trường hợp được miễn thi, xét đặc cách tốt nghiệp THPT Quy chế thi tốt nghiệp THPT do của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành có quy định 3 đối tượng được miễn tất cả các bài thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 trường hợp trường hợp được xét đặc cách tốt nghiệp. |
Nhật Dương