Nga và phương Tây “ăn miếng trả miếng” tài sản năng lượng như thế nào?
(PetroTimes) - Vào tuần qua, Nga đã nắm quyền kiểm soát một phần tài sản trên đất Nga của tập đoàn năng lượng Fortum (Phần Lan) và Uniper (Đức), đồng thời cảnh báo về khả năng thu giữ thêm nhiều tài sản khác. Cả hai doanh nghiệp này đều vận hành nhiều nhà máy điện ở Nga.
Cổ phần của hai công ty năng lượng hiện tạm thời nằm trong tay của Rosimushchestvo - Cơ quan quản lý tài sản của chính phủ Liên bang Nga. Những quan chức điều hành Rosneft sẽ quản lý số cổ phần trên.
Điện Kremlin cho biết, đây là động thái đáp trả “những hành động gây hấn từ những quốc gia không thân thiện”, đồng thời phản ánh thái độ của những chính phủ phương Tây đối với tài sản nước ngoài của những công ty Nga.
Trong bối cảnh làn sóng trừng phạt của phương Tây lan rộng trong giai đoạn chiến tranh Nga – Ukraine, nhiều công ty nước ngoài đã tìm cách rút khỏi Nga, nhưng không thể thoái vốn bởi những hạn chế pháp lý hoặc tài chính.
Sau đây là danh sách một vài công ty năng lượng đã bị những chính phủ phương Tây hoặc chính phủ Nga tiếp quản, hoặc đang gặp vấn đề trong việc tài sản của họ.
GAZPROM GERMANIA
Vào tháng 11/2022, Đức đã quốc hữu hóa Gazprom Germania - một công ty con của tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga, sau khi Gazprom từ bỏ tài sản mà không để lại lời giải thích.
Công ty được đổi tên thành Sefe (Bảo vệ Năng lượng Châu Âu - Securing Energy for Europe). Chính phủ Đức đã bơm 6,92 tỷ USD vào hoạt động tái cấp vốn cho công ty, với sự chấp thuận của Ủy ban Châu Âu.
Theo tài liệu quản trị, vào năm 2020, trị giá tổng tài sản của Gazprom Germania là 8,4 tỷ euro, còn vốn góp chủ sở hữu là 2,2 tỷ euro.
ROSNEFT
Vào mùa thu năm ngoái, chính phủ Đức - thông qua Cơ quan quản lý Mạng lưới Liên bang, đã tiếp quản lại Rosneft Deutschland GmbH và RN Refining & Marketing GmbH - 2 chi nhánh tại Đức của Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft.
Như vậy, chính phủ Đức nắm quyền kiểm soát cổ phần của 3 nhà máy lọc dầu từng thuộc về Rosneft: PCK Schwedt (54,17%), MiRO (24%) và Bayernoil (28,57%).
Theo quan điểm pháp lý, Rosneft vẫn là chủ sở hữu tài sản, nhưng không còn quyền hành nào đối với những tài sản này cho đến khi nhà nước Đức ngừng tiếp quản. Vào ngày 20/4, Hạ viện Đức đã thông qua những thay đổi đối với luật an ninh năng lượng, cho phép họ nhanh chóng bán lại số cổ phần của Schwedt mà Rosneft đang sở hữu, mà không cần phải tiến hành thủ tục quốc hữu hóa trước.
Rosneft đã đệ đơn kiện chống lại quyết định này, và hiện đang yêu cầu bồi thường cho những tổn thất tài chính mà họ phải gánh chịu trong 6 tháng bị mất quyền tiếp quản.
PCK Schwedt là nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Đức, với tổng công suất lọc dầu là 12,8 triệu tấn/năm, tức hơn 1/10 công suất của cả nước.
FORTUM
Khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, công ty thuộc nhà nước Phần Lan này cho biết sẽ “tìm ra một lối thoát ổn” khỏi Nga. Tuy vậy, báo cáo thường niên năm 2022 cho thấy, tài sản của họ cũng đang có nguy cơ bị sung công quỹ.
Thật vậy, tại Nga, Fortum sở hữu 7 nhà máy nhiệt điện ở vùng Urals và Tây Siberia, cũng như danh mục những nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời thông qua mối hợp tác với doanh nghiệp địa phương.
Theo ghi nhận của Fortum, vấn đề xoay quanh tài sản ở Nga đã làm họ tổn thất 1,7 tỷ euro trong năm 2022.
Vào năm 2008, Fortum đã mua lại TGK-10 - một doanh nghiệp sản xuất nhiệt và điện ở khu vực St. Petersburg, với giá khoảng 2 tỷ euro.
Vào năm 2018, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, Fortum đã đầu tư khoảng 4,5 tỷ euro vào Nga.
UNIPER/UNIPRO
Theo thông tin ngày 26/4, Nga đã quốc hữu hóa công ty năng lượng Unipro – vốn thuộc về gã khổng lồ Uniper của nhà nước Đức (83,73%).
Uniper đã giải thể Unipro từ cuối năm 2022 và liệt kê doanh nghiệp là “tài sản ngừng hoạt động”, với lý do mất quyền kiểm soát. Đáng chú ý, Uniper sở hữu phần lớn cổ phần của Unipro.
Sau giải thể, Uniper đã chịu tổn thất 4,4 tỷ USD. Tuy nhiên, gã khổng lồ này đã chốt giá trị của Unipro bằng đồng euro, phản ánh khả năng công ty có thể sẽ bán được doanh nghiệp.
Vào năm 2007, Uniper mua lại công ty điện lực OGK-4 của Nga, rồi đổi tên thành Unipro. Phi vụ có giá 4,2 tỷ euro. Sau đó, Uniper đầu tư thêm 2,5 tỷ euro để xây dựng năng lực sản xuất mới cho Unipro. Vào năm 2021, Unipro đã thu về khoản lợi nhuận là 230 triệu euro.
Uniper đã chịu tốn thất đầu tư là 1 tỷ euro – vốn là chi phí đầu tư vào đường ống dẫn khí Nord Stream 2.
WINTERSHALL DEA
Theo công ty dầu khí Wintershall Dea của Đức - thuộc phần lớn sở hữu của nhà sản xuất hóa chất Đức BASF, việc Nga tiếp quản tài sản của Fortum và Uniper không gây ảnh hưởng đến họ. Tuy vậy, họ cho biết “không thể dự đoán được” những chính sách của Moscow.
Wintershall Dea đã rút hoạt động khỏi Nga. Trước khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, tài sản tại Nga của Wintershall Dea hơn một nửa sản lượng dầu khai thác trên toàn cầu.
Tài sản ở Nga của họ bao gồm 35% cổ phần có trong mỏ khí Yuzhno-Russkoye. Họ cũng từng đồng sở hữu hai dự án khai thác khí đốt tự nhiên Achimov ở Siberia. Wintershall Dea cũng đã chịu tổn thất từ việc đầu tư vào 15% cổ phần của đường ống dẫn khí Nord Stream 1.
Do Wintershall Dea quyết định rút khỏi Nga, BASF đã ghi nhận khoản lỗ 7,3 tỷ euro cho năm 2022.
OMV
Vào tháng 2, tập đoàn năng lượng Áo OMV cho biết, do những hạn chế pháp lý ở Nga, họ không tìm được cách để bán cổ phần của họ trong mỏ khí đốt Yuzhno-Russkoye (nằm ở Nga).
Vào năm 2017, OMV đã trả 1,75 tỷ euro để mua cổ phần của mỏ Yuzhno-Russkoye - một trong những mỏ lớn nhất ở Nga. Với mỏ khí đốt này, OMV sẽ khai thác được thêm 100.000 thùng dầu tương đương/ngày.
OMV cũng là một trong năm doanh nghiệp ủng hộ Nord Stream 2. Điều này đã gây tốn thất đầu tư 1 tỷ euro cho họ.
Ngọc Duyên