Phát triển nhân lực logistics trong môi trường kinh doanh số
(PetroTimes) - Phát triển đào tạo nhân lực logistics gắn với môi trường kinh doanh số là một trong những yêu cầu quan trọng nhằm thích ứng với xu hướng phát triển của lĩnh vực logistics hiện nay.
Ngày 22/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) phối hợp tổ chức tọa đàm “Logistics và nhu cầu nhân lực logistics của Việt Nam trong môi trường kinh doanh số”.
Toàn cảnh toạ đàm |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Vũ Tuấn Lâm - Phó giám đốc PTIT cho biết, Việt Nam hiện được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho sự phát triển của ngành logistics. Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngành logistics phát triển giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm chi phí lưu thông và phân phối hàng hóa, mở rộng thị trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài; đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực ngoại thương và đầu tư ra nước ngoài.
TS. Vũ Tuấn Lâm cho biêt, từ nay tới năm 2030, mỗi năm cả nước cần khoảng 20.000 lao động chất lượng cao ngành logistics. Tới 2030, cả nước cần khoảng 2 triệu lao động ngành logistics. Trước nhu cầu nhân lực của ngành logistics Việt Nam, các chương trình đào tạo về logistics đang có xu hướng phát triển nhanh trong những năm gần đây.
“Trong xu hướng chung đó, PTIT cũng đã triển khai chương trình đào tạo chuyên ngành Logistics cho sinh viên ngành Quản trị kinh doanh. PTIT xác định, để quá trình đào tạo nhân lực logistics đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, việc tăng cường hợp tác, kết nối Học viện với VALOMA và với các doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết”, TS. Vũ Tuấn Lâm nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự VALOMA phát biểu tại tọa đàm |
Phát biểu tại toạ đàm, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự VALOMA Trần Thanh Hải cho biết, những năm trở lại đây, ngành logistics được chú trọng và có nhiều bước tiến triển, phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp, công ty logistics ra đời ngày một nhiều, cải thiện về chất lượng, dịch vụ cũng như tạo được sự uy tín trong thị trường nội địa.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, hạ tầng giao thông đang được cải thiện và ngày một hoàn thiện, tuyến Quốc lộ 1A và nhiều con đường được tu sửa, mở rộng, thông suốt là tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam, liên kết nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên, năm 2023 được dự báo nguồn lực bị bào mòn, suy giảm vì Covid-19, trong khi đó hàng tồn kho tích trữ quá cao trong giai đoạn sau dịch. Đồng thời, xung đột Nga - Ukraine chưa nhìn thấy điểm dừng, hệ lụy của xung đột vượt ra ngoài phạm vi các nước liên quan, trong đó có Việt Nam dẫn đến chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương.
Những điều đó đã tạo ra những khó khăn do ngành logistics ở Việt Nam được thành lập chưa lâu, quy mô nhân lực và vốn còn nhỏ. Cùng với đó là sự thiếu kinh nghiệm kinh doanh quốc tế do các doanh nghiệp chỉ tập trung kinh doanh thị trường nội địa, mới cung cấp dịch vụ logistics cơ bản, khả năng liên kết chưa cao.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng, các yếu tố trên đã khiến ngành logistics Việt Nam đối diện với những nguy cơ tiềm tàng, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành, trong khi thế giới đang thay đổi rất nhanh với công cuộc chuyển đổi số. Do đó, ông Trần Thanh Hải kiến nghị cần cải thiện chính sách, hạ tầng, doanh nghiệp, công nghệ và đặc biệt là nhân lực.
Tại toạ đàm, PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch VALOMA cho biết, nhân lực ngành logistics đang đối mặt với áp lực chuyển đổi số cao, đòi hỏi nhân viên phải có kỹ năng IT tương ứng và đào tạo nhân sự đa nhiệm.
PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch VALOMA |
Theo PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương, các kỹ năng mềm cần được quan tâm và phát triển là khả năng thích nghi với sự thay đổi, khả năng chịu được áp lực công việc cao. Bên cạnh đó, các nhân lực trong ngành cần có hiểu biết về an ninh và bảo mật dữ liệu; khả năng xử lý và phân tích dữ liệu, thông tin trên máy tính; khả năng học tập suốt đời.
Trong 2 năm tới, nhu cầu tuyển dụng nhân lực logistics như nhân viên giao nhận, nhân viên hành chính, nhân viên khai báo hải quan, tài xế xe tải, nhân viên công nghệ thông tin và nhân viên điều hành vận tải sẽ được chú ý. Do đó, đòi hỏi nhân viên phải có khả năng thích ứng cao trong các chuỗi cung ứng phức tạp, đa ngôn ngữ, tin học, tuyển dụng chú trọng lương và phúc lợi cho người lao động
Bà Phạm Thị Lan Hương chia sẻ tại buổi tọa đàm |
Theo bà Phạm Lan Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực logistics tích hợp cho biết, về năng lực chung, 100% các vị trí đều cần được doanh nghiệp đào tạo lại, tuy nhiên, mức độ thích ứng sau đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng kiến thức và kỹ năng của các bạn sinh viên.
Theo bà Phạm Lan Hương, sinh viên ra trường hoàn toàn có thể tham gia ứng tuyển vào các vị trí công việc gián tiếp (các cơ quan quản lý về logistics) và các vị trí công việc trực tiếp (các doanh nghiệp logistics). Các doanh nghiệp chính là khách hàng, là đối tượng được thụ hưởng kết quả đào tạo nhưng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu về năng lực cho nhân lực, ngoài năng lực chuyên môn (kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm), người lao động còn đáp ứng được năng lực hành vi phù hợp với giá trị cốt lõi của công ty. Bà Hương cũng nhấn mạnh việc sinh viên cần tập trung bồi dưỡng các kỹ năng mềm trong nhà trường.
Tại toạ đàm các chuyên gia trong lĩnh vực logistics cũng đã trao đổi, giải đáp các thắc mắc của sinh viên về vị trí việc làm mà các em có thể đảm nhiệm tại các doanh nghiệp, cách thức tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng và những bài học kinh nghiệm trong phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực logistics. Đồng thời, các sinh viên có cơ hội bày tỏ những vướng mắc, những khó khăn trong tiếp cận nghề nghiệp vì đây là ngành đào tạo mới, cơ hội việc làm mới.
N.H