Trừng phạt Tập đoàn hạt nhân Nga Rosatom, dễ hay khó?
(PetroTimes) - Tập đoàn hạt nhân Rosatom của nhà nước Nga là một thành phần quan trọng trong tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga, với nhiều chức năng bao gồm cả sản xuất vũ khí hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân cho Nga. Tuy nhiên, công ty này đang đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt từ EU.
Vào ngày 11/1/2023, ông Engin Eroglu - Đại biểu Nghị viện châu Âu, đã viết thư trình lên Nghị viện châu Âu về vấn đề quan hệ hạt nhân giữa châu Âu và Nga.
Theo ông, công ty con Atomflot của Rosatom đang xây dựng một hạm đội chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Chính phủ Nga. Những tàu này của Atomflot tiếp tục tự do đi lại vào những cảng biển của EU và nhận trang thiết bị từ những công ty phương Tây.
Hiện nay, Rosatom không nằm trong tầm ngắm của bất kỳ lệnh trừng phạt nào. Ngược lại, doanh nghiệp này có quan hệ đối tác chiến lược với những nước phương Tây lớn.
Ví dụ, tại Pháp, Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược, được ký vào ngày 2/12/2021 giữa công ty hạt nhân Pháp Framatome và Rosatom, đang tiếp tục có hiệu lực.
Rosatom cũng từng thầu xây dựng hai tổ máy cho nhà máy điện hạt nhân Paks ở Hungary và hoạt động xây dựng lò phản ứng nhiệt hạch ở Pháp.
Và hiện nay, tại nhà máy Elektrostal gần Moscow, Rosatom và công ty Areva của Pháp đang sản xuất hệ thống giải phóng nhiệt cho 7 nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu.
Nhìn chung, nhiều nhà máy điện hạt nhân phương Tây đang lệ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân của Nga. Tuy nhiên, những dự án và quan hệ đối tác chiến lược với Rosatom đều đang có nguy cơ bị ngừng lại.
Thật vậy, trước thực trạng này, ông Engin Eroglu kêu gọi EC đưa đề xuất trừng phạt chống lại Rosatom và các công ty con, cũng như đình chỉ những dự án của công ty. Hơn nữa, ông cũng kêu gọi EU đưa ra những biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn, nhằm ngăn chặn những thương vụ mua thiết bị và công nghệ giữa doanh nghiệp phương Tây và Atomflot - Rosatom.
Ông Josep Borrell Fontelles - Phó Giám đốc Ủy ban châu Âu kiêm Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh châu Âu đã trả lời yêu cầu của vị đại biểu này.
Theo ông, từ tháng 3/2014, EU đã dần dần áp đặt nhiều biện pháp hạn chế (gọi là “lệnh trừng phạt”) chống lại Nga. Cụ thể, Quyết định Hội đồng số 2014/512/CFSP và Quy định (EU) số 833/2014 quy định về những hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt đối với những công nghệ tiên tiến và có chức năng kép, bao gồm những sản phẩm hạt nhân có khả năng đóng góp vào năng lực quân sự và hoạt động nâng cao tiềm lực công nghệ của Nga.
Những hạn chế này không chỉ áp dụng cho hoạt động quân sự mà còn với cả mục đích dân dụng, nhưng không áp dụng cho một số trường hợp được miễn trừ và đình chỉ.
Nhằm duy trì hợp tác hạt nhân dân dụng, những quyết định trên nêu rõ những trường hợp “thiết bị” được phép bán, cung cấp, chuyển nhượng hoặc xuất khẩu: Thiết bị vận hành; bảo trì; thu hồi nhiên liệu và đảm bảo an toàn để tiếp tục năng lực hạt nhân dân sự; cũng như thiết bị phục vụ cho hoạt động hợp tác hạt nhân dân sự, cụ thể là trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.
Như vậy, thể theo yêu cầu của ông Engin Eroglu, những cơ quan có thẩm quyền liên quan của những quốc gia thành viên EU có thể sẽ ra quyết định đối với những trường hợp vi phạm quy định trên.
Ngoài ra, Rosatomflot (công ty con chuyên điều hành hai hạm đội hạt nhân của Nga) đã bị liệt kê vào danh sách những chủ thể bị hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt kể từ ngày 21/7/2022 (theo Phụ lục IV của Quyết định Hội đồng số 2014/512/CFSP và Phụ lục IV của Quy định số 833/2014).
Hiện nay, Ủy ban châu Âu đang giám sát chặt chẽ tiến trình thực hiện biện pháp trừng phạt và rủi ro gian lận, cũng như thường xuyên đưa ra những đề xuất bổ sung thêm nhiều chủ thể khác vào danh sách những chủ thể trong Phụ lục IV.
Theo ông Josep Borrell Fontelles, Hội đồng châu Âu có trách nhiệm đưa ra bất kỳ quyết định nào về biện pháp trừng phạt. Ông cũng yêu cầu Ủy ban và Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) không bình luận về nội dung đang được thảo luận trong Hội đồng.
Vì sao không có quốc gia phương Tây nào cấm vận Rosatom |
Vì sao các gói trừng phạt không động chạm đến năng lượng hạt nhân của Nga? |
Ngọc Duyên