Xưởng Nghiên cứu Âm nhạc đương đại thể nghiệm: “Khí hậu của âm thanh”
Từ ngày 17/3-28/4, tại Hà Nội, Trung tâm Âm nhạc & Nghệ thuật Thể nghiệm Đom Đóm đã hợp tác cùng khoa Âm nhạc của Đại học Goldsmiths (London, Anh Quốc) cùng với sự hỗ trợ của Viện Âm nhạc mở Xưởng Nghiên cứu Âm nhạc đương đại thể nghiệm mang tên “Khí hậu của âm thanh”. Dự án là một sân lớn với nhiều hoạt động trải nghiệm đặc sắc dành cho những người yêu nghệ thuật.
Âm nhạc đương đại thể nghiệm tại Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã có bề dày hình thành và phát triển khoảng 3 thập kỷ với một lực lượng tác giả và một số lượng đáng kể các tác phẩm từ nhỏ tới lớn. Trong suốt 3 thập kỷ phát triển, các nhạc sĩ đương đại và thể nghiệm Việt Nam đã thiếu đi sự đồng hành của giới nghiên cứu và phê bình - một thực tế không mấy lành mạnh đối với văn hoá nghệ thuật. Có nhiều lý do khác nhau cho sự khiếm khuyết này trong một bối cảnh văn hoá và xã hội nhiều đứt gẫy, du nhập và tiếp biến, ta thấy không có nhiều nhà nghiên cứu hiện nay quan tâm tới âm nhạc đương đại và thể nghiệm để muốn chọn khu vực này làm đối tượng cho các nghiên cứu của mình.
Nghệ sỹ Nguyễn Thuỳ Linh trình diễn tác phẩm Mong, đưa mỗi nghệ sĩ đến với trạng thái cảm nhận sự hiện diện của mình một cách rõ ràng nhất. |
Thực tế, có nhiều nguyên nhân nhưng sâu xa nhất đến từ các chương trình đào tạo nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc chính thống tại Việt Nam vì đã không xây dựng được một định hướng và chiến lược cần thiết cho sinh viên về mối quan tâm tới những hiện thực âm nhạc đang xảy ra trong thời đại của mình.
Phần lớn các nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam nếu không loanh quanh ở địa hạt của nhạc cổ điển phương Tây thì cũng dành cả cuộc đời mình cho âm nhạc dân gian và truyền thống Việt Nam. Hai lĩnh vực nghiên cứu trên ko có gì sai trái hay nguy hại chỉ có điều chưa đủ cho một nền nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc của một quốc gia. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nhìn nhận vào thực tế này một cách dũng cảm và tìm cách lấp đầy khoảng trống đó.
Nghệ sĩ Hoài Anh với tác phẩm Tưởng, đưa con người bước vào thế giới riêng của họ, nơi không gì có thể xâm phạm hay ngăn cấm. |
Lần này, Đom Đóm hợp tác cùng khoa Âm nhạc của Đại học Goldsmiths (London, Anh Quốc) với sự hỗ trợ của Viện Âm nhạc mở Xưởng Nghiên cứu Âm nhạc đương đại thể nghiệm mang tên “Khí hậu của âm thanh”.
Dự án nhằm mục đích đánh thức mối quan tâm của cộng đồng các nhà nghiên cứu Việt Nam tạo ra một tiền đề cho các công trình nghiên cứu hiệu quả về âm nhạc đương đại và thể nghiệm tại Việt Nam trong tương lai.
Nghệ sỹ Tuấn Nị với tác phẩm "Một ấm áp khác" tái hiện cuộc cãi vã giữa linh hồn và thể xác. |
Xưởng nghiên cứu bao gồm các hoạt động trao đổi kiến thức và thông tin; chuỗi các bài thuyết trình của các nhà nghiên cứu và thực hành âm nhạc đương đại thể nghiệm tại Anh Quốc và Việt Nam.
Bên cạnh đó, xưởng cũng sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu tham gia một cái nhìn tổng quan về âm nhạc đương đại thể nghiệm Việt Nam và phương Tây cũng như các xu hướng nghiên cứu âm nhạc.
Ngoài ra, xưởng nghiên cứu còn tổ chức các buổi thuyết trình và thực hành làm phim nhân học âm nhạc. Trong khuôn khổ hoạt động của Xưởng Nghiên cứu, còn có một buổi trình diễn âm nhạc thể nghiệm tại Hà Nội và các buổi điền dã gặp gỡ các nghệ sĩ bản địa giúp các nhà nghiên cứu tham gia Xưởng Nghiên cứu có kết nối và những trải nghiệm trực tiếp với các nghệ sĩ đang thực hành âm nhạc thể nghiệm tại Việt Nam. Các buổi huấn luyện sẽ giúp tăng cường năng lực thực hành nghiên cứu và làm phim nhân học âm nhạc.
Dự án “Khí hậu của âm thanh” sẽ có các hoạt động chính sau đây: - Tiếp nhận hồ sơ tham dự: từ ngày 17/3 - 12/4/2023, Công bố kết quả ngày 15/4/2023. - Chia sẻ kiến thức chuyên môn bằng các buổi workshop: các ngày 19, 20, 21, 24, 25 tháng 4/2023. - Buổi biểu diễn âm nhạc từ các nghệ sỹ âm nhạc đương đại thể nghiệm Việt Nam: 22/4/2023. Dự án kết thúc bằng buổi chia sẻ công khai các đề cương nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tham gia vào ngày 28/4/2023. |
Minh Đức