WHO cảnh báo dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/4 cảnh báo tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể diễn biến phức tạp hơn trước khi virus phát triển theo hướng mà giới chuyên môn có thể đoán định.
Giám đốc bộ phận khẩn cấp của WHO Michael Ryan - Nguồn: video của WHO |
28 ngày qua, hơn 23.000 ca tử vong và 3 triệu ca nhiễm COVID-19 mới đã được báo cáo cho WHO, trong bối cảnh số lượng xét nghiệm đã giảm đi đáng kể.
"Vẫn còn rất nhiều người chết và nhiễm bệnh", giám đốc phụ trách tình huống khẩn cấp của WHO Mike Ryan nói trong một cuộc họp báo ngày 18/4.
Dịch COVID-19 sẽ còn dai dẳng
Ông nhấn mạnh các virus gây bệnh hô hấp sẽ không chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh lưu hành, mà chỉ suy giảm xuống mức "hoạt động" thấp hơn với khả năng đỉnh dịch xảy ra theo mùa.
WHO vẫn theo dõi sát tình hình dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh dịch bệnh này sẽ còn dai dẳng.
Ông Ryan cũng lưu ý virus gây bệnh COVID-19 sẽ không bị loại bỏ và giống như bệnh cúm, virus này sẽ vẫn gây ra bệnh hô hấp nghiêm trọng ở những người dễ bị tổn thương.
Một số quốc gia vẫn có lượng lớn những người dễ bị tổn thương chưa được tiêm phòng, trong khi ở những quốc gia khác, COVID-19 đã không còn là vấn đề y tế khẩn cấp.
Ủy ban khẩn cấp của WHO về COVID-19 nhóm họp ba tháng một lần và dự kiến họp vào đầu tháng 5 này.
Như tại các cuộc thảo luận trước đó, ủy ban sẽ quyết định liệu COVID-19 có còn tạo thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) hay không. Đây là mức cảnh báo cao nhất mà WHO có thể đưa ra.
WHO tuyên bố COVID-19 là PHEIC vào ngày 30/1/2020, khi ghi nhận chưa đầy 100 trường hợp nhiễm bệnh và không có ca tử vong nào bên ngoài Trung Quốc. Nhưng phải đến khi người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mô tả COVID-19 là một đại dịch vào tháng 3/2020, thế giới mới bắt đầu thực sự hành động.
Trên thế giới, Mỹ vẫn đang là nước có nhiều ca mắc COVID-19 nhất với hơn 104 triệu ca, cùng hơn 1,12 triệu ca tử vong.
Giới chức Mỹ gần đây báo động về sự xuất hiện của biến thể XBB.1.16 (Arcturus), một biến thể phụ của Omicron.
The Washington Post dẫn số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết trong tuần từ 9-15.4, XBB.1.16 chiếm 7,2% tổng số ca mắc mới tại Mỹ, tăng từ mức 3,9% trong tuần trước đó.
Còn theo số liệu của WHO, đến cuối tháng 2, biến thể này chỉ chiếm 0,21% tổng số ca toàn cầu nhưng chỉ sau một tháng, tỷ lệ này đã tăng lên thành 3,96%.
Biến thể này được phát hiện lần đầu vào tháng 1 và đến nay đã lan ra 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. WHO coi XBB.1.16 là "biến thể đang được theo dõi", tức là có mức độ nghiêm trọng thấp hơn các "biến thể gây lo ngại" nhưng cũng cảnh báo nguy cơ tiềm tàng.
Theo baochinhphu
Số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn |
Hà Nội ra công văn hỏa tốc yêu cầu phòng chống Covid-19 |