Xã hội hóa đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu như thế nào?
(PetroTimes) - Với tính chất, yêu cầu của xăng dầu và tầm quan trọng của việc dự trữ, cung ứng những sản phẩm này đối với phát triển kinh tế - xã hội quốc gia thì việc đầu tư, phát triển, quản lý hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt quốc gia hệ thống kho, cảng, tuyến ống là rất cần thiết.
Tại tọa đàm “Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần đảm bảo nguồn cung - Những vấn đề đặt ra”, một số diễn giả đã chỉ ra những giải pháp căn cơ để đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Làm công tác dân nguyện có đơn thư, đặc biệt các đơn thư quan trọng liên quan tầm quốc gia, tôi trực tiếp đến hiện trường. Vừa qua, tôi có khảo sát hai dự án về dự trữ xăng dầu tại TP HCM và Quảng Trị.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Dự án TP HCM do Công ty Cổ phần kho cảng xăng dầu hàng không Việt Nam triển khai dự án kho và cảng là 12.000 tỷ, đã chuẩn bị từ năm 2016, được Chính phủ phê duyệt, nằm trong phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đây là dự án đất nước, dự kiến nếu được cấp vốn đầy đủ thì sẽ dự trữ 230.000 m3 vào tháng 12 năm nay và đến tháng 6/2024 sẽ hoàn thành kho dự trữ 450.000 m3; bảo đảm cho TP HCM trong 75 ngày và khu vực miền Nam 16 ngày. Đây là kho dự trữ xăng dầu cực kỳ chiến lược.
Nhưng cũng như các ý kiến đã nói, có một số lý do khiến tiến độ bị chậm trễ. Thứ nhất là do dịch Covid-19 đúng lúc triển khai. Có thể nói, dự án rất đặc biệt, doanh nghiệp đã đầu tư được 80% vật tư thiết bị, đầu tư cảng rất bài bản nhưng đến giữa chừng bị tắc nghẽn, máy móc đầy đủ nhưng bây giờ là một bãi hoang tàn.
Chúng ta đang làm khó doanh nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Vì thế, hôm qua, tôi đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng chỉ đạo tiếp, bên cạnh đó cũng trao đổi với Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo, sắp tới cần thiết giám sát tổ chức tín dụng này. Nếu tổ chức tín dụng bất chấp không thực hiện hợp đồng sẽ thì ảnh hưởng đến vấn đề chung, bởi vì xăng dầu cũng là an ninh quốc gia.
Chúng tôi nhận đơn thư các doanh nghiệp về hoạt động tín dụng, vốn nhận thấy đây là vấn đề lớn, nếu không có thì không thể làm kho dự trữ xăng dầu. Quy hoạch đã có, vấn đề quan trọng Nhà nước chỉ lo cho 1.500 tỷ trong 4.100 tỷ hằng năm, nếu không dựa vào doanh nghiệp thì sao? Đây là vấn đề có liên kết, liên thông rất chặt chẽ. Cho nên vai trò Nhà nước thể hiện rất rõ, không chỉ chỉ đạo điều hành, mà còn thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP dầu khí Sơn Hải:
Thực tế các ngân hàng vẫn rất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vay vốn để kinh doanh nhưng yêu cầu phải đáp ứng được 3 nguyên tắc tiếp cận tín dụng ngân hàng: Có mục đích, có kế hoạch và cótài sản tương ứng đảm bảo; hoàn trả vốn và lãi đúng thời hạn. Các doanh nghiệp khi đưa ra phương án kinh doanh, vay vốn lớn như thế tất cả các đơn vị đều không dám cho vay.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP dầu khí Sơn Hải. |
Doanh nghiệp của chúng tôi, năm trước có đi tìm đất là kho dự trữ nhưng chi phí một năm lên tới 70 tỷ tiền thuê đất là quá lớn. Mặc dù bản thân tôi rất tâm huyết, trách nhiệm với nghề nhưng về lâu dài các doanh nghiệp phải chủ động nguồn dự trữ xăng dầu chứ ăn đong thế này rất khó. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, được Nhà nước khuyến khích, nhân dân ủng hộ. Với tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp càng làm càng lỗ nhưng vẫn đang cố gắng duy trì bởi nếu đóng cửa một cửa hàng nào ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực đó.
Tôi đề nghị, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đầu tư dự trữ xăng dầu. Cụ thể, có tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện các doanh nghiệp tiếp cận đất đai làm kho.
Bà Hoàng Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam
Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, nguồn năng lượng và mặt hàng dự trữ có tính chiến lược của quốc gia. Xác định tầm quan trọng của mặt hàng xăng dầu, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên có động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu là đối tượng được quan tâm và ưu tiên cấp tín dụng vào thời điểm cuối năm 2022.
Bà Hoàng Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam. |
Trước biến động phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới và diễn biến cung - cầu xăng dầu trong nước, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét, tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương giao, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Cùng với đó, tổ chức làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang có quan hệ tín dụng để nắm bắt cụ thể những khó khăn, vướng mắc, đồng thời chủ động có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ vốn vay ngoại tệ trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc quy định về cấp tín dụng, bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu nhằm phục vụ nhu cầu xăng dầu nhập khẩu trong nước và nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức được giao.
Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, hiện nay các ngân hàng thương mại đều đang cung cấp đủ hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp xăng dầu cũng như là cung cấp đủ nguồn ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.
P.V