Hai vấn đề tranh cãi "đốt nóng" quan hệ Mỹ - Trung
Mối quan hệ vốn đã "căng như dây đàn" giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây tiếp tục xấu đi do hai vấn đề gây tranh cãi: nguồn gốc gây đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine.
Cờ Mỹ và Trung Quốc (Ảnh minh họa: Reuters). |
Những bất đồng mới giữa hai cường quốc gay gắt đến mức đã làm bùng nổ cuộc đối đầu ngoại giao chưa từng có. Hai vấn đề gây tranh cãi mới và gây căng thẳng nhất đó là nguồn gốc gây đại dịch Covid-19 và nghi vấn của Mỹ về việc Trung Quốc cho thể tính cấp vũ khí cho Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Mới đây, Bộ Năng lượng Mỹ đã công bố một báo cáo nói rằng, dịch Covid-19 có thể bắt nguồn từ phòng thí nghiệm. Dù báo cáo nói rằng, đánh giá được đưa ra với "mức độ tin tin thấp", nhưng điều đó cũng cho thấy sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của cơ quan này, trong khi trước đây họ không nghiêng về giả thuyết nào.
Đánh giá Covid-19 bị nghi rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc là một quan điểm thiểu số trong cộng đồng tình báo Mỹ, các nguồn tin cho biết. Vì vậy, theo các nguồn thạo tin, đảng Dân chủ không quá quan tâm đến tầm quan trọng của đánh giá mới do Bộ Năng lượng đưa ra. Tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa cho rằng, nhận định của Bộ Năng lượng đáng quan tâm và nghi ngờ Bắc Kinh vẫn che giấu thông tin.
Ngay lập tức, Trung Quốc phản bác đánh giá mới của cơ quan Mỹ về nguồn gốc Covid-19, trong đó đề nghị Washington "không chính trị hóa" vấn đề nguồn gốc đại dịch này.
Về vấn đề Ukraine, mặc dù Trung Quốc không có dấu hiệu sẽ cung cấp vũ khí sát thương để hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine, Washington liên tục cảnh báo mạnh mẽ Bắc Kinh không được làm như vậy nếu không muốn "trả giá đắt".
Mỹ và các đồng minh phương Tây trong những ngày gần đây đã cố gắng ngăn Trung Quốc không thực hiện động thái như vậy. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và khẳng định đang nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo các chuyên gia, giữa lúc căng thẳng quanh cuộc xung đột Ukraine phủ bóng u ám nền chính trị toàn cầu, mối quan hệ ngày càng đối đầu căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất nhì thế giới này ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống của người Mỹ, từ kinh tế đến sức khỏe cộng đồng.
Thực tế này cũng đặt ra những thách thức mà quân đội Mỹ phải đối mặt, giữa những xung đột địa chính trị lớn vào đầu thế kỷ 21, với những rủi ro do các ứng dụng mạng của Trung Quốc được cài đặt trên các thiết bị điện tử của người dân Mỹ.
Và tất cả đang thúc đẩy một nguy cơ đáng lo ngại là Mỹ và Trung Quốc đang bị mắc kẹt trong tình trạng căng thẳng có thể dẫn đến xung đột.
Các chuyên gia quân sự cũng cho rằng, "mặt trận mới" trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang bắt đầu thâm nhập vào chính trường Mỹ.
Mặc dù Quốc hội lưỡng đảng Mỹ đều có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, phe Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ lại bất đồng trong chiến lược về cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi phe Dân chủ đang đi theo con đường hỗ trợ nhiều hơn cho Kiev, đảng Cộng hòa lại chủ trương ưu tiên phục vụ một "Nước Mỹ trên hết".
Những nhân vật có quan điểm cứng rắn truyền thống như lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell ủng hộ viện trợ hơn nữa cho Ukraine, nhưng một số nhân vật bảo thủ như Thống đốc Florida Ron DeSantis, chính trị gia sáng giá có khả năng tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, cảnh báo rằng viện trợ cho Kiev có nguy cơ khiến xung đột leo thang đáng lo ngại hơn nữa.
Trong một bình luận hiếm hoi về chính sách đối ngoại vào tuần trước, ông DeSantis đã đề cập cụ thể đến "khả năng Trung Quốc" hỗ trợ cho Nga ở Ukraine.
"Tôi không nghĩ chúng ta có lợi gì khi tham gia vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Trung Quốc, lao đầu vào những thứ như Crimea", ông DeSantis nói trên chương trình "Fox & Friends".
Theo Dân trí