Quảng Nam: Những mái nhà “mắc kẹt” trong vùng dự án
(PetroTimes) - Hai thôn Tây Sơn Đông và Tây Sơn Tây (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) nằm trong vùng quy hoạch khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Cứ như vậy, những mái nhà trong vùng dự án cứ mãi nằm im không thể sửa chữa hay xây mới.
Quảng Nam tiếp tục điều chỉnh tiến độ cho Khu đô thị SBC miền Trung |
Quảng Nam: Quản lý chặt chẽ khu bảo tồn biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản |
Những địa phương nào được thành lập đô thị mới? |
Đi không được, sửa không xong
Xã Duy Hải nằm cạnh bờ biển, cách TP Hội An gần 10km. Nơi đây được xem là “mảnh đất vàng” nên được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An ((Nam Hoi An Casino Resort). Đến nay, xã Duy Hải vẫn nằm trong diện quy hoạch nên người dân ở hai thôn Tây Sơn Đông và Tây Sơn Tây nằm trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Nhà cũ không thể sửa, nhà sập chưa thể xây.
Đến thôn Tây Sơn Tây, hàng chục căn nhà cũ kĩ nằm lệch lạc không theo quy cũ trên con đường ngoằng nghèo. Những mái nhà đã sờn cũ theo năm tháng, có những căn đã đổ sập vì trận bão Noru (năm 2022) nằm im lìm không có dấu hiệu sửa sang.
Nhiều người dân vùng quy hoạch không thể sửa chữa nhà cửa, phải sống tạm bợ. |
Ở tuổi xế chiều, bà Nguyễn Thị Mại vẫn phải đi ở nhờ một căn nhà khác, vì bão Noru quét qua đã “dập” tơi tả căn nhà, đến nay chẳng thể sửa. Bà Huỳnh Thị Hai (con gái bà Mại) cho biết, bão quét qua khiến căn nhà tan hoang, nhờ lực lượng bội đội giúp sửa sang nên mới dám vào ở. Nhưng nhà đã cũ, lại không thể sửa chữa nên gia đình chưa dám đưa bà Mại trở về. Dù ở tuổi xế chiều, được sống trong chính căn nhà của mình lại là niềm mong mỏi của bà Mại.
Cạnh bên, một căn nhà đã không còn nóc, nằm chơ vơ giữa trời, xung quanh ngổi ngang gạch đá và cát. Bà Huỳnh Thị Hai cho hay, đây là căn nhà anh chị em dự tính sẽ dựng lại kiên cố cho mẹ ở. Dự tính là vậy, nhưng đến lúc xây gần xong thì chính quyền buộc dừng thi công, vì đây là vùng quy hoạch.
“Nhà này là anh chị em chúng tôi dự tính làm một chỗ kiên cố cho mẹ ở lỡ lúc trời mưa bão. Xây đã gần xong rồi thì bị chính quyền bắt dừng lại, nên phải để “chổng vó” giữa trời như vậy. Mất một mớ tiền. Nên giờ cố gắng sửa lại căn nhà này, dù cũ kĩ nhưng vẫn phải sửa sang lại để mẹ già có nơi ở. Mẹ cũng già rồi, chẳng thể ở nhờ nhà người khác mãi được”, bà Hai nói.
Một căn nhà bị bão Noru làm sập nhưng chưa thể khắc phục. |
Đã nhiều lần bà Hai làm đơn lên xã, xin địa phương sớm bố trí chỗ ở mới, tái định cư cho mẹ mình. Nhưng năm lần, bảy lượt câu trả lời vẫn là phải chờ. Không riêng nhà bà Mại, nhà bà Nguyễn Thị Thu (thôn Tây Sơn Đông) cũng đổ sập giữa ban ngày trong trận mưa đầu mùa tháng 9 vừa qua. May mắn, không có ai trong nhà lúc đổ sập.
Những mái nhà cũ kĩ khắp xã Duy Hải cũng đều chung một số phận, người dân chẳng thể làm gì với chính căn nhà của mình. Khi nhắc đến ai cũng lắc đầu ngán ngẩm vì “phải chờ”…
Đợi chờ không hạnh phúc
Nằm cạnh bờ biển, mùa mưa đến xã Duy Hải lại trở thành “vùng lõm” của dự án, bởi lẽ các cống rãnh, mương nước dẫn ra biển đã bị chắn lấp. Nước ngập từng nhà, người dân xứ cát lại gánh chịu thêm một “kiếp nạn".
Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, xã đã đi đến từng nhà để ghi nhận thực trạng và soạn sẵn một báo cáo về tình trạng xuống cấp của người dân những vẫn chưa thể giải quyết. Chính quyền xã cũng chẳng xa lạ với những lời bực tức, hằn học của người dân nhưng cũng đành ngậm ngùi chờ đợi sự điều hành của UBND tỉnh Quảng Nam.
“Xã nằm trong vùng dự án nên xã Duy Hải chịu sự điều chỉnh của chỉ thị số 19/CT-UBND do UBND tỉnh Quảng Nam ban hành. Xã Duy Hải có 552ha trong tổng diện tích giải phóng mặt bằng của dự án (tổng diện tích dự án là 985,5ha) nhưng chỉ mới giải phóng mặt bằng được 250ha, tức là chưa được một nửa. Xã có khoảng 200 hộ gia đình nằm trong phạm vi dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, trong đó có 90 hộ thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng”, Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết.
Xã Duy Hải có 552ha trong tổng diện tích giải phóng mặt bằng của dự án. |
Đa số những căn nhà tại xã Duy Hải, đươc xây dựng từ năm 2000 trở về trước, nhiều nhà đã xuống cấp trầm trọng, mang nhiều rủi ro vào mùa mưa bão. Trong tổng số 192 căn nhà được khảo sát, chỉ có 17 nhà đạt tiêu chuẩn sử dụng tốt. 123 hộ có nhà ở xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập, số còn lại đều mất an toàn trước mưa bão.
Các diễn đàn, hội nghị liên quan đến việc di dời, sửa chữa nhà cửa được tổ chức, song chẳng có được kết quả do thiếu sự hướng dẫn và giải quyết di dời từ các cấp. Người dân lại tiếp tục đợi chờ trong hy vọng. Những sự đợi chờ… không hạnh phúc.
Nhiều biện pháp an toàn trước mùa mưa bão dù đã được chuẩn bị, những ngôi nhà cũ dẫu đã được “chắp vá” nhưng mùa mưa bão trước mắt khiến ai cũng thấp thỏm lo sợ. Bởi lẽ, những ngôi nhà đã sập vẫn nằm im lìm trước mắt, tiếng gió rít vẫn len lỏi qua những bức tường loang lổ rêu phong, chực chờ đổ sập. Người dân xứ cát Duy Hải vẫn treo leo số phận mình trong vùng dự án mà chưa thể tháo gỡ…
Dự án căn hộ khu nghỉ dưỡng Nam Hội An do Tập đoàn VinaCapital và Tập đoàn Gold Yield Enterprises làm chủ đầu tư. Ước tính có 1.800 hộ dân với hơn 8.000 người buộc phải di dời để nhường đất cho dự án. 3 xã gồm Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình) nằm trong vùng dự án với diện tích 985,6ha. Dự án được khởi công vào năm 2016 và dự kiến hoàn thành vào năm 2035. |
Nguyên Mạnh