Các công ty lớn có thể đối mặt với hóa đơn 100 tỷ USD/năm để xử lý chất thải nhựa
Đại dịch Covid-19 và tình hình Ukraine đã làm các nhà quản lý tập trung vào vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng và rủi ro an ninh năng lượng. Tuy nhiên, hiện các nhà đầu tư đang lo lắng khi chất thải nhựa đang ngày càng gia tăng.
Rác thải nhựa - Kẻ thù của môi trường |
Tại Mỹ, 73% chất thải nhựa bị bỏ đi tại các bãi rác và phải mất tới 500 năm để phân hủy, phần còn lại bị thiêu hủy hoặc trôi dạt vào bờ biển của các nước đang phát triển. (Nguồn: Reuters) |
Bốn năm sau khi những “gã khổng lồ” tiêu thụ nhựa, như PepsiCo, Coca-Cola và Mars, đăng ký các mục tiêu tự nguyện cắt giảm mức sử dụng nhựa theo Cam kết toàn cầu về nền kinh tế nhựa mới, tiến độ đạt được thật đáng thất vọng.
Dữ liệu của Quỹ Ellen MacArthur Foundation cho thấy, PepsiCo, Mars và Coca-Cola đã tăng cường sử dụng nhựa nguyên chất để đựng sản phẩm và nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch thay vì vật liệu tái chế lần lượt là 5%, 3% và 11% trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021.
Điều đó khiến họ khó có thể đáp ứng các cam kết hạn chế sử dụng nhựa tương ứng ở mức 5%, 20% và 25% vào năm 2025. Những công ty sử dụng nhựa lớn cũng không đạt được tiến bộ trong việc sử dụng vật liệu tái chế.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, bất chấp nỗ lực của người dân trong việc phân loại nhựa đã qua sử dụng để thu gom, đặc biệt là ở châu Âu, chỉ có 9% phế liệu nhựa thực sự được tái chế mỗi năm. Tại Mỹ, 73% chất thải nhựa bị bỏ đi tại các bãi rác và phải mất tới 500 năm để phân hủy, phần còn lại bị thiêu hủy hoặc trôi dạt vào bờ biển của các nước đang phát triển, và điều đó sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nhu cầu hàng năm đạt khoảng 450 triệu tấn nhưng dự kiến sẽ tăng gấp ba vào năm 2060. Công việc giải quyết những thách thức về xử lý rác thải nhựa cũng rất phức tạp và tốn kém.
Tuy nhiên, sau khi đã cam kết hành động, các tập đoàn lớn đang ở một vị trí dễ bị tổn thương. Danone đang đối mặt với thách thức pháp lý về việc sử dụng nhựa. Trong trường hợp xấu nhất, các công ty có thể phải đối mặt với hóa đơn trị giá 100 tỷ USD hàng năm nếu các nhà lập pháp yêu cầu họ trang trải toàn bộ chi phí xử lý chất thải, PEW Charitable Trusts cho biết.
Vào tháng 3/2022, đã có 175 quốc gia đồng ý xây dựng các luật ràng buộc để chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa đến cuối năm 2024. Trong năm 2022, khoảng 70% công dân được khảo sát tại 34 quốc gia muốn đưa ra các quy tắc mới để hạn chế sử dụng nhựa.
Theo baoquocte.vn