Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương:
Con người, ứng dụng công nghệ và tài chính - ba nguồn lực phát triển báo chí giai đoạn hiện nay
(PetroTimes) - Đó là ý kiến của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại Hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 tổ chức ở TP HCM vào sáng 24/12.
Tham dự Hội nghị Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cùng hơn 700 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, Chính Phủ, Trung ương, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các cơ quan báo chí, quản lý báo chí…
Theo báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023; báo cáo về hoạt động công tác Hội Nhà báo Việt Nam đều thống nhất nhận định, năm 2022, báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện những bước chuyển mình quan trọng. Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, nhạy bén, hiệu quả.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị |
Các cơ quan báo chí ưu tiên dung lượng, thời lượng tuyên truyền, nghiên cứu các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống; góp phần rất quan trọng vào việc củng cố, tăng cường niềm tin đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Công tác chấn chỉnh, xử lý sai phạm và dấu hiệu sai phạm trong hoạt động báo chí, nhất là những vấn đề liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, được thực hiện bài bản, quyết liệt, nhằm hỗ trợ báo chí phát triển đúng định hướng, lành mạnh.
Với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, hội nghị dành thời gian nghe các đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ về những vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí hiện nay cũng như đời sống báo chí - truyền thông; nhận diện xu hướng, thách thức, từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023 và trong giai đoạn tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đã đưa ra những mục tiêu, phương hướng cho lĩnh vực báo chí. Trong đó, nền báo chí phải hướng tới và bám sát tính cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Toàn cảnh hội nghị |
Ngoài ra, các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua đã nhấn mạnh đến vai trò, sứ mệnh của báo chí trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, hội nghị Trung ương 6 vừa diễn ra cũng bàn về việc vừa ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, vừa phát huy vai trò của nhân tố con người, tức là đội ngũ báo cáo viên, phóng viên đối với hoạt động báo chí
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, chúng ta có sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, sứ mệnh của dân tộc, sứ mệnh của tuổi trẻ thì sứ mệnh của báo chí cũng rất hệ trọng, cao cả, đã được Đảng giao phó. Toàn bộ hoạt động báo chí đều tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng trên tất cả lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, văn hóa và góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đối ngoại.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nêu rõ, sứ mệnh đầu tiên của báo chí là việc định hướng dư luận. Đây là điều được phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Báo chí là một trong những lực lượng tiên phong, đi đầu, giúp tạo ra sự đồng thuận cao ở nhiều lĩnh vực.
Sứ mệnh tiếp theo là tính thực tiễn, phản ánh thực tiễn toàn diện, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, báo chí cần đi vào những điểm mới, điểm khó, vùng sâu vùng xa để đồng hành cùng nhân dân, dân tộc. Dẫn chứng sắp tới, ông Nghĩa cho biết, Hội nghị của Trung ương và kỳ họp bất thường của Quốc hội sẽ tập trung bàn về các vấn đề lớn, trọng tâm, trọng điểm như quy hoạch quốc gia, các vấn đề liên quan đất đai, các chiến lược chính sách lớn. Báo chí cần tiếp tục bám sát thực tiễn đối với các vấn đề này.
Ngoài ra, báo chí cần hướng tới văn hóa, hướng tới chân - thiện - mỹ, tôn vinh sáng tạo của nhân dân trong thời kỳ mới và khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh. Tập trung việc phát huy dân chủ, gắn với trách nhiệm, kỷ cương để luôn đồng hành cùng dân tộc, vì lợi ích quốc gia, vì lẽ sống cao cả
Trong số các nhiệm vụ được đề ra nhằm hướng tới các sứ mệnh cao cả của báo chí, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhắc tới sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên tất cả lĩnh vực. Bên cạnh đó, báo chí cần là lực lượng đồng hành và tiên phong trong nhiệm vụ tuyên truyền thông tin đối ngoại, đồng hành cùng công tác an sinh xã hội...
"Báo chí đã làm rất tốt công tác an sinh xã hội, rất nhiều cơ quan báo chí đã quan tâm, đồng hành với công tác an sinh xã hội bằng cách tặng cờ Tổ quốc, ủng hộ tiền cho nhân dân ở biển đảo, biên giới, chung tay chăm sóc người nghèo, bệnh nhân Covid-19, đây là điều chúng ta cần tiếp tục phát huy", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị nền báo chí cần làm trong sạch bộ máy, đặc biệt các tờ báo lớn, có uy tín cần đặc biệt lưu ý. Trong vấn đề này, địa phương, quần chúng, các phóng viên chân chính cần phát huy vai trò để phát hiện, đấu tranh nhằm loại bỏ những trường hợp lợi dụng báo chí, danh nghĩa báo chí để làm những việc vi phạm pháp luật, đạo đức nghề báo. Đồng thời các cơ quan cần sớm tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, băn khoăn trong việc quy hoạch, quản lý, phát triển báo chí. Việc này cần gắn với thực hiện Nghị quyết của Trung ương về xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn ngành báo chí cần sớm hình thành đề án tổng thể kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đề án cần hướng tới những mục tiêu cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nền báo chí cách mạng nhân văn, hiện đại chứ không dừng lại ở một đề án mang tính chất kỷ niệm thông thường.
Bên cạnh đó, để báo chí phát triển trong giai đoạn hiện nay ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề cập đến 3 nguồn lực chính, đó là con người, ứng dụng công nghệ và tài chính. Đây là những nguồn lực cần đồng hành, lan tỏa, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau...
Minh Châu