Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022)
Cái giá của hòa bình là màu xanh áo lính bất tử
(PetroTimes) - Gần như trong tâm thức, màu áo xanh của người lính vẫn luôn đáng được kính trọng, dù trong chiến tranh hay cả trong thời bình bây giờ.
Những người lính cựu gặp nhau bên mộ đồng đội, kể lại những chuyện chiến tranh và để nhớ về nhau. Ảnh tư liệu |
Trong bi hùng rực rỡ
Ngày 22/12 năm nay, là ngày Kỷ niệm 78 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng là kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, và cũng kỷ niệm 33 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân. Đó đều là những sự kiện trọng đại không riêng gì với những người lính, mà còn là của toàn thể nhân dân.
Ngày này mấy năm trước, giữa trưa nắng ở vùng cát Tam Nghĩa (Núi Thành, Quảng Nam), khi tôi đang đi bỗng giật bắn mình khi nghe vang lên những tiếng: “Xung phong! Xung phong!”, kèm với đó là những tiếng “đạn bắn, bom rơi”. Tôi co rúm người, chờ một cuộc tấn công mãnh liệt. Nhưng không, sau đó là im ắng, rồi những tràng cười sởn gai ốc... Một người đi đường bảo: “Ông Nguyên “đánh giặc” đó mà, không sao đâu, cứ vào nói chuyện với ổng cho vui!”. Tôi vào nhà ông, và kinh ngạc khi thấy ngôi nhà đã được đào nham nhở thành những hầm chiến đấu, nơi này nơi kia cắm đầy lá ngụy trang. Nhưng lúc ấy, người vừa hô “xung phong” đó lại tháo chạy. Ngoài lúc “đánh trận” ra, ông quanh quẩn chợ Chu Lai để xin ăn, có khi lên cơn và đói, ông giật cá để ăn. Khi tỉnh táo thì làm sào ruộng do xã cấp, rồi mò cua, bắt cá để sống qua ngày. Mỗi khi trái gió trở trời ông thường hô “xung phong - đánh giặc” ầm vang, rồi ông lại lủi thủi đi bộ về quê vợ (cách đó 5km). Vợ con ông đã vào miền Nam từ lâu, ông biết vậy, nhưng vẫn tìm về đứng trước cổng nhà vợ một lát rồi quay về. Có lẽ chỉ có những lúc “vào trận đánh”, ông mới thôi cô độc vì có “đồng đội”, còn bình thường ông lủi thủi làm ăn, đi về không ai thân cận quan tâm… Đó là câu chuyện có thật, nếu mọi người về Tam Nghĩa đều sẽ được kể lại.
Cái giá của hòa bình là xương máu của biết bao người đã nằm xuống cho Tổ quốc này. Ảnh tư liệu |
Xóm tôi, có mấy người lính cựu. Mỗi sáng hoặc mỗi chiều họ đều ngồi bên ấm trà, có khi là dắt đứa cháu đi chơi, hoặc chỉ đơn giản là ngồi lặng lẽ nhìn về nơi nào đó, nghĩ về điều gì đó, có thể rất xa hoặc cũng rất gần, không ai biết được. Tôi vẫn thích nghe những người chú người bác lính cựu ấy nói chuyện. Vào những lúc rảnh rỗi, họ tuy không cùng đơn vị, không cùng một chiến trường, không cùng một trận đánh, nhưng họ lại là những người kể lại cho nhau nghe về những ngày tòng quân, có những người chích máu viết đơn đòi ra mặt trận, có không ít người đang ngồi trên ghế nhà trường cũng hăng hái ghi tên nhập ngũ, hàng trăm người đang học tại các trường đại học cũng xếp bút nghiên cầm súng lên đường.
Và còn đó, trong trí nhớ của nhưng người lính cựu ấy là những trận giáp lá cà giằng co từng tấc chiến hào với địch, hay những lần không khỏi xúc động khi kể về bao lần dìu nhau vượt qua những trận pháo kích của giặc, có lúc chia nhau từng viên đạn, viên thuốc, đoạn băng. Họ kể về những đồng đội hy sinh anh dũng, những người đã để lại một phần xương máu sau trận đánh trên những quả đồi không tên, những trảng bom, trảng xích và rất nhiều nơi khác, nơi họ đã sống và chiến đấu. Có những trận chiến, người lính cuối cùng của trung đoàn đi khắp mặt trận tìm lại đồng đội của mình. Chuyện chiến trường, đã mấy mươi năm, dù tất cả những chàng trai cô gái năm xưa bây giờ lên ông lên bà, tóc người nào cũng bạc mà kỷ niệm xưa như đang diễn ra, chưa có ai quên.
Cái giá của hòa bình là màu xanh áo lính bất tử |
Cái giá của hòa bình
Chiến tranh đã lùi xa hơn, nhưng tàn dư của cuộc chiến vẫn còn đó. Những giờ khắc đến, tìm gặp rồi chia xa, những nỗi đau của thời hậu chiến cứ ám ảnh tôi suốt hành trình trở về. Trong công cuộc đấu tranh chống giặc mấy mươi năm qua, vì sự bình yên cho tổ quốc, cũng như nhiều nơi trong khắp nước, hàng nghìn, hàng vạn người đã không quản ngại, cầm súng nên đường. Họ bỏ lại quê nhà, cái cuốc, cái cày và những ruộng đồng bờ bãi, những núi đồi quê hương, họ vào chiến trường với niềm tin cho ngày toàn thắng.
Có người ở lại mãi mãi không về, có người về nhưng không còn nguyên vẹn, có người mấy mươi năm sau mới phát bệnh, có người thì di truyền cho đời sau những di chứng da cam. Cái giá của hòa bình, là những tiếng hô xung phong giữa bình yên đầy ám ảnh, là những chuyến đi hàng tháng hàng năm trong núi thẳm vực sâu của thân nhân liệt sỹ, của đội quy tập, là những đêm những người mẹ anh hùng ngồi đếm từng đứa con trở về trong ám ảnh giấc mơ.
Màu áo xanh áo lính vẫn luôn đáng được kính trọng, dù trong chiến tranh hay cả trong thời bình bây giờ. (Ảnh Minh Khôi) |
Cái giá của hòa bình, là hơn 1,1 triệu liệt sỹ, hơn 138.400 Mẹ VNAH, là hơn 800.000 thương binh, hơn 300.000 mộ liệt sỹ chưa rõ tên... Con số đó có khủng khiếp không?! Chú tôi là liệt sỹ, sỹ quan pháo binh hy sinh tại Đức Phổ (Quảng Ngãi), năm nào cha tôi cũng để dành tiền lương hưu vào Quảng Ngãi tìm chú, gần 50 năm rồi mà vẫn chưa gặp. Ông ngoại tôi điều trị tại trại thương binh nặng Hà Nam. Trại này, có lẽ lại trại lớn nhất điều trị cho những thương binh nặng nhất của cả nước. Ai đã từng đến đó, sẽ biết sự tàn ác của chiến tranh dữ dội đến mức nào.
Tôi ám ảnh bởi bức ảnh một người thương binh mất 2 tay, dùng tay áo của mình làm điểm nối cho người đồng đội bị mù phía sau bám vào, mặt ông quay lại và như đang nhắc người đồng đội về bậc thềm bước lên đài tưởng niệm. Và bờ vai người đồng đội mù lại là điểm tựa để một người đồng đội khác bị thương ở chân bám vào và bước lên, một hình ảnh đẹp không thể tả xiết. Đó có lẽ là một trong những bức ảnh hiện thực nhất về chiến tranh ở thời điểm bây giờ.
Có một câu chuyện, về Khánh - một thầy giáo dạy văn ở trường THPT An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang). Anh thú nhận rằng tới tận năm ngoài 30 tuổi, anh mới lần đầu tiên hiểu kỹ về Chiến tranh. “Ở ngoài đảo, mình không có điều kiện tiếp cận thông tin, vào Internet, sách giáo khoa thời mình thì không nhắc đến mấy” - anh kể. Khi biết đến, Khánh đã phải nhờ rất nhiều bạn bè ở các trường đại học gửi tài liệu cho đọc, để biết thêm về những cuộc chiến. Anh quyết định rằng mình sẽ không để các em học sinh phải chịu điều ấy - dù anh là một thầy giáo dạy văn, không phải dạy sử. Tiết học Khánh chọn, là sau khi anh giảng xong cho học sinh về “Bình Ngô đại cáo” - tác phẩm tuyên bố chủ quyền dân tộc trước giặc xâm lăng phương Bắc. Anh dành một tiết học ngồi kể cho học sinh về những cuộc chiến, về diễn biến, và những đau thương mà nó mang lại. Rồi người thầy giáo khóc. Gia đình anh cũng có nhiều liệt sĩ. Anh nhớ bà ngoại, mất chồng từ năm 26 tuổi, nhớ người cậu ruột hy sinh ở chiến trường biên giới Tây Nam... Học sinh trong lớp cũng đồng loạt khóc theo. Rồi cả lớp đứng dậy, dành một phút tưởng niệm cho những người đã ngã xuống. Tiết học ấy sau này trở nên nổi tiếng trên báo chí. Bởi vì nó đặc biệt: những cuộc tưởng niệm như thế không được tổ chức ở nhiều nơi trên đất nước, đặc biệt với những người ngoài quân ngũ...
Một hình ảnh đẹp không thể tả xiết về tình đồng đội của người lính. Ảnh tư liệu |
Bây giờ, có những người lính già đã qua nhiều cuộc chiến, nói về chiến tranh với một vẻ đầy bình thản. Nhưng họ chua chát khi nói về sự lãng quên. Chính bản thân họ, sau bao nhiêu năm, cũng không cưỡng lại được sự phai mờ của ký ức. Họ sợ sự quên ấy, chứ không sợ kẻ thù. Và có lẽ, với quá khứ đầy rẫy những mất mát sau bao cuộc chiến tranh vệ quốc, chúng ta phải biết cái giá của hòa bình - để yêu hòa bình.
Và gần như trong tâm thức, với tôi thì màu áo xanh áo lính vẫn luôn đáng được kính trọng, dù trong chiến tranh hay cả trong thời bình bây giờ...
Tiêu Dao