Hà Nội: Phụ huynh học sinh mầm non mong con sớm được đến trường
(PetroTimes) - Cùng với việc triển khai học trực tiếp với học sinh tiểu học, lớp 6, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các phòng GD-ĐT 30 quận huyện, thị xã sẵn sàng tâm thế, tâm lý, nhân lực, nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất để khi có đủ điều kiện sẽ cho học sinh bậc mầm non đi học trực tiếp. Đây cũng là mong mỏi của rất nhiều bậc phụ huynh tại Hà Nội.
Thông tin vừa được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến về việc triển khai công tác cho học sinh tiểu học, lớp 6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã trở lại trường học trực tiếp diễn ra sáng nay 5/4.
Về trình tự tổ chức cho trẻ mầm non đi học, ông Trần Thế Cương cho hay, sau khi học sinh khối tiểu học, lớp 6 đi học thông suốt, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ lấy ý kiến cha mẹ học sinh bậc mầm non để đảm bảo đồng thuận, nhất trí về chủ trương.
Sẵn sàng mọi điều kiện sẽ cho học sinh bậc mầm non đi học trực tiếp |
Đồng thời đề nghị hệ thống mầm non quận, huyện, thị xã sẵn sàng kích hoạt điều kiện, quy trình để chuẩn bị cho trẻ mầm non đi học trở lại trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì cho rằng, trong khối mầm non thì trẻ 5 tuổi cần sớm được đến trường để đảm bảo những kỹ năng, hành trang cần thiết trước khi vào lớp 1. Theo ông Oanh, nếu có thể, nên cho trẻ 5 tuổi được đến trường học trực tiếp ngay sau đợt nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Trước đó, ngày 4/4, Sở GD-ĐT Hà Nội đã thông báo kế hoạch cho học sinh từ lớp 1-6 của các quận nội thành đi học trực tiếp trở lại từ ngày 6/4. Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất của Sở GD-ĐT Hà Nội, trẻ mầm non vẫn tiếp tục nghỉ học ở nhà.
Trao đổi với báo chí, một số phụ huynh cho rằng, khi đã cho học sinh tiểu học trở lại trường, thì lãnh đạo TP Hà Nội, Sở GD-ĐT cũng nên xem xét sớm mở rộng việc này cho trẻ mầm non. Nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng trẻ mầm non có thể cũng chịu nhiều thiệt thòi nếu nghỉ học ở nhà quá lâu. Chưa kể, một số gia đình, phụ huynh cũng bị động, thậm chí vất vả hơn với việc phân công người trông con nhỏ khi chưa đến trường.
Dựa trên 1 khảo sát thu hút 6000 người tham gia trên báo điện tử VnExpress, tính đến sáng 5/4 có đến 64% ý kiến cho rằng, Hà Nội đáng lẽ nên cho mầm non trở lại trường cùng lúc với tiểu học. Bên cạnh đó, có 17% nhận định, nên cho trẻ nghỉ hết năm học luôn. Chị Hoàng Anh ở Cầu Giấy cho biết, chị chưa ủng hộ đi học, vì chỉ còn một tháng nữa các con sẽ nghỉ hè. Việc chỉ đến trường trong một thời gian ngắn có thể gây xáo trộn không cần thiết với nếp sinh hoạt của trẻ nhỏ.
Vì vậy, quyết định tiếp tục cho nhóm tuổi này ở nhà gây bất ngờ và đẩy nhiều phụ huynh vào tình thế bị động. Biết tin con lớn được đi học lại, chị Đặng Thanh Mai ở quận Hà Đông rất phấn khởi. Thế nhưng, quyết định đưa ra khá gấp khiến chị chỉ có hơn một ngày để xoay xở tìm người trông đứa thứ hai. Thời gian các con ở nhà, chị phải xin làm từ xa để trông con. Học sinh đi học, chị cũng phải trở lại cơ quan.
"Ngày mai đứa lớp hai đi học, tôi còn đứa năm tuổi vẫn ở nhà vì trường mầm non chưa mở cửa. Tôi phải tìm chỗ gửi con gấp và không hiểu vì sao Thành phố chưa cho trẻ đến trường", chị Mai nói.
Nhờ cậy họ hàng nhưng người đang F0, người bận việc, chưa thể sắp xếp ngay được, chị đành gửi con ở nhóm lớp do cô giáo cũ mở tại nhà. Lớp hiện có 10 em, gồm nhiều độ tuổi, với chi phí 80.000 đồng một cháu mỗi ngày.
Có hai con, một lớp sáu và một bé năm tuổi, chị Nguyễn Thị Bình ở quận Thanh Xuân bức xúc trước quyết định của Thành phố. Theo chị, mầm non là lứa tuổi cần được vận động, tương tác để phát triển về thể chất, các kỹ năng tinh, thô nhưng lại bị giữ ở nhà quá lâu. Trong khi trẻ vẫn được đi du lịch, đến những nơi vui chơi, việc học trực tiếp, theo chị, không có lý do gì để bị hoãn.
Chị Bình cho rằng, số ca mắc đã giảm, dịch bệnh có chiều hướng đi xuống nên đây là lúc cho toàn bộ các con đến trường; vừa tốt cho trẻ, vừa tháo gỡ khó khăn cho các gia đình.
Chị cho hay, từ 1-2 tháng trước, các phụ huynh có con nhỏ trong tòa nhà đã gom nhóm, nhờ cô giáo đến trông và dạy học từ thứ hai đến thứ bảy. Chị cũng tính xin cho con bé vào nhóm này, khi cô con lớn đi học trực tiếp, không thể phụ mẹ trông em.
Chị Nguyễn Mai Trang (31 tuổi, trú quận Hoàng Mai) là giáo viên tiếng Anh tiểu học, có con 4 tuổi. Từ mai, chị sẽ phải đến trường thay vì ở nhà dạy online như trước. Một tuần qua, từ khi các trường rậm rịch khảo sát phụ huynh về việc cho trẻ tiểu học đến trường, chị đã hỏi thăm bạn bè, tìm lớp trông trẻ tại nhà. Liên hệ 6-7 giáo viên mầm non, chị đều bị từ chối, vì các lớp học đều đã quá đông, lại tổ chức trong không gian gia đình nhỏ hẹp, nên không thể nhận thêm.
Bất lực chưa tìm ra cách, chị đề xuất: "Hà Nội hoàn toàn có thể linh hoạt mở cửa trường mầm non với chủ trương cho trẻ đi học với tinh thần tự nguyện".
Lớp mẫu giáo của con chị có quá nửa số trẻ đã mắc Covid-19, hiện sức khoẻ bình thường và phần lớn mong muốn được đi học trực tiếp. Nhiều phụ huynh nhận rõ sự thay đổi về nề nếp, tâm lý của con khi thiếu giao tiếp cộng đồng nên phải sắp xếp cho con đi du lịch và tham gia các hoạt động vui chơi trong thành phố.
"Ở nhà một năm là quá đủ rồi. Nếu phải thêm thời gian nữa, tôi e hậu quả còn nghiêm trọng hơn nhiễm bệnh", phụ huynh này nói.
M.C