Hà Nội triển khai lộ trình ngừng sử dụng khai thác nước ngầm: Bảo đảm cấp nước an toàn, bền vững
Nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo đảm cấp nước an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thành phố Hà Nội đang triển khai lộ trình ngừng sử dụng giếng khai thác nước ngầm. Để bổ sung và thay thế nguồn nước ngầm, thành phố sẽ triển khai các dự án khai thác nguồn nước mặt, bảo đảm cấp nước sạch ổn định cho người dân.
Giảm dần quy mô khai thác
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho thành phố đạt 1.520.000m3/ngày - đêm, trong đó nước ngầm chiếm khoảng 46% (khoảng 700.000m3/ngày - đêm). Lượng nước này cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của 100% nhân dân khu vực đô thị với chỉ tiêu 100-150 lít/người/ngày và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn.
Mặc dù Hà Nội được đánh giá có trữ lượng nước ngầm dồi dào, song theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp, thoát nước và môi trường (Hội Cấp, thoát nước Việt Nam), tình trạng khai thác nước ngầm tự phát đã ảnh hưởng đến trữ lượng, chất lượng nước ngầm. Thực tế, ngoài những giếng nước tập trung do các công ty nước sạch khai thác đã có trong quy hoạch, một số cơ quan, xí nghiệp, nhà máy... tự khoan giếng, khai thác nước phục vụ nhu cầu của đơn vị, chưa kể tại các
hộ dân cũng có hàng triệu giếng khoan tự phát. Việc khai thác không hợp lý, cộng thêm tốc độ đô thị hóa nhanh đã khiến mực nước ngầm sụt giảm, gây sụt lún đất, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước... Đặc biệt, khi thành phố ngày càng mở rộng về phía Tây thì sẽ càng xa nguồn bổ cập nước ngầm là sông Hồng nên độ hạ thấp mực nước ngầm ngày càng lớn và lan xa.
Để bảo vệ nguồn nước ngầm cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, bảo đảm cấp nước an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 6/4/2021, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du, triển khai quy hoạch này, thành phố đang có những điều chỉnh phù hợp trong khai thác, cấp nước. Theo đó, thành phố xác định khai thác hợp lý nguồn nước ngầm, nước mặt, ưu tiên khai thác và sử dụng nguồn nước mặt, từng bước giảm dần khai thác nước ngầm. Nguồn nước ngầm không khai thác sẽ được sử dụng làm nguồn dự phòng, phục vụ cấp nước an toàn, bảo đảm an ninh nguồn nước.
Theo Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Triệu Đức Huy, đối với Thủ đô, nguồn nước ngầm là nguồn tài nguyên chiến lược phục vụ an ninh, an toàn dự phòng cấp nước. Việc điều chỉnh lại mạng lưới, mật độ các giếng nước ngầm, khai thác hợp lý về lưu lượng, trữ lượng là giải pháp bảo vệ nguồn nước ngầm hiệu quả.
Nhà máy Nước Tương Mai (quận Hoàng Mai) đang giảm dần khai thác nước ngầm xuống còn 20.000m3/ngày - đêm; đến năm 2025 còn 15.000m3/ngày - đêm, đến năm 2050 sẽ đóng hẳn các giếng nước ngầm. |
Triển khai theo lộ trình
Thông tin về lộ trình ngừng sử dụng các giếng khai thác nước ngầm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công chia sẻ, các nhà máy Nước ngầm sẽ giảm dần quy mô công suất. Theo đó, giai đoạn đến năm 2025, dự kiến lượng nước ngầm khai thác giảm còn 615.000m3/ngày - đêm (chiếm khoảng 25,8%); giai đoạn đến năm 2030 còn 504.000m3/ngày - đêm (chiếm khoảng 17,7%) và giai đoạn đến năm 2050 còn 413.000m3/ngày - đêm (chiếm khoảng 11,5%).
Là đơn vị đang quản lý, cung cấp nước sạch cho 15 quận, huyện của thành phố, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội đang khai thác, cấp nước với công suất 680.000m3/ngày - đêm, trong đó 67% tổng nguồn cấp nước là từ nước ngầm. Triển khai lộ trình ngừng sử dụng các giếng khai thác nước ngầm, đơn vị đang thực hiện đóng dần một số giếng và bãi giếng tại một số nhà máy nước.
Giám đốc Nhà máy nước Hạ Đình (Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội) Trần Quốc Tiến cho biết, nhà máy có 17 giếng ngầm, công suất khai thác 30.000m3/ngày - đêm. Triển khai lộ trình giảm dần việc khai thác nước ngầm của thành phố, đến nay nhà máy đã đóng 8 giếng, còn 9 giếng đang được luân phiên khai thác. Từ nay đến năm 2030, nhà máy chỉ hoạt động với công suất 10.000m3/ngày - đêm và đến năm 2050 sẽ đóng tất cả các giếng ngầm.
Tương tự, theo lộ trình, Nhà máy Nước Tương Mai (công suất thiết kế 30.000m3/ngày - đêm) cũng đang giảm dần khai thác nước ngầm xuống còn 20.000m3/ ngày - đêm; đến năm 2025 còn 15.000m3/ngày - đêm, năm 2030 còn 5.000m3/ngày - đêm và đến năm 2050 sẽ đóng hẳn các giếng nước ngầm. Nhà máy Nước Pháp Vân (công suất thiết kế 30.000m3/ ngày - đêm) đang giảm khai thác xuống còn 5.000m3/ngày - đêm; đến giai đoạn sau năm 2030 ngừng khai thác các giếng nước ngầm, đưa về chế độ dự phòng.
Song song với việc thực hiện lộ trình giảm dần khai thác các giếng ngầm, tại Nhà máy Nước Bắc Thăng Long, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội cũng chuyển từ khai thác nước ngầm (50.000m3/ngày - đêm) sang khai thác nước mặt sông Hồng với công suất 150.000m3/ ngày - đêm và dự kiến nâng công suất lên 250.000-300.000m3/ngày - đêm vào năm 2030.
Nhằm bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sạch trên địa bàn Thủ đô, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du cho hay, thành phố sẽ đẩy mạnh khai thác nguồn nước mặt. Theo kế hoạch, thành phố đang đôn đốc sớm đưa vào hoạt động Nhà máy Nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày - đêm; nâng công suất Nhà máy Nước mặt sông Đà, sông Đuống theo lộ trình; đầu tư xây dựng mới Nhà máy Nước Xuân Mai sử dụng nguồn nước mặt sông Đà... Thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền để người dân không tiếp tục khai thác giếng khoan, đấu nối sử dụng nguồn nước từ hệ thống cấp nước tập trung của thành phố sau khi được đầu tư xây dựng.
Theo Báo Hànộimới
Hai nhiệm vụ cấp bách để hồi sinh sông Tô Lịch |
Kết quả việc lắp điểm cấp nước ngọt tại khu vực ĐBSCL |