"Thông điệp 5K" có còn phù hợp khi thích ứng Covid-19?
Nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn bình thường mới, học sinh đã đến trường, cơ quan, doanh nghiệp đã làm việc lại, việc không tập trung khó thực hiện.
Hà Nội: Thú vị với những bốt điện tuyên truyền, cổ động phòng chống Covid-19 |
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM ngày 9/3, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã kiến nghị sửa đổi thông điệp 5K phù hợp với tình hình mới.
Phân tích rõ hơn quan điểm này, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, trong giai đoạn bình thường mới, học sinh đã đến trường, cơ quan, doanh nghiệp đã làm việc lại, việc không tập trung khó thực hiện. Đặc biệt tại trường học, việc ăn, ngủ của các cháu không thể không tập trung. Do vậy thành phố cần hướng dẫn phù hợp thực tế, đảm bảo tính khả thi, tránh bất cập về sau.
"Ví dụ như việc đeo khẩu trang, sát khuẩn chúng ta đã quen và có thể thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề khoảng cách, không tập trung đã có điểm bất ổn. Nếu cứ kêu gọi thực hiện 5K mà không sửa lại cho phù hợp rất khó thực hiện, hoặc nói mà không làm được", Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ.
Trước đó, tháng 8/2020 Bộ Y tế ban hành thông điệp 5K gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế trong bối cảnh Việt Nam ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm/ngày.
Về vấn đề này, theo BS Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) nhận định, khuyến cáo 5K không còn thực sự phù hợp trong bối cảnh F0 tại các địa phương tăng nhanh như hiện nay và chúng ta cũng không theo đuổi mục tiêu "Zero Covid-19". Điều quan trọng là chúng ta cần kiểm soát tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong.
Theo ông, quy định 5K nên sửa xuống còn 2K. Chúng ta giữ lại "Khẩu trang" và "Khử khuẩn". 3K còn lại bao gồm "Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế" chỉ nên khuyến khích người dân thực hiện thay vì bắt buộc.
"Trong các nhà hàng, cơ quan, việc yêu cầu giữ khoảng cách gần như là "bất khả thi". Bên cạnh đó, khi Việt Nam không còn áp dụng những biện pháp truy vết, cách ly như trước đây, việc khai báo y tế cũng không còn cần thiết", BS Khanh phân tích.
Trong khi đó, một chuyên gia dịch tễ khác cho rằng, 5K vẫn là biện pháp dự phòng hiệu quả trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, người dân nên áp dụng khuyến cáo này một cách linh hoạt.
Cụ thể tùy theo từng công việc, từng tình huống cần xác định được nguyên tắc nào là chủ chốt và nguyên tắc nào là hỗ trợ. Ví dụ trong các công sở, việc đeo khẩu trang và khử khuẩn là rất quan trọng; trong khi đó với hoạt động ăn uống ta không thể đeo khẩu trang nhưng có thể giữ khoảng cách.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, trong mỗi nhà máy, công sở, ban lãnh đạo cần có những quy định và hướng dẫn thực hiện 5K phù hợp và linh hoạt với tính chất đặc thù của đơn vị mình và phù hợp với chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 mà Việt Nam đang áp dụng.
10 tỉnh thành có số ca mắc Covid-19 cao nhất ngày 11/3. |
Ngày 11/3, Bộ Y tế công bố nước ta thêm 169.114 ca Covid-19 tại 61 địa phương. Bộ tiếp tục yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát ca nghi mắc, các trường hợp ho, sốt, không để dịch bùng phát rộng.
Theo Bộ Y tế, về tình hình điều trị, trong ngày 11/3 có 74.857 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.983.222 ca. Cả nước hiện còn gần 4.000 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó: thở oxy qua mặt nạ: 3.105 ca; thở oxy dòng cao HFNC: 440 ca; thở máy không xâm lấn: 125 ca; thở máy xâm lấn: 317 ca; ECMO: 3 ca.
Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 83 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.228 ca, chiếm tỷ lệ 0,8% so với tổng số ca nhiễm.
Theo Dân trí