Kinh doanh thủy sản cần nắm bắt thời cơ trong năm 2022
(PetroTimes) - Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Nhưng nhiều doanh nghiệp đã biết chớp thời cơ từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như giảm thuế, miễn giảm tiền điện và đặc biệt là vận chuyển... trong dịch bệnh nên đã "lội ngược dòng", đảm bảo các đơn hàng và giữ được uy tín trên thị trường quốc tế.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có một năm đạt giá trị ấn tượng khi tăng 6% so với năm 2020, đạt gần 9 tỷ USD. Trong đó, ngành hàng tôm đóng góp gần 45% và ngành cá tra chiếm 18%, khi đạt lần lượt 3,9 tỷ USD và 1,6 tỷ USD.
Doanh nghiệp thủy sản cần kiểm soát chặt hơn các chi phí. |
Về hoạt động kinh doanh chung, có thể chia các doanh nghiệp niêm yết trong ngành theo hai hướng nổi bật: một là "lội ngược dòng" để hồi phục mạnh mẽ hoặc tiếp tục đà suy giảm do không thể kiểm soát các chi phí.
Trong thực tế, hầu hết các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản đều có nhà máy, vùng nguyên liệu tại phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng từ làn sóng dịch lần thứ tư vừa qua, khi có tới hơn 3 tháng phải duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái cầm chừng, ách tắc về vận chuyển hàng hóa.
Đơn cử như Công ty cổ phần Nam Việt, là doanh nghiệp cung cấp dòng sản phẩm chính liên quan đến cá tra nên năm 2021 là năm vất vả với ban lãnh đạo cũng như đội ngũ quản lý. Theo đó, lợi nhuận gộp trong quý III/2021 của Nam Việt chỉ bằng 35% cùng kỳ năm trước đó, lợi nhuận sau thuế còn âm hơn 13 tỷ đồng. Đặc biệt, số lượng công nhân có thể làm việc tại nhà máy giảm sút do thực hiện 3 tại chỗ khiến sản lượng hàng bán của công ty cũng giảm theo. Cước tàu, phí vận chuyển tăng cao trong quý III/2021 khiến chi phí bán hàng của Nam Việt tăng 73% so với cùng kỳ năm 2020.
Một trong những công ty chế biến xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam là Công ty Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I cũng ngậm ngùi vì kết quả kinh doanh sụt giảm với lãi ròng quý III/2021 chỉ bằng 31% cùng kỳ năm 2020.
Còn với Minh Phú, doanh nghiệp được mệnh danh là “vua tôm”, hiện chưa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021. Nhưng theo báo cáo tài chính công ty mẹ, quý cuối năm ngoái, doanh nghiệp này ghi nhận chi phí bán hàng tăng hơn 92% so với cùng kỳ năm 2020, cùng lãi ròng giảm hơn 11%. Trong đó, chi phí tàu tăng cao là nguyên nhân mức chênh lệch trên. “Vua tôm” ghi nhận chi phí bán hàng trong năm vừa qua vọt lên hơn 510 tỷ đồng, tăng gần 83% so với năm 2020, còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 27% và lãi ròng giảm nhẹ về mức 532 tỷ đồng.
Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta, tâm thế của ngành thủy sản năm 2022 rất khác biệt. Có doanh nghiệp vui mừng, có doanh nghiệp đắn đo cho giai đoạn sắp tới, có nhiều doanh nghiệp âu lo vì không hoàn tất hợp đồng.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp lo lắng sẽ không giữ được hiệu quả như năm trước do nhiều nguyên nhân như vật tư đầu vào tăng, chi phí lao động, chi phí y tế cho tầm soát dịch bệnh kéo dài và đặc biệt là tiền thuê container rỗng đi thị trường xa như Bắc Mỹ, EU tăng mạnh.
Nuôi trồng thủy sản cần phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ, phát triển thị trường. |
Nhưng bất chấp những thách thức chung mà doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt, một số đơn vị trong ngành thủy sản lại ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2021. Với bí quyết là việc nhanh chóng khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu vào 3 tháng cuối năm để có thể vừa chiếm lĩnh thị trường, tăng giá trị sản phẩm đồng thời giữ uy tín đối với khách hàng quốc tế.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn luôn là cái tên đầu tiên được nhắc đến khi nói về ngành thủy sản nói chung và mặt hàng cá tra nói riêng. Là công ty dẫn đầu thị trường, Vĩnh Hoàn có kết quả kinh doanh vượt trội hơn so với các đơn vị cùng ngành trong quý khó khăn nhất năm vừa qua và thậm chí còn lội ngược dòng mạnh mẽ trong 3 tháng cuối năm, với doanh thu thuần tăng gần 40%, đạt gần 2.700 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp năm ngoái của Vĩnh Hoàn ở mức hơn 19%, nghĩa là cao hơn năm 2020 gần 5%. Năm 2021, Vĩnh Hoàn báo lãi ròng ở mức 1.110 tỷ đồng (tăng 54% so với năm liền kề trước đó), gấp bình quân 8 lần lợi nhuận sau thuế của I.D.I hay Nam Việt.
Còn trong ngành hàng tôm, Camimex Group và Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Cụ thể, Sao Ta ghi nhận doanh thu thuần tăng gần 18%, cùng lãi ròng tăng gần 27%. Biên lợi nhuận ròng năm vừa qua của công ty này tăng nhẹ so với năm liền kề trước đó khi đạt 5,5%.
Dù ở quy mô nhỏ hơn Sao Ta (xét về doanh thu), song kết quả kinh doanh tích cực trong năm vừa qua của Camimex Group cũng góp phần lớn trong thúc đẩy tăng trưởng chung toàn ngành. Công ty có trụ sở chính tại Cà Mau này ghi nhận lãi ròng tăng 38% so với năm 2020, đạt gần 83 tỷ đồng. Song, biên lợi nhuận ròng năm vừa qua của Camimex Group giảm nhẹ so với năm liền kề trước đó khi chỉ đạt 3,7%.
Chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2022 ở mức tương đương năm 2021. Riêng với ngành tôm, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đã khởi sắc trong 2 tháng đầu năm 2022 và hứa hẹn chinh phục mốc 4 tỷ USD năm nay trong tầm tay.
Có thể thấy rằng, các doanh nghiệp ngành thủy sản cần phải chủ động hơn nữa trong việc tận dụng các gói hỗ trợ về tài chính cũng như chính sách của Chính phủ trong việc phục hồi kinh doanh, tăng cường kiểm soát chi phí cũng như quản trị doanh nghiệp. Năm 2022, với đà phục hồi mạnh của thị trường thủy sản cũng như lợi thế từ uy tín của sản phẩm thủy sản "made in Vietnam" đang hứa hẹn những cơ hội rộng phát triển mạnh của ngành thủy sản nước ta.
Tùng Dương