“Chạy chức”- Chạy ai và ai chạy?
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Thời gian gần đây, chuyện “chạy chức” đã trở thành một chủ đề được nói đến rất nhiều và thậm chí còn được coi là một loại “nạn” ngang với tham nhũng. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã nói nhiều đến tình trạng này và kêu gọi phải đấu tranh.
Có cảm giác rằng, thời buổi này người ta hay... “chạy”. Kẻ vi phạm pháp luật thì lo “chạy án” để giảm tội; người làm ăn thì “chạy dự án”; người muốn thăng quan tiến chức thì “chạy chức”, “chạy quyền”; kẻ háo danh thì “chạy khen thưởng”; học trò thì “chạy trường”, “chạy lớp”.
Tóm lại là cái quái gì cũng có người “chạy”!
Nói về chuyện “chạy chức” thì quả thật với những quy định trong công tác đề bạt, sử dụng, quản lý cán bộ hiện nay, không thể nào có “cửa” cho chuyện “chạy chức”. Bởi những quy định đó được đề ra rất dân chủ và minh bạch. Một người muốn được đề bạt phải qua tầng tầng lớp lớp các cuộc bỏ phiếu, các cuộc bình chọn rồi lại phải nằm trong diện quy hoạch, được đào tạo, bồi dưỡng v.v… và v.v…
Nói tóm lại, nếu cứ thực hiện đúng các quy định đã có thì có muốn “chạy” cũng chả được.
Ấy vậy mà vẫn có những người “chạy”! Chỉ có một điều là không thể “chỉ mặt đặt tên” rằng ai đã “chạy” và “chạy” ai.
Tôi từng biết có một người chẳng giữ chức vụ gì to lớn, cũng chẳng có tiền có bạc. Nhưng vào ngày tết, nhìn thấy cảnh các quan chức rồi các đại gia xếp hàng đến nhà ông lễ tết mà tôi kinh ngạc. Thậm chí có cả những cán bộ cấp cao cỡ Thứ trưởng, Bộ trưởng cũng phải đến nhờ vả ông đủ mọi thứ chuyện.
Lần ngược lại lý lịch thì ngày xửa ngày xưa, ông có đi bộ đội và chỉ là chỉ huy một đơn vị cấp tiểu đoàn vận tải trên đường Trường Sơn. Ông là một lái xe giỏi, dũng cảm, mưu trí, liều lĩnh và rất có cá tính. Chính vì thế mà ông hay được giao nhiệm vụ chở những đoàn cán bộ vào Nam ra Bắc. Vì vậy, sau này ông có mối quan hệ thân tình với rất nhiều người. Ông có thể vỗ vai một cán bộ cao cấp và nói với giọng ngất ngưởng: “Anh thấy chú dạo này phát tướng. Mà này, được tí chức tí quyền thì chớ có mà vênh mặt với anh em đấy nhé!”. Hoặc trong bữa tiệc, ông có thể vẫy tay gọi một Bộ trưởng ra và cao giọng: “Chú thấy anh ngồi đây mà không ra chúc một ly là sao?...”. Những câu nói cao ngạo, vô thưởng vô phạt của ông lại được rất nhiều người để ý và trong con mắt của họ, ông là một người có quyền lực ngầm. Và thế là họ đến nhờ ông nói hộ với anh A, anh B việc này việc khác.
Tôi cũng đã được chứng kiến có một cán bộ đến nhờ ông nói hộ với cấp trên để được đưa vào vị trí lãnh đạo một địa phương. Ông nhìn anh cán bộ đó từ đầu đến chân và nói: “Mày làm được đến cấp huyện đã là quá lắm rồi. Bây giờ lại định nhoi lên cấp tỉnh thì để chú phá tỉnh à?”. Anh cán bộ kia mặt xám ngoét và rồi chỉ còn biết năn nỉ: “Thôi anh thương em! Giúp được cho em thì em không bao giờ quên ơn anh!”. Sau một hồi anh ta năn nỉ, ông có vẻ mủi lòng: “Mày để tao hỏi xem thế nào đã”. Rồi ông lấy máy điện thoại gọi cho một ai đó và cũng lại cao giọng chất chưởng: “Này tại sao các ông để nội bộ cứ lục đục mãi thế? Dân người ta bầu các ông lên là để mong các ông làm việc cho tốt, thế mà cứ để dân nay kiện mai biểu tình thì các ông làm ăn kiểu gì?”. Chả hiểu người đầu dây đằng kia nói gì, chỉ thấy ông cứ ừ à: “Thế là được. Phải như thế”. Rồi ông hỏi: “Thế thằng X (là người đến nhờ ông chạy chức), nó quy hoạch đã lâu, mà sao đề bạt nó khó thế?”.
Rồi cũng chả hiểu người kia nói những gì, lại thấy ông cao giọng: “Chắc là nó nghèo, lễ lạt các ông không chu đáo cho nên mới chậm phải không?”. Rồi im một lúc lâu dáng chừng nghe người kia giải thích, ông buông một câu: “Thôi bây giờ việc của nó ông xem thế nào. Nếu được thì đề bạt để người ta yên tâm phấn đấu. Còn nếu thấy không được thì gạt nó ra để tìm người khác. Chủ nhật này, mấy anh em mình đi thăm ông Y đang ốm nằm viện nhé. Chú cho xe qua đây đón tôi, mà nhớ là đúng giờ đấy, chứ các ông quan chức bây giờ là hay khệnh khạng lắm!”. Rồi ông tắt máy, quay lại nói với anh cán bộ đang nhờ vả: “Tao bảo ông ấy rồi. Ông ấy bảo là tuần tới họp thường vụ ông ấy sẽ đưa trường hợp của mày ra rồi quyết luôn. Ông ấy hứa với tao là sẽ lo được cho mày. Nhưng mà tao nói trước, tao giúp mày lên chức được thì tao cũng có thể hạ mày xuống được”. Khỏi phải nói là anh cán bộ kia mừng đến mức nào. Rồi anh ta được đề bạt thật và từ đó trở đi, trong con mắt của anh ta, ông là người to hơn hết thảy.
Chứng kiến câu chuyện đấy, tôi rất tò mò và rồi tôi gặp một vị cán bộ tổ chức tỉnh, tôi hỏi về việc đề bạt anh cán bộ kia thì anh bảo luôn: “Trường hợp đấy lẽ ra đề bạt từ lâu rồi. Đó là một cán bộ giỏi, bỏ phiếu tín nhiệm lần nào cũng cao nhất. Vừa rồi đề bạt chậm chính là vì phải đợi một vị về hưu mới có chỗ. Khi đưa ra thường vụ bỏ phiếu, 100% đồng ý”.
Thì ra câu chuyện là như vậy. Chẳng cần phải có ông “tác động” thì anh cán bộ A mới được đề bạt, nhưng những lời ông nói đã khiến cho anh cán bộ nọ phục sát đất, tin sái cổ rằng nhờ có ông mà anh mới được xem xét đến. Thật là bi kịch!
Tại sao người ta cứ phải “chạy”? Rõ ràng trong thời buổi này, ai tốt, ai xấu, ai làm giỏi, ai làm kém cơ bản đều bộc lộ ra hết? Tất nhiên, cũng có không ít loại cán bộ hiện nay “nói vậy mà không phải vậy”. Họ che giấu bộ mặt thứ hai của họ cực kỳ giỏi. Và cái bộ mặt đấy chỉ được phơi bày khi có các cơ quan bảo vệ pháp luật sờ đến. Dương Chí Dũng là một trong những trường hợp điển hình. Chúng tôi - những người viết báo vốn được coi là loại hay thóc mách và “mũi thính như chó”. Nhưng với Dương Chí Dũng thì cho đến trước khi bị khởi tố, chưa có nhà báo nào nghĩ rằng, đó là người không tốt, bởi anh ta nói năng khiêm nhường, lịch lãm, hào phóng ở mức vừa phải và rất biết lắng nghe người khác nói chuyện. Chính vì thế, khi có tin Dũng bị khởi tố, rất nhiều người ngỡ ngàng. Và rồi không hiểu tới đây, nếu có những cán bộ cấp to hơn nữa bị truy cứu trách nhiệm thì sự bất ngờ của thiên hạ sẽ đến nhường nào? Vì trong đó có những người giữ những vị trí quan trọng và khi lên diễn đàn, họ nói hay vô cùng về đạo đức, về lối sống, tác phong, về vai trò trách nhiệm của người đảng viên. Vậy với những người đấy, thì liệu có truy cứu trách nhiệm của các cấp đã đề bạt họ hay không?
Ngày xửa ngày xưa, thời phong kiến, vua thường hay xuống chiếu để khuyến khích tiến cử người hiền tài. Ai tiến cử được người hiền, người giỏi thì sẽ được trọng thưởng, nhưng ngược lại, tiến cử kẻ xấu thì có khi mang họa cho cả dòng họ.
Về chuyện “chạy” chức thì thường người ta nhờ vả người này người kia tác động hộ, chủ yếu là để “anh thông cảm, anh lưu ý, xem xét”. Nhờ đặc tính sống duy tình của người Việt nên “chạy chức chạy quyền” mới có đất để sống và xã hội ta mới đẻ ra những loại người rất giỏi về chuyện mua quan bán tước. Người Việt Nam mình có tính cả nể, cho nên khi có ai đến nhờ vả, nhất lại là những người đã có mối thân tình thì rất hiếm khi từ chối thẳng thừng mà thường hứa là sẽ quan tâm, sẽ xem xét… Còn bảo dùng hẳn đồng tiền để đi mua chức thì chắc chắn là rất khó thể có. Bởi việc đề bạt cán bộ của mình như “rót dầu qua một chồng lỗ đồng xu”, chỉ cần một đồng xu bị lệch, bất kể ở cấp nào, ở vị trí nào, đều có thể gây ách tắc cho dòng dầu đang chảy.
Sở dĩ người ta phải “chạy” là do chính người được đề bạt cũng không thực sự tự tin vào khả năng của mình. Anh ta không đủ tự tin là bởi vì hiếm ai “trong sáng như pha lê”. Có tài thường đi đôi với tý tật. Mà cái tật đó, dù là rất nhỏ, nhưng nếu được thông cảm, cấp trên đại lượng, nhìn xa trông rộng, thì “chín bỏ làm mười”. Còn nếu cấp trên không có cảm tình, lại bị “bới bèo ra bọ”. “Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng” - Câu đó có từ ngàn xưa và bây giờ vẫn đúng. Do vậy, cần phải “chạy”, trước hết là tạo chữ “tình” với cấp trên và mong được “thông cảm, giúp đỡ, tạo điều kiện”. Một nguyên nhân nữa khiến người ta “chạy” quyết liệt, cũng chính là vì có chức có quyền thì thường có nhiều “lợi” khác và “một người làm quan, cả họ được nhờ”.
Vậy làm thế nào để giảm bớt được chuyện “chạy chức” này?
Như Thổ
(Năng lượng Mới số 158, ra thứ Sáu ngày 28/9/2012)