Sản xuất công nghiệp đã phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn
(PetroTimes) - Sau 11 tháng nỗ lực chống dịch cùng duy trì sản xuất, các ngành công nghiệp chủ lực như chế biến chế tạo, điện, nước… đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cũng nảy sinh những thách thức mới.
Sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội, triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước đã xây dựng và triển khai Kế hoạch an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái mới.
Phòng chống dịch Covid-19 quyết liệt tại các khu công nghiệp đã góp phần vào phục hồi sản xuất. |
Hoạt động sản xuất, nhất là tại các tỉnh, thành phố tập trung phần lớn các hoạt động sản xuất công nghiệp quan trọng của cả nước như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... đã có những chuyển biến tích cực. Tại hầu hết các địa phương, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, sản xuất đã khôi phục trở lại, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tại nhiều địa phương đã có những dấu hiệu phục hồi nhanh so với những tháng trước đó điển hình như: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 của Quảng Ninh ước tăng 19,17%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Quảng Ngãi tăng 16,11%; Thừa Thiên Huế tăng 9,12%; Cần Thơ tăng 6,77%; Đồng Nai tăng 6,9%... đã góp phần vào sự phục hồi sản xuất công nghiệp của cả nước.
Chỉ số IIP của cả nước trong tháng 11 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước, tăng 5,6% so với cùng kỳ. Trong đó: ngành khai khoáng tăng 8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo ước tính tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,7%); ngành sản xuất và phân phối điện ước tăng 3,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,2%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 3,0% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4%); riêng ngành khai khoáng ước giảm 6% (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,1%).
Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II ước tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước như sản xuất kim loại ước tăng 23,4%; sản xuất xe có động cơ ước tăng 10,7%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành ước giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, như: khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 8,5%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 10,4%; sản xuất đồ uống giảm 3,9%...
Sản xuất xăng dầu các loại tăng 13,3%. |
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 11 tháng năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước Thép cán tăng 35,4%; sắt thép thô tăng 10,7%; phân DAP tăng 30,9%; xăng dầu các loại tăng 13,3%; sữa bột tăng 12,6%.
Ngược lại, một số sản phẩm tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ năm trước: ti vi các loại ước giảm 40,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí ước giảm 18,4%; dầu thô ước giảm 5%; bia các loại ước giảm 7,8%.
Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 11 đã từng bước phục hồi. Nguyên nhân được Bộ Công Thương chỉ ra là do các địa phương cơ bản đã tuân thủ các quy định về phòng chống dịch trong tình hình mới, ban hành hướng dẫn và xây dựng Kế hoạch về phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Nhiều địa phương chủ động trao quyền lựa chọn phương án sản xuất cho doanh nghiệp theo các mô hình linh hoạt và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn trong sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã rất tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm liên kết vùng, kết nối cung cầu, tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tổ chức sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường…
Tuy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó nổi bật như các doanh nghiệp sản xuất tại khu, cụm công nghiệp trở lại hoạt động chiếm tỷ lệ cao hơn so với các doanh nghiệp bên ngoài. Tương ứng với đó thì tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc ở khu, cụm công nghiệp cũng cao hơn (ví dụ như ở Đồng Nai, số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong khu công nghiệp đạt 99% và người lao động trở lại làm việc đạt 88%, trong khi đó các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp (83,5-65,5%). Điều này cho thấy sự trở lại hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài khu công nghiệp đang rất khó khăn.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, lũy kế 11 tháng, tăng trưởng công nghiệp vẫn thấp hơn so với cùng kỳ chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Căn cứ vào số liệu 11 tháng, khả năng năm 2021 chỉ số IIP của cả nước chỉ tăng khoảng 4-5% thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch (tăng 8-9%).
Với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất xuất kinh donah, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội đề ra, ngày 29/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP “Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Coivid-19. Nghị quyết 84/NQ-CP đã đề ra một loạt các nhiệm vụ, nhóm giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công như thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lãi suất cho vay, phí trước bạ... cho các đội tượng thụ hưởng theo quy định; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; cho phép chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài vào làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; gia hạn giấy phép lao động cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài... Nghị quyết cũng đề ra một loạt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp, không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; hướng dẫn xaya dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu kép: phòng, chống dịch tốt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp...;đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; năng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; chấm dứt tình trạng quan liệu, nhũng nhiễu; tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công... |
Thành Công
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
IIP 3 tháng cuối năm có thể đạt mức 2 con số? | |
Sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm tới 4,2% | |
Giải pháp nào để sản xuất công nghiệp sớm phục hồi? | |
IIP giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 |