TS Trần Đắc Phu: Hà Nội có thể mở cho trẻ đi học trở lại
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người dân, TP có thể cho trẻ đi học. Việc này vẫn tiềm ẩn rủi ro nên cần có quy định chặt chẽ về phòng chống dịch cho giáo viên, cha mẹ...
23 tỉnh, thành phố cho học sinh quay lại trường học trực tiếp |
"Mở cửa" trường học tại Hà Nội: Làm thế nào để không bùng dịch? |
Từ ngày 9/10 đến nay, Hà Nội không ghi nhận F0 trong cộng đồng. Chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức ghi nhận tổng số 50 ca mắc tại Hà Nội kể từ ngày 30/9 đến nay (bao gồm: 25 F0 sinh sống tại Hà Nội, 25 F0 là người từ tỉnh khác đến điều trị, chăm sóc bệnh nhân).
TP cũng đang tiến hành tiêm vắc xin Covid-19 để bao phủ mũi 2 cho người đã tiêm mũi một, tiêm vét cho những trường hợp chưa tiêm.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết lúc này Hà Nội nên mở dần lại các hoạt động đặc biệt là vấn đề đi lại trong TP cũng như liên tỉnh, chẳng hạn xe bus có thể hoạt động trở lại để tránh ảnh hưởng nhiều đến an sinh, kinh tế xã hội. Người dân lâu ngày không được đi lại cũng cần phải giải quyết công việc.
Cho trẻ đi học trở lại, TP Hà Nội cần có quy định chặt chẽ về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với nhà trường, giáo viên, gia đình, học sinh. |
Khi người dân Hà Nội đã tiêm đủ mũi vắc xin phòng Covid-19, TP có thể cho học sinh đi học trở lại hoặc khi học sinh đã được tiêm vắc xin là tốt nhất. Tuy nhiên, trẻ đã ở nhà quá lâu, nhất là lớp đầu cấp, học trực tuyến thời gian dài không những khiến trẻ khiếm khuyết về kiến thức mà còn vấn đề tinh thần, thể chất vì trẻ không được giao tiếp với thầy cô giáo, với bạn bè.
Ông cũng lưu ý cần có quy định chặt chẽ về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với nhà trường, giáo viên, gia đình, học sinh. Ngoài vấn đề 5K thì cần lưu ý, bất kỳ gia đình nào có thành viên hoặc bản thân trẻ bị sốt, ho, khó thở thì trẻ đều phải nghỉ học, khai báo y tế, khai báo với nhà trường để phối hợp với y tế để xử lý.
Đồng thời, hạn chế việc giao tiếp giữa các lớp với nhau, để nếu chẳng may phát một trường hợp F0 thì chỉ giới hạn trong lớp đó, không lây ra lớp khác hay lây ra cả trường. Việc đo thân nhiệt cho trẻ cần thực hiện nhưng không để tránh ùn ứ ở cổng trường…
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng nhấn mạnh vấn đề thông thoáng phòng học, tránh phòng kín.
"Lúc này cho trẻ đi học là có rủi ro nhưng không thể cho trẻ ở nhà, học trực tuyến mãi được. Chúng ta chấp nhận khi phát hiện F0 thì cần nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch càng gọn càng tốt", TS Phu nói.
Ngoài ra, một số hoạt động khác có thể mở lại được như cho ăn uống ăn uống trong nhà nhưng phải thực hiện tốt 5K, có kính ngăn, giữ khoảng cách. Thời gian qua, TP rất thận trọng trong vấn đề này vì đã có tình huống mở ra nhưng nhiều nơi không thực hiện tốt việc phòng dịch.
Với các hoạt động tập trung đông người khác thì cũng cần cân nhắc. Những ca mắc cộng đồng vẫn còn, đặc biệt đều là những nơi thường xuyên tiếp xúc đông người như ở bệnh viện, khu vực đông dân cư…
Theo TS Phu, Hà Nội đã kiểm soát tốt dịch bệnh thời gian qua và đã đến lúc nên mở lại, đồng thời có các phương án an toàn, linh hoạt để kiểm soát.
"Chúng ta dần phải trở lại trạng thái bình thường mới nhưng phải đưa ra các phương án an toàn, trong đó lưu ý 5K. Thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Có những ổ dịch không phát hiện được F0 nhưng cũng không lây ra nhiều F1 là nhờ 5K. Khai báo y tế rất quan trọng nếu phát hiện ca F0 có thể truy vết, phong tỏa ngay", TS Phu nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia chúng ta không thể về "Zero Covid-19" được nhưng khi đã chấp nhận "không Zero" thì phải phát hiện được sớm ca bệnh để khoanh và dập dịch. Nếu không kiểm soát để dịch lây lan thì sẽ rất khó khăn khi mà Hà Nội chưa tiêm được vắc xin đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo Dân trí