Cú hích cho hàng Việt trong hệ thống bán lẻ hiện đại
(Petrotimes) - Tại Hội thảo “Hàng Việt Nam trong hệ thống bán lẻ hiện đại: Cần một chiến lược lâu dài” diễn ra sáng 18/9, Bộ Công Thương cho biết tiềm năng phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam là rất lớn. Việc cấp bách là tìm giải pháp thúc đẩy mô hình phân phối hàng hóa hiện đại này.
Tiềm năng lớn
Đến cuối năm 2011, cả nước có 639 siêu thị tại 60/63 tỉnh, thành phố và 121 trung tâm thương mại tại 34/63 tỉnh thành phố. Dự kiến hết năm 2012, cả nước có khoảng 698 siêu thị tại 60 tỉnh; có khoảng 127 trung tâm thương mại tại 40/63 tỉnh. Kênh bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 20% tổng thị trường bán lẻ trong nước và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 40% vào năm 2020.
Đặc biệt, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có tác động tích cực, tỷ trọng hàng Việt trong kênh bán lẻ hiện đại đã tăng rõ rệt và hiện chiếm khoảng 70 - 90% lượng hàng hóa kinh doanh của kênh bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, sự xâm nhập của hàng Việt tới kênh bán lẻ hiện đại chưa đồng đều. Cụ thể với ngành hàng thực phẩm thì hiện hàng Việt chiếm khoảng 90 – 95% nhưng với hàng điện tử, điện lạnh, viễn thông chỉ chiếm 50 – 60%.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam trả lời báo chí.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết nếu so với các cường quốc về bán lẻ hiện đại thì Việt Nam vẫn còn khiếm tốn. Nếu khoảng 20% dân số Việt Nam, tức khoảng 14 triệu người mua hàng ở các hệ thống bán lẻ hiện đại thì mỗi tháng doanh thu chỉ đạt 1.400 tỉ đồng. So với Mỹ, doanh số nhóm sản phẩm bán lẻ thời trang trực tuyến (một nhánh trong mô hình bán lẻ hiện đại) ước đạt 41 tỉ USD trong năm 2012 và sẽ tăng lên 73 tỉ USD vào năm 2016.
Tuy nhiên, theo nhận định của bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Với sự phát triển của các loại hình bán lẻ văn minh, hiện đại như trên đã và đang làm thay đổi diện mạo của thương mại bán lẻ nước ta cũng như góp phần làm thay đổi dần thói quen mua sắm, tiêu dùng của một bộ phận dân cư, nhất là dân cư thành thị. Điều đó góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Cần những “cú hích”
Riêng ở TP.Hồ Chí Minh, là một trung tâm kinh tế, thương mại lớn với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ chiếm tỉ trọng trên 25% của cả nước. TP.Hồ Chí Minh hiện có 162 siêu thị, kinh doanh hàng sản xuất trong nước chiếm từ 70 đến trên 95%. 24 trung tâm thương mại chuyên và đa ngành hiện đại; hơn 500 cửa hàng tiện ích và hàng ngàn cửa hàng đại lý. Trong đó, riêng các Chương trình Bình ổn thị trường đã có trên 4.000 điểm bán và Chương trình Lương thực, thực phẩm thiết yếu đã có 2.687 điểm bán.
TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp mạnh tay như rà soát, điều chỉnh, củng cố quy hoạch, hỗ trợ các nhà đầu tư trong đầu tư, phát triển các loại hình bán lẻ siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại.
Hàng điện tử, điện lạnh trong siêu thị chủ yếu là hàng ngoại.
TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Công thương chủ trì phối hợp sở - ngành hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác với các địa phương, tỉnh, thành bạn giới thiệu địa điểm để đầu tư loại hình siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích trên địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau...
Tuy nhiên, với số dân gần 10 triệu người, mức sống thuộc loại cao nhất nước, hệ thống bán lẻ hiện đại của TP. Hồ Chí Minh cần những bước đi táo bạo và có định hướng, xác định người tiêu dùng là trung tâm.
Đứng về phía những nhà quản lý trực tiếp hệ thống bán lẻ hiện đại, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: Hàng hóa Việt phải có chất lượng tốt phù hợp với nhiều phân khúc cho người tiêu dùng. "Nếu như các sản phẩm mang thương hiệu “made in VietNam” không có tính cạnh tranh, mẫu mã không phong phú, giá cả không phù hợp thì có vận động, tuyên truyền thuyết phục đến đâu đi chăng nữa thì không thể nào dành được niềm tin từ người tiêu dùng" - bà Đinh Thị Mỹ Loan quả quyết..
Thực tế, dân chúng vẫn ưa dùng hàng chợ, hàng được bán ở các cửa hàng, siêu thị nhỏ. Hệ thống bán hàng hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng đặc chủng, cửa hàng tiện lợi, trung tâm mua sắm... đối với các nền kinh tế tiên tiến là không mới nhưng loại hình bán lẻ hiện đại này mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng trên 1 thập kỷ qua. Và theo các nhà bán lẻ có tiếng ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... cần có thêm nhiều kiểu tuyên truyền như cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" hơn nữa để hàng hóa Việt Nam được người Việt tin dùng cho dù hàng hóa ấy được phân phối bằng kênh nào.
Đức Chính