Nhà văn, nhà thơ bán hàng online có thành công?
(PetroTimes) - Gọi điện định rủ mấy ông bạn văn thơ đi nhậu, ông nhà văn lắc đầu quầy quậy: Ông xúi dại tôi à, bia rượu vô ra đường làm sao? Đúng thế thật, thôi thì đi cà phê vậy. Cũng không nhé, tôi còn phải ship hạt điều. Ông nhà thơ hưởng ứng: tôi cũng thế, chở nốt chậu hoa đi giao cho khách.
Tôi ngớ ra: à thì cũng đi bán hàng online, khách đặt mua qua facebook hoặc zalo rồi các ông đi ship cho người ta đây mà. Ừ, ai cũng phải sống, kể cả người mang danh văn nghệ sĩ. Cơm áo đâu có đùa với khách văn, khách thơ. Cũng chỉ là “khách” thôi, “nhà” gì thì cũng phải sống, viết không cũng chẳng đủ sống, dù ông có “cày trâu” đến thế nào.
Cũng chẳng muốn thanh minh, than vãn hay thương cảm gì cho mấy ông bạn. Có điều, nước ta đã vào thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ. Báo chí, truyền thông cũng có nhiều phương tiện đem thông tin và văn nghệ đến với bạn đọc. Từ chỗ chỉ có báo giấy, nay đã xuất hiện nhiều hình thức mới như báo điện tử, youtube, facebook… Đó là điều tốt, rất tốt là đằng khác, xã hội có nhiều thứ để giải trí hơn, để tiếp cận thông tin nhiều hơn. Và cũng làm cho văn, thơ lan truyền nhanh hơn. Từ chỗ chỉ đọc cho nhau nghe trên đời thực, qua điện thoại, nay văn, thơ đã ung dung đăng trên các trang mạng, trên tường nhà mỗi người, ai thích thì có thể vào xem, thấy hay thì khen, thì bấm like.
Nhưng, những hoạt động đó không giúp văn nghệ sĩ kiếm được nhiều tiền hơn, nó chỉ có tác dụng hỗ trợ, giúp họ nổi tiếng hơn trong cộng đồng ngoài những người biết nhau ở đời thực. Thế cũng là điều tốt, nhưng tự nó không ra tiền. Nó chỉ ra tiền nếu văn nghệ sĩ sử dụng sự nổi tiếng ấy để kiếm thêm, tức bán hàng online. Có thể đến đây, một số người cho rằng: làm gì đến mức ấy, việc gì phải dùng sự nổi tiếng trên mạng để bán hàng, mà còn là nhà văn, nhà thơ, những người vốn được coi là thanh cao, không màng tiền bạc. Nhưng bạn ơi, có thực mới vực được đạo, không có gì ăn, không có tiền nuôi con cái thì sao có sức mà sáng tác. Ngày cứ nheo nhéo tiền các kiểu thì đầu óc đâu mà sáng tác.
Lại có người cho rằng, nếu chỉ chăm chăm bán hàng online trên mạng thì sẽ ảnh hưởng đến việc viết văn, lúc nào cũng tiền tiền, rồi cự cãi với khách thì lấy đâu cảm xúc để cho ra những áng văn thơ hay? Cũng xin thưa, nghệ sĩ là thứ gì đó rất nhạy cảm, nhưng cũng có thể cực kỳ lý trí. Anh bán hàng anh là con buôn, nhưng khi đã cầm giấy bút (bây giờ là bàn phím máy tính hoặc điện thoại) thì tự nhiên, cơm áo gạo tiền sẽ tạm biến mất, nhường chỗ cho tâm hồn văn thơ. Tôi biết một anh nhà văn từng một tháng viết và được đăng mấy cái truyện ngắn, dù lúc nào cũng thấy ổng rao… khô gà trên facebook. Cái chính ở đây là họ sắp xếp thời gian hợp lý và biết cân bằng giữa công việc và đam mê.
Đã ngót hai chục năm chúng ta biết đến và sử dụng thành thạo mạng internet trong đời sống. Ngay cả bây giờ, cũng ít thấy ai dám vỗ ngực tự xưng mình sống tốt và dư giả bằng nghề văn, thơ. Kể cả những người làm được điều đó, khi hỏi họ cũng khiêm tốn tự nhận văn thơ chỉ là đam mê. Đó là cái tính khách sáo thường thấy của giới văn nghệ sĩ. Nhưng sau mỗi câu khách sáo đấy là những lời rao có cánh, rất “văn” trên facebook. Rồi lại xách xe máy đi ship từng chuyến hàng.
Sống là sống, văn thơ là văn thơ. Nên đừng ngạc nhiên khi thấy nhà văn, nhà thơ bán hàng online hay đi ship hàng, cũng đừng cho rằng đó là việc xấu hổ. Bản thân lúc đi giao hàng cũng vui chứ, vui cái thú của người shipper khi hàng đến tay khách. Còn cái vui khác là nhờ ship hàng, câu chuyện ở đâu đó được nhà văn “note” lại sẽ là đề tài cho tác phẩm mới.
Đình Thành Trung