Có gì mới mỗi ngày?
(PetroTimes) - Huấn luyện viên tên Bảo, một thanh niên chừng hai mươi ba tuổi, có nét mặt thanh tú của một chàng sinh viên điển trai, nhưng lại có dáng vóc của một võ sư với những nhóm cơ vai, tay, ngực, cầu vai, lưng đầy đặn dai chắc ẩn dưới làn da săn nắng. Dường như mỗi cử động của anh, dù không phát ra tiếng, nhưng đều là chuyển động của sức mạnh, của trường lực thầm lặng.
(Ảnh minh họa) |
Bảo đang đứng dang chân vững chắc trước mặt thầy Tuệ Tâm, tay trái anh giữ cánh tay phải của một học trò cao hơn anh cả cái đầu. Cậu ta có vẻ nhăn nhó và muốn thoát khỏi tay Bảo. Đó là Tôn “bàn tay sắt”, mười bảy tuổi. Tôn mới nhập học tại trường Hoa Xuyến Chi được bảy ngày. Sở dĩ mang biệt danh “bàn tay sắt” là do Tôn có sở thích quái dị, bẻ gãy các vòi nước, chấn song, các thanh chắn, bất cứ vật dụng nào đó dài và cứng đều trở thành nạn nhân của Tôn.
- Có gì mới không? - Thầy Tuệ Tâm hỏi. Đây là câu hỏi đầu tiên thầy thường đặt ra cho mỗi người khi có dịp xuất hiện trước mặt thầy vào đầu giờ sáng.
- Thưa thầy, Tôn “bàn tay sắt” đã xử hết toàn bộ các vòi nước trong khu vực trường. Bộ phận kỹ thuật đã thay vòi nước mới, nhưng con sợ là vài ngày nữa Tôn lại vặn gãy hết. Con đã cấm nó bẻ vòi nước nhưng không được… - Bảo kể tội cậu trò mới của mình.
- Càng “cấm” càng “cứ”. - Thầy Tuệ Tâm nheo mắt nhìn Tôn như ước lượng, rồi bảo - Lấy độc trị độc. Biến nỗi sợ thành hành động. Anh cho người đi mua về những thanh sắt dài chừng một sải tay, buộc nó phải bẻ sắt suốt ngày đêm. Bẻ đến khi nào nó nhìn thấy sắt là sợ!
Thầy Tuệ Tâm ngồi trầm tư sau khi Bảo đã dẫn Tôn “bàn tay sắt” ra khỏi phòng thầy. Thầy ghi chép nhanh biểu hiện đặc thù của Tôn vào một cuốn sổ, để tiếp tục tra cứu tài liệu và tính đếm hiệu quả của các phương pháp huấn luyện chung và riêng trong trường hợp này. Mỗi trẻ tự kỷ đều có hành vi kỳ quặc lặp đi lặp lại. Nếu hành vi đó gây hại cho bản thân hoặc người khác, thì cần dịch chuyển trẻ tiếp nhận hành vi mới, xóa bỏ hành vi cũ. Sự dịch chuyển ấy có hai dạng: một là gây hứng thú cho trẻ với hành vi mới, giúp trẻ tập trung vào hành vi mới mà không còn thời gian và năng lượng để thực hiện hành vi có hại, dần dần quên đi hành vi có hại; hai là tạo cú sốc đủ mạnh để trẻ bỏ hẳn hành vi gây hại, ngay sau đó hướng trẻ đến hoạt động tích cực ở cường độ cao, khiến trẻ bận rộn suốt ngày với hoạt động đó, tạo lập thói quen mới, thói quen tích cực cho trẻ.
Trong lúc thầy đang miên man suy nghĩ, thì có tiếng gõ cửa.
- Mời vào! - Thầy lên tiếng, tay gập cuốn sổ ghi chép lại.
Một thanh niên dáng người tầm thước, nước da ngăm ngăm với đôi mắt sáng vừa thông minh, vừa nhẫn nại bước vào phòng. Anh mang theo một cặp giấy căng phồng.
- Chào thầy, con là Vũ Đức. Con đã gọi điện tới thầy hôm qua, xin được gặp… - Người thanh niên ngồi xuống chiếc ghế mà thầy Tuệ Tâm chỉ cho anh, nói chậm rãi.
- Anh từng học ngành gì? - Thầy Tuệ Tâm hỏi trong lúc rót trà cho khách.
- Con là thạc sĩ tâm lý.
- Khá lắm. Vậy anh từng làm gì?
- Con nghiên cứu tâm lý học, đi dạy trường đại học, rồi dạy ở các trung tâm kỹ năng sống, làm diễn giả tự do…
- Tại sao anh tới đây? - Thầy Tuệ Tâm hỏi, rồi nhấp một ngụm trà.
- Con năm nay đã hai tám tuổi. Suốt sáu năm qua con làm các việc theo lộ trình con đã tính toán, nhưng rồi con luôn thấy không hài lòng. Con có cảm giác rằng hình như đây chưa phải là việc dành cho mình, không phải là việc mình thực sự muốn làm. Con nghĩ, có thể mình hợp với việc viết sách - Vũ Đức nói một hồi rồi rút từ trong cặp ra hai tập bản thảo dày cộp - Con đã tập hợp những bài viết của mình thành hai cuốn bản thảo này. Nhưng đồng thời, con lại cũng sợ rằng mình chưa đủ kiến thức để viết sách. Con nghe nhiều anh em nói về thầy, rằng thầy đã chỉ ra con đường cho rất nhiều người đi đến thành công. Con không muốn lãng phí thời gian của mình thêm nữa. Con đến để xin thầy giúp.
- Ta không giúp gì được cho anh đâu - Thầy Tuệ Tâm ngắt lời Vũ Đức - Trừ khi…
- Sao ạ? - Vũ Đức thoáng bối rối, nhưng anh lấy lại điềm tĩnh khá nhanh - Điều kiện của thầy là gì?
- Trừ khi anh giúp tôi. Anh hãy về làm Giám đốc điều hành học viện Hoa Xuyến Chi - đó là tên giao dịch, còn thực sự, chúng tôi là một bộ lạc. Một bộ lạc muốn tồn tại được, không chỉ cần thức ăn, mà cần mỗi thành viên gắn kết khăng khít như máu mủ ruột thịt trong gia đình, sống chết vì nhau. Chúng tôi đang thiếu người đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành. Tôi thấy anh đến đây thật đúng lúc.
- Như thế này thì đường đột quá! - Vũ Đức hơi choáng.
- Anh có thích việc này không?
- Có chứ ạ, nhưng con sợ là mình không đủ khả năng.
- Chỉ cần anh thích là đủ. Đừng để nỗi sợ là rào cản anh. Dịch chuyển nỗi sợ thành hành động. Chắc anh chưa biết trước kia tôi làm gì. Tôi từng là một tiến sĩ vật lý, tu học ở Liên Xô, khi về Việt Nam tôi lại làm kinh tế tại các tập đoàn kinh tế lớn của đất nước. Ở tuổi năm mươi, đang đà thăng tiến và kiếm tiền rất khá, thì tôi bỏ ngang đi làm công việc đào tạo kỹ năng sống, và bây giờ làm luôn cả việc huấn luyện trẻ tự kỷ. Mọi người chửi tôi là không có bằng cấp chuyên môn mà lại dám xông vào làm, nhưng đồng thời mọi người cũng xông vào học theo tôi. Ở cái đất nước này, bằng cấp chuyên môn là tất cả, đồng thời không là gì cả. Tôi thích vế thứ hai và tôi dùng thực chứng. Cứ lấy kết quả ra trả lời cho mọi câu hỏi và sự khiêu khích của đám đông.
- Vâng, thưa thầy. Nếu thầy tin tưởng con, cho con theo học thầy, thì con xin hết mình làm việc ở đây.
- Hết mình chưa đủ. Anh cần làm việc vượt mình. Anh sẽ hứng thú với tiến bộ của mình hàng ngày. Anh sẽ thấy mình mới hơn mỗi ngày. Anh sẽ chiến đấu liên miên với bản thân để luôn tốt hơn, giỏi hơn mình hôm qua.
- Vâng, con chỉ mong muốn đúng điều đó. Tự con, con không thể túm tóc mình nhấc lên. Thầy nói thầy cần con, nhưng chính là con cần thầy. Con xin được làm một phần của bộ lạc Hoa Xuyến Chi.
Thầy Tuệ Tâm giơ hai tay lên, Vũ Đức cũng giơ hai tay, đập mạnh vào lòng bàn tay thầy. Nghi thức bày tỏ nhất trí trong bộ lạc khiến thầy, trò không còn khoảng cách. Thầy đứng lên, mở tủ rượu lấy ra một chai Whisky, rót Vũ Đức một ly, thầy một ly. Công cuộc tìm thầy và tuyển người tại học viện Hoa Xuyến Chi đã diễn ra chóng vánh như vậy, và thường thì nó vẫn thế.
Vũ Đức sau sáu năm lang thang, đã tìm ra ngôi nhà chính thức của mình. Anh có thể yên tâm cống hiến suốt cả đời mình. Hạnh phúc nhất đối với anh là tìm được người thầy thực sự. Trước khi đến đây, anh đã tìm hiểu rất kỹ thông tin về thầy Tuệ Tâm. Có nhiều ý kiến phản bác thầy, nhưng những kết quả của học trò thầy đạt được trong hơn mười năm qua đã chứng tỏ, thầy có một năng lực huấn luyện khác thường, con mắt nhìn ra nhân tài và kích thích họ vượt qua mọi giới hạn để vươn tới đỉnh cao. Vũ Đức cũng hiểu khao khát mãnh liệt của thầy, đó là kích hoạt tiềm năng người Việt ở mức cao nhất, phát triển vượt trội, và khiến tâm người Việt sáng hơn. Việc đi theo một người thầy như thế, anh chỉ cần ghi chép lại, là sẽ có được bộ sách để đời, với thông điệp giá trị nhất để làm người.
Kiều Bích Hậu