Quyết liệt giải pháp để đảm bảo tiến độ các dự án truyền tải điện giai đoạn 2021-2025
(PetroTimes) - Ngày 28/7, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tài Anh và Phạm Hồng Phương đồng chủ trì cuộc họp rà soát kế hoạch công tác đầu tư xây dựng giai đoạn 2021-2025 của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến để đảm bảo phòng chống COVID-19.
Khối lượng đầu tư lớn
Để đáp ứng mục tiêu truyền tải điện, trong giai đoạn 2021-2025, EVN dự kiến giao EVNNPT hoàn thành 307 dự án, tổng khối lượng là 15.900 km đường dây và công suất 79.900MVA.
Trong đó có các dự án điện quan trọng phải hoàn thành như: đường dây (ĐD) 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2; ĐD 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lập – Thanh Hóa – Nam Định 1 – Phố Nối; ĐD 500kV NĐ Dung Quất – Krông Buk – Tây Ninh 1, Bình Định – Vân Phong,...
Cùng đó là các công trình lưới điện đồng bộ các nguồn điện; các công trình tăng cường nhập khẩu điện từ Lào; các công trình giải tỏa nguồn thủy điện Tây Bắc; các công trình giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo và các công trình cấp điện cho các trung tâm phụ tải lớn TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhằm đảm bảo phòng chống COVID-19 |
Mục tiêu đầu tư xây dựng các dự án trên nhằm đảm bảo lưới điện truyền tải 500kV được xây dựng để truyền tải điện năng từ các trung tâm điện lực lớn về trung tâm phụ tải, liên kết các hệ thống điện miền, trong đó tập trung tăng cường năng lực truyền tải các tuyến ĐD 500kV xương sống (từ Quảng Trạch về Phố Nối, Vân Phong – Bình Định, Dung Quất – Krông Buk – Tây Ninh 1 và truyền tải từ khu vực Tây Nam Bộ về trung tâm phụ tải miền Nam).
Đối với lưới điện truyền tải 220kV xây dựng theo cấu trúc mạch vòng, các trạm biến áp trong khu vực có mật độ phụ tải cao cần đảm bảo thiết kế theo sơ đồ hợp lý để đảm bảo có thể vận hành linh hoạt. Đồng thời còn duy trì các đường dây liên kết hiện hữu để mua bán điện với các nước trong khu vực.
Tổng giám đốc EVNNPT – ông Phạm Lê Phú cho biết, EVNNPT đã phối hợp chặt chẽ với các ban chuyên môn của EVN để xây dựng kế hoạch triển khai các dự án trong giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, có nhiều nguyên nhân cản trở tiến độ như vướng mắc trong điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh; công tác chuyển đổi đất rừng; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác lựa chọn nhà thầu; công tác thu xếp vốn và đặc biệt là vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đồng bộ các giải pháp
Để đảm bảo tiến độ các dự án trong giai đoạn 2021-2025, EVNNPT kiến nghị Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng xem xét có cơ chế (đặc biệt trong công tác BT-GPMB) đối với các dự án lưới điện truyền tải do EVN/EVNNPT đầu tư.
Kiến nghị tới các Bộ ban ngành và các địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các thủ tục về môi trường, chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng (đặc biệt rừng tự nhiên) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Kiến nghị với Tập đoàn có văn bản và làm việc với lãnh đạo cao nhất của các tỉnh, thành phố để xử lý các khó khăn vướng mắc kéo dài trong công tác BT-GPMB đối với các dự án ĐTXD lưới điện truyền tải trọng điểm của EVNNPT.
EVNNPT phấn đấu hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 trong năm 2021 |
Tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh và Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương ghi nhận những nỗ lực của EVNNPT đã đạt được trong công tác đầu tư xây dựng giai đoạn 2016-2020, qua đó góp phần cùng Tập đoàn đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trong giai đoạn 2021-2025, khối lượng đầu tư xây dựng của EVNNPT rất lớn, thách thức rất nhiều, lãnh đạo EVN yêu cầu EVNNPT cần hoàn thiện hệ thống quy chế nội bộ trong công tác đầu tư xây dựng; hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao năng lực nhân sự và trách nhiệm người đứng đầu tại các Ban QLDA; thu xếp kịp thời, huy động đủ các nguồn vốn cho ĐTXD và hoàn thành quyết toán kịp thời sau khi hoàn thành công trình.
Cùng với đó, EVNNPT cần cải tiến công tác chuẩn bị đầu tư; chủ động kiểm soát tiến độ, chất lượng giai đoạn thực hiện đầu tư; nâng cao chất lượng thực hiện giai đoạn kết thúc đầu tư; tăng cường các giải pháp về bảo vệ môi trường, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp và các vấn đề xã hội trên công trường.
Lãnh đạo EVN đặc biệt nhấn mạnh EVNNPT cần đẩy mạnh chương trình chuyển đối số cùng việc áp dụng khoa học công nghệ và công cụ quản lý tiên tiến trong quản lý dự án truyền tải điện. Đồng thời thực hiện đồng bộ chương trình ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng và chống lãng phí, thất thoát trong ĐTXD; cải tiến và hoàn thiện công tác thanh tra, kiểm tra.
Xuân Tiến