Tin kinh tế ngày 17/07: Việt Nam xuất khẩu 277,5 triệu chiếc khẩu trang y tế
(PetroTimes) - Giá vàng trong nước ổn định trước bối cảnh vàng thế giới tăng;6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 277,5 triệu chiếc khẩu trang y tế; đề xuất tăng thuế xuất khẩu vàng hàm lượng dưới 95%... là những tin tức kinh tế chính ngày 17/7.
Giá vàng trong nước ổn định trước bối cảnh vàng thế giới tăng
Trong phiên giao dịch sáng nay (17/7), giá vàng SJC nguyên ở mức 56,75 - 57,50 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới tiếp tục giảm nhanh về mức 1.812,2 USD/oz. Như vậy, giá vàng trên thị trường đã giảm tới 18 USD so với sáng qua.
Giá vàng trong nước gần như ổn định trong bối cảnh giá vàng thế giới tiếp tục giảm nhanh |
Tại thị trường trong nước, sang nay, giá vàng SJC tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được niêm yết ở mức 56,75 - 57,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không thay đổi so với chốt phiên 16/7.
Cụ thể, công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng mua vào là 56,75 triệu đồng/lượng; giá vàng bán ra là 57,50 triệu đồng/lượng, giữ nguyên ở cả chiều mua vào và bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/7.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra 56,75 - 57,50 triệu đồng/lượng, giữ nguyên ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày 16/7.
6 tháng đầu năm 2021: Việt Nam xuất khẩu 277,5 triệu chiếc khẩu trang y tế
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu 277,5 triệu chiếc khẩu trang y tế các loại. Cụ thể, Tổng cục Hải quan ghi nhận trong tháng 6 năm 2021, cả nước có 18 doanh nghiệp chính tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế các loại, với số lượng 20,07 triệu chiếc, giảm 6,5% so với tháng 5/2021.
Việt Nam xuất khẩu 277,5 triệu chiếc khẩu trang y tế trong 6 tháng đầu năm 2021 |
Tính chung trong 6 tháng từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu 277,5 triệu chiếc khẩu trang y tế các loại.
Đề xuất tăng thuế xuất khẩu vàng hàm lượng dưới 95%
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu các mặt hàng vàng có hàm lượng vàng dưới 95% từ 0% lên 2%
Đây là đề xuất tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 57/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Theo đó, dự thảo điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng vàng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu khai báo mặt hàng xuất khẩu là vàng mỹ nghệ các loại, hàm lượng vàng dưới 95%, mã hàng 7114.19.00.90, thuế xuất khẩu là 0%.
Các ngân hàng hạ lãi suất cho vay
Phần lớn các tổ chức tín dụng đều giảm ít nhất 1%/năm cho tổng dư nợ hiện hữu của chính khách hàng đó tại thời điểm 15/7 đến hết năm 2021...
Các ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay gồm Vietcombank, Agribank, ACB, TPBank, Sacombank...
Sau khi Ngân hàng Nhà nước kêu gọi sự đồng lòng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, cá nhân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã công bố mức giảm lãi suất, đối tượng cụ thể.
Gần nhất, Vietcombank quyết định giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021. Trong đó, đối với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Các khách hàng còn lại cũng được giảm 1%/năm.
Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống.
Việc giảm lãi suất không áp dụng với dư nợ đang được hưởng ưu đãi lãi suất và một số khoản vay khách như vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản…
Tương tự, một ngân hàng có vốn nhà nước khác là Agribank cũng phát đi thông báo giảm lãi suất cho vay. Các khoản vay tại thời điểm 15/7/2021, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên, tương ứng giảm ít nhất 0,5 điểm phần trăm. Ước tính, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng cho việc tiếp tục giảm lãi suất lần này.
Đối với nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, Sacombank tiên phong giảm lãi suất. Sacombank cho biết sẽ thực hiện giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng – khách sạn – nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…
Ngoài ra, Sacombank cũng đang triển khai nguồn vốn ưu đãi 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời gian vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn ưu đãi được áp dụng từ 18/6/2021 đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tuỳ điều kiện nào đến trước.
Hay như tại ACB, ngân hàng công bố sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có hợp đồng vay và tại thời điểm đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian từ 15/7 đến 15/10/2021. ACB cho biết, ngân hàng sẽ xem xét thêm về mức độ dịch bệnh tác động đến tình hình kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, số lượng lao động…) của các doanh nghiệp, thu nhập của khách hàng cá nhân và mức độ gắn kết của khách hàng với ngân hàng để có mức giảm lãi suất phù hợp.
TPBank cũng là một trong những ngân hàng sớm nhất công bố gói hỗ trợ khách hàng. TPBank cho biết, trước diễn biến của dịch Covid-19 lan trên diện rộng, ngân hàng đã chủ động xây dựng các chương trình, các gói miễn giảm lãi suất cho khách hàng trong 6 tháng cuối năm. Tổng số dư nợ hỗ trợ khách hàng lần này được TPBank ước tính gần 45 nghìn tỷ đồng. Mức giảm lãi suất sẽ giao động từ 0,5% - 1,2% cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid. Tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất của nhóm khách hàng này ước tính vào khoảng 18.188 tỷ đồng. Gần 26.300 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân cũng nhận được xét giảm lãi suất 1%.
Ngân hàng Bảo Việt thì tung gói hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%. Theo đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ được tiếp cận với gói hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ đồng từ ngân hàng này. Căn cứ vào thực trạng của doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng cụ thể, các doanh nghiệp sẽ được Ngân hàng đưa ra các giải pháp phù hợp như giảm lãi suất vay ngắn hạn, trung và dài hạn đến 2%/năm, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm phí...
Hiện thông tin MB công bố về việc giảm lãi suất là chi tiết nhất. Cụ thể, ngân hàng cho biết sẽ thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của nhiều đối tượng khách hàng cụ thể, lãi suất cho vay bình quân giảm toàn danh mục từ nay đến tháng 12/2021 là 1% tổng danh mục cho vay VND của nhà băng này.
Dự kiến, với các khách hàng thuộc đối tượng cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03, MB giảm lãi suất 1,5%/năm so với mức hiện tại và giảm 50% số tiền lãi phải thu của các khách hàng đến thời điểm hiện tại (tương đương mức lãi suất cho vay giảm 3 – 4%/năm).
Khách hàng thuộc lĩnh vực sản xuất, dịch vụ/ngành ưu tiên, khuyến khích tăng trưởng tín dụng của MB, Ngân hàng nhà nước giảm lãi suất 1,5%/năm so với mức hiện tại.
Khách hàng cá nhân vay sản xuất kinh doanh và vay mua nhà để ở, có nguồn thu nhập từ lương MB sẽ giảm lãi suất 2%/năm so với mức hiện tại đối với các khách hàng tại địa bàn khu vực phía nam (hiện nay đang có diễn biến phức tạp của Dịch Covid) và giảm 1,5% đối với các khách hàng ở địa bàn khác.
Khách hàng doanh nghiệp vay vốn lưu động hoặc đầu tư thiết bị, nhà xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh được giảm lãi suất 1%/năm so với mức hiện tại.
Ngân hàng MB lưu ý thêm, đối tượng giảm lãi suất lần này không bao gồm các khoản dư nợ đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của MB và các đối tượng không khuyến khích tăng trưởng tín dụng của MB, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.
Với các đối tượng khách hàng khác, MB sẽ tiếp tục xem xét và tiếp tục giảm lãi suất trên cơ sở đánh giá cụ thể tình hình hoạt động kinh doanh, các cam kết của khách hàng và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh. Riêng đối với các lĩnh vực, sản phẩm tiềm ẩn rủi ro cao (kinh doanh bất động sản, chứng khoán), MB chưa xem xét giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn hiện nay.
M.C