Giải pháp then chốt đẩy lùi dịch bệnh Covid-19
(PetroTimes) - Hiện tại, Việt Nam đang cố gắng hết sức, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, để phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19. Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng Covid-19 trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 ngày 5/6/2021. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính (tại Lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19): “Để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Đảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu sớm tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hàng năm. Tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19.
Trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, khan hiếm vắc xin phòng Covid-19 trên toàn cầu, để sớm có vắc xin và tiêm cho nhân dân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và các Bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vắc xin sớm nhất. Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vắc xin phải được xử lý theo các quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 5/3/2021. |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 5/3/2021): “Việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vắc xin trong nước phải tuân thủ tất cả các bước, chắc chắn, nhưng cố gắng nhanh nhất có thể. Đây là cơ hội để năng lực nghiên cứu vắc xin của Việt Nam bước lên một tầm mới, để chuẩn bị ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn trước mắt, căn bản nhất vẫn phải là các biện pháp phòng chống dịch ban đầu rất hiệu quả của chúng ta, cộng thêm với vắc xin”.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. |
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (tại phiên họp ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị): “Cần xem xét cho phép tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước tham gia vào lĩnh vực mua, cung cấp vắc xin ngừa Covid-19, để đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vắc xin cho người dân, trong đó, tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp. Sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vắc xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể. Bên cạnh đó là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch, tiếp cận bình đẳng trong cung cấp vắc xin, nhất là với đối tác, bạn bè truyền thống có tiềm lực về nghiên cứu ứng dụng y khoa trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp vắc xin”.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 ngày 6/3/2021. |
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (tại Hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 ngày 6/3/2021): “Tiêm vắc xin không bảo đảm phòng bệnh 100%. Đặc biệt, quá trình tiêm vắc xin Covid-19, những yếu tố không mong muốn có thể xảy ra. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta từ chối vắc xin. Vì lợi ích của vắc xin Covid-19 mang lại rất rõ ràng, bảo vệ chính đáng cho bản thân và cộng đồng. Người mắc bệnh nếu được tiêm vắc xin sẽ bị nhẹ hơn và nguy cơ tử vong được hạn chế xuống mức thấp nhất”.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong. |
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong: “Sức khỏe người dân là mục tiêu hàng đầu. Tinh thần của thành phố là rất chủ động trong vấn đề vắc xin. Đây là yếu tố quyết định căn cơ để chúng ta thoát đại dịch. Không chỉ tiêm đợt 1, mà phải tính đến tiêm hằng năm vì thực tế biến chủng Covid-19 biến hóa không ngừng, rất nguy hiểm. Cần sớm ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động để bảo đảm sản xuất, chuỗi sản xuất, cung ứng không bị đứt gãy, bảo đảm tăng trưởng kinh tế”.
GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. |
GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh: “Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực với hơn 3 triệu ca tử vong, chúng ta cần chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Do đó, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 là hết sức cần thiết để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và để Việt Nam không bị rơi vào tình trạng phong tỏa như nhiều quốc gia khác trên thế giới”.
Lâm Anh (tổng hợp)