Hiện tượng nguy hiểm "đánh gục" nhiều bệnh nhân Covid-19 trẻ tuổi ở Ấn Độ
Làn sóng lây nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ gần đây một phần do biến chủng B.1.617. Đồng thời, một hiện tượng nguy hiểm đang khiến nhiều người trẻ ở nước này nhanh chóng bị "đánh gục" khi mắc bệnh.
Ấn Độ trải qua làn sóng lây nhiễm Covid-19 tồi tệ gần đây (Ảnh: Reuters). |
Wall Street Journal đưa tin, làn sóng bùng phát Covid-19 ở Ấn Độ gần đây nghiêm trọng hơn rất nhiều so với năm ngoái, và đang tác động mạnh tới nhóm người dưới 50 tuổi.
Có nhiều yếu tố dẫn tới hiện tượng này, bao gồm sự chậm trễ trong việc điều trị vì các bệnh viện, thiết bị y tế, ôxy đều quá tải hoặc cạn kiệt. Tuy nhiên, bác sĩ từ các điểm nóng dịch bệnh cho hay, họ ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc một hội chứng nghiêm trọng khiến tình trạng xấu đi nhanh chóng, dấu hiệu cho thấy Covid-19 đang trở nên nguy hiểm hơn.
"Cơn bão cytokine kinh hoàng đang tấn công (bệnh nhân) trong 3-5 ngày điều trị đầu tiên", bác sĩ Kunal Sarkar tại bệnh viện Medica ở thành phố Kolkata cho biết.
Hội chứng giải phóng cytokine là hiện tượng hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh trước mầm bệnh lạ, ở đây là virus SARS-CoV-2. Phản ứng này khiến giải phóng số lượng lớn chất cytokine, có thể khiến các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân Covid-19 tự gục ngã vì chính hệ miễn dịch của mình. Trong kịch bản tồi tệ nhất, "cơn bão cytokine" có thể làm bệnh nhân tử vong nhanh chóng.
Nhiều bác sĩ Ấn Độ cho biết, các bệnh nhân nhập viện trong đợt bùng dịch này cần nhiều ôxy hơn các bệnh nhân trong làn sóng trước đó. Tổn thương phổi của người bệnh lan ra nhanh hơn, tỷ lệ ôxy tụt xuống nhanh hơn và thời gian hồi phục lâu hơn ở nhóm bệnh nhân trẻ. Bệnh nhân Covid-19 nào cũng cần ôxy, nhưng các bác sĩ Ấn Độ ngạc nhiên vì chứng kiến người trẻ cần dưỡng khí ở mức cao như vậy.
Chủng SARS-CoV-2 độc lực mạnh hơn?
Các nhà dịch tễ học cảnh báo rằng, những gì các bác sĩ Ấn Độ đang mô tả có thể là một dấu hiệu cần phải được nghiên cứu thêm để xác định xem liệu chủng virus SARS-CoV-2 đang lây lan ở Ấn Độ có độc lực mạnh hơn hay không. Đây có thể là một cách lý giải cho hiện tượng sức khỏe nhiều bệnh nhân Covid-19 diễn biến tồi tệ nhanh chóng so với tiên lượng.
Giridhara R. Babu, giáo sư dịch tễ học tại Viện Y tế Công cộng Ấn Độ, cho biết các nghiên cứu đang được tiến hành ở một số quốc gia để tìm hiểu xem liệu các biến thể Covid-19 lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ có độc lực hơn không hay chỉ dễ lây lan hơn.
Trong thời gian qua, Ấn Độ bị làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 tấn công, với những ngày ghi nhận trên 400.000 ca mới hay hơn 4.000 ca tử vong. Hiện thời, tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ đã có dấu hiệu giảm nhiệt, nhưng con số ca nhiễm mới vẫn xấp xỉ 200.000/ngày.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 tại một bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ ngày 24/4 (Ảnh: Reuters). |
Biến chủng B.1.617 và B.1.617.2 được cho là một phần nguyên nhân gây nên tình trạng tồi tệ của Ấn Độ trong thời gian qua. Các chủng này dễ lây nhiễm hơn và đã lây lan sang hơn 50 quốc gia. Một tin tích cực là các nghiên cứu chỉ ra, các vắc xin như Pfizer/BioNTech (Mỹ - Đức) và AstraZeneca (Anh) có thể khắc chế được chủng này.
Tuy nhiên, thông tin về việc liệu B.1.617.2 có độc lực mạnh hơn hay không vẫn chưa thể kết luận.
Tại các bệnh viện Ấn Độ, các bác sĩ chứng kiến nhiều ca tử vong ở người trẻ hơn so với đợt bùng dịch năm ngoái. "Đây có thể là dấu hiệu cho thấy một chủng virus có độc lực mạnh hơn làn sóng năm ngoái, đang lây lan", bác sĩ Naresh Trehan từ bệnh viện Medanta, nhận định.
Theo Dân trí