Thái Lan cạn vàng vì đập thủy điện của Trung Quốc, Lào
Theo các chuyên gia, nguồn thức ăn, sinh kế và môi trường sống của hàng triệu người dân hai bờ sông Mekong đang rơi vào tình trạng nguy hiểm khi các doanh nghiệp đổ xô xây đập thủy điện.
Dưới cái nắng chói chang, hai người phụ nữ lớn tuổi Thái Lan cặm cụi mò vàng dọc bờ sông Mekong. Họ cẩn thận sàng lọc bùn đất ở từng khe đá bụi rong và cả những ký ức của mình về thời kỳ hạnh phúc bên cạnh một dòng sông đang bị thay đổi vĩnh viễn bởi các đập thủy điện ở thượng nguồn.
Khi chảy tới chỗ họ ở Loei tại biên giới Thái Lan - Lào, dòng sông Mekong đã gồng mình chịu tới hàng chục con đập. 11 trong số đó là của Trung Quốc và một của Lào. Người dân địa phương và các chuyên gia cho biết những con đập này đã hủy hoại môi trường sống của cá và thay đổi dòng chảy tự nhiên theo mùa của dòng sông, thậm chí thay đổi cả màu sắc của nó.
Người dân đãi vàng ở Thái Lan than hết vàng (Ảnh: SCMP). |
Rodjana Thepwong, một người phụ nữ 64 tuổi với sức vóc rắn rỏi và nụ cười dễ mến cho hay, những người thợ đãi vàng thường lội ra giữa dòng sông vào mùa khô để lấy bùn đãi.
"Lớp bùn đá bên dưới từng chứa đầy vàng. Có lần tôi tìm được những mẩu vàng to bằng hạt me. Nhưng từ khi đập thủy điện được xây dựng hàng loạt ở phía thượng nguồn, nước sông dâng lên và hạ xuống một cách ngẫu nhiên, khiến hệ sinh thái mất cân bằng. Chúng tôi phải di chuyển về phía gần bờ, nơi có rất ít vàng", bà Rodjana vừa nói vừa đi tới bờ sông dùng cuốc để loại bỏ bùn đá.
Nếu gặp may mắn, bà Rodjana và người bạn thời thơ ấu của mình là Hieng Chantarasee, 70 tuổi, có thể kiếm được 500 baht (15 USD) từ những mẩu vàng nhỏ mà họ đãi được.
Vàng được đãi từ sông Mekong giờ chỉ là những mẩu rất nhỏ (Ảnh: SCMP). |
Họ chỉ là hai trong số 60 triệu người đang sống phụ thuộc vào sông Mekong, dòng sông chảy từ Trung Quốc, qua Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia trước khi đổ vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, nguồn thức ăn, sinh kế và môi trường sống của hàng triệu người này đang rơi vào tình trạng nguy hiểm khi các doanh nghiệp đổ xô xây đập thủy điện.
"Tôi bắt đầu nhận ra mọi thứ đang thay đổi khi cá chết và nước đột ngột dâng cao", bà Hieng nói khi đang ngồi đãi vàng dưới sông. Những thay đổi ấy ngày càng rõ rệt. Càng về phía hạ lưu, nước sông đột nhiên có màu xanh ngọc hồi tháng 2 năm nay, một hiện tượng cho thấy phù sa đang biến mất, giới chuyên gia cho hay. Tất nhiên, biến đổi khí hậu cũng là một phần nguyên nhân khi tạo ra mùa mưa lớn hơn và hạn hán kéo dài hơn.
Tuy nhiên, bà Rodjana và Hieng đều cảm thấy sự hình thành của các con đập chắc chắn là nguyên nhân khiến "sức khỏe" của sông Mekong, nguồn cung thực phẩm và thu nhập cho nhiều thế hệ gia đình sống xung quanh, giảm sút.
"Thật đáng buồn. Nhưng chúng tôi có thể làm gì? Những gì chúng tôi muốn là đừng xây thêm con đập nào nữa", bà Rodjana chia sẻ.
Tuy nhiên, đây rõ ràng là một hy vọng không thể thành hiện thực.
Một con đập mới được dự kiến xây ở phía thượng lưu thuộc Lào, cách nơi họ đãi vàng khoảng 2 km. Con đập mới có tên Sanakham này là dự án đầu tư 2 tỷ USD do công ty con thuộc Datang International Power Generation Company của Trung Quốc phát triển. Việc xây dựng dự kiến bắt đầu từ cuối năm ngoái và kết thúc vào năm 2028, theo Ủy ban sông Mekong.
Điện do Sanakham sản xuất sẽ được xuất khẩu chủ yếu sang Thái Lan. Trong 2 tỷ USD tiền đầu tư, chỉ có khoảng 28 triệu USD, tương đương 1,4%, được dùng để phát triển các biện pháp giảm thiểu tác động tới môi trường và xã hội.
Thái Lan đang dần quay lưng với dự án đập Sanakham trong bối cảnh các cộng đồng dân cư xung quanh sông Mekong vận động tạm dừng phát triển đập và quan chức bắt đầu công khai tranh luận về nhu cầu sử dụng điện do ngành thủy điện tạo ra.
"Sự phát triển của sông Mekong đã đạt đến điểm không thể quay trở lại. Những gì chúng ta có thể làm bây giờ là tập trung vào cách giảm thiểu tác động tới môi trường, việc này có lẽ mất ít nhất 15 năm", theo ông Tosapol Wongwan, trợ lý của Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia Thái Lan.
Theo Dân trí