Căng thẳng cước tàu biển đi Mỹ
Hãng tàu ưu tiên cho hàng khô vì giá cước có lợi hơn khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản hiện không biết “bơi” làm sao và hàng hoá không thể xuất khẩu.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, giá cước tàu cho tuyến đi Mỹ đang khiến cho doanh nghiệp như “cá nằm trên thớt”. Đặt được chuyến là mừng mặc dù chưa biết giá cước là bao nhiêu. Bởi các hãng tàu báo giá rất muộn và hiệu lực chỉ từ 10-15 ngày.
Hiện chỗ trống cho hàng đông lạnh đi Mỹ của hầu hết các hãng tàu đều rất ít vì các hãng tàu ưu tiên cho hàng khô vì giá cước có lợi hơn. |
Thậm chí, doanh nghiệp đã book được chỗ nhưng vì lý do nào đó không xuất hàng đi đúng lịch thì cũng mất chi phí hơn 1.500 USD/container.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) không thể vội vui mừng khi nhìn vào giá trị xuất khẩu thủy sản tăng so với cùng kỳ. Bởi vì cấu thành trong giá xuất khẩu, cước tàu biển đã tăng và chiếm tỷ trọng không nhỏ trong đó.
Cụ thể, ngoài việc chi phí giá thành cho sản xuất tăng chóng mặt ngay từ đầu năm, Vasep cho biết cước vận tải biển đang là vấn đề nóng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Một số doanh nghiệp cho biết, giá cước tàu đi tuyến châu Âu vừa mới hạ nhiệt thì tuyến đi Mỹ lại rất căng thẳng.
Hiện chỗ trống cho hàng đông lạnh đi Mỹ của hầu hết các hãng tàu đều rất ít vì các hãng tàu ưu tiên cho hàng khô vì giá cước có lợi hơn. Do đó, nhiều doanh nghiệp thủy sản hiện không biết “bơi” làm sao vì giờ đây vai trò đã “đổi ngôi”, các hãng tàu đã trở thành các “thượng đế”.
Được biết, nguyên nhân của tình trạng tăng cước đi Mỹ do thiếu container ngày càng trở nên trầm trọng. Cùng lúc với việc container bị “dồn” về Trung Quốc thì tại Mỹ, thiếu nhân công và xe đầu kéo vì Covid. Tại Bắc Mỹ, những container tại cảng được vận chuyển vào nội địa nhưng lại không được trả lại trong một thời gian dài vì thiếu nhân công dỡ hàng, thiếu nhân viên lái xe nâng, thiếu hụt xe đầu kéo, khiến container không thể trả rỗng nhanh hơn.
Tại Mỹ, thông thường container cần 1 đến 2 ngày để trả rỗng tuy nhiên hiện tại mất hơn một tuần cho việc này. Sự lặp đi lặp lại này khiến tình trạng thiếu hụt ngày càng tệ.
Đáng ngại, hãng tàu MSC cho biết bắt đầu từ tháng 4 tới sẽ cắt toàn bộ hàng đông lạnh đi Mỹ. Việc này được đánh giá sẽ làm tăng tải cho các tuyến khác vốn đã quá tải nhiều tháng qua.
Hơn nữa, nhiều hãng tàu không cho đặt chỗ trước, trong khi chờ tới ngày xuất hàng mới book thì lại không còn chỗ.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản hiện không biết “bơi” làm sao vì giờ đây vai trò đã “đổi ngôi”, các hãng tàu đã trở thành các “thượng đế”. |
Trước đó, Vasep từng nhiều lần cảnh báo doanh nghiệp thủy sản cần xây dựng kịch bản ứng phó việc thiếu container rỗng có thể kéo dài tới hết tháng 3/2021. Tuy nhiên, tình hình có vẻ còn căng thẳng hơn dự báo này.
Về phía doanh nghiệp dịch vụ logistics, nhiều doanh nghiệp cho biết các container “rớt” liên tục. “Theo dự kiến 1-2 ngày container được bốc lên tàu, nhưng có nhiều lô hàng bị trì hoãn đến cả tuần. Dù ký hợp đồng cố định giá cước vận tải biển với hãng tàu từ nhiều tháng trước nhưng để hàng được xuất khẩu đúng lịch, nhiều đơn hàng gấp doanh nghiệp đành phải trả theo mức giá mới", đại diện một doanh nghiệp logistics cho biết.
Theo vị này, do container rỗng không dồi dào nên thị trường bị lũng đoạn, để có container kịp chứa hàng xuất, có thời điểm doanh nghiệp phải thêm chi phí "mua trước" số container để mở trước tờ khai hải quan.
"Quy định hiện nay phải có số container doanh nghiệp mới được truyền tờ khai hải quan. Dù chưa nhận được container nhưng doanh nghiệp chỉ còn liều mới không bị tồn hàng ở cảng", vị này cho biết thêm.
Thực tế, từ cuối tháng 10/2020, giá cước vận tải biển tăng rất cao, đặc biệt là các tuyến vận tải đi châu Âu, châu Mỹ, giá cước tăng 2-10 lần. Đồng thời, một số hãng tàu còn thu thêm phụ phí đối với hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam với mức giá 50-200 USD/container từ đầu tháng 11/2020.
Được biết, hiện nay Cục Hàng hải Việt Nam đang tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra việc tăng giá cước vận tải và các loại phụ phí của các hãng tàu. Tuy nhiên, các đại diện hãng tàu tại Việt Nam mới chủ yếu là các đại lý và không có quyền quyết định tăng giá cước và các loại phụ phí, việc này "được quyết định bởi công ty mẹ tại nước ngoài".
Theo Diễn đàn doanh nghiệp