Chuyên gia Phan Lê Thành Long: Có cơ sở để phạt doanh nghiệp chuyển giá
Theo chuyên gia Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Nghiên cứu Kế toán Úc (CMA), Việt Nam có lổ hổng trong quản lý khiến các doanh nghiệp FDI thực hiện chuyển giá đầu vào...
Chuyển giá né thuế là "vấn nạn" lâu nay tại Việt Nam |
Nhà nước cũng đã thấy điều này và nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý để xử lý chặt chẽ hoạt động chuyển giá. Trong đó, cuối năm 2020, Nghị định 132/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành là một trong những văn bản quan trọng, một bước tiến trong hoạt động chống chuyển giá; đồng thời cho thấy Việt Nam đã tuân theo các khuyến cáo của OECD, tạo ra môi trường cạnh tranh minh bạch bình đẳng.
Phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Nghiên cứu Kế toán Úc (CMA).
"Không phải tự dưng cơ quan Thuế phạt Coca-Cola"
- Tổng cục Thuế mới đây đã công bố giữ nguyên quyết định xử phạt Coca-Cola Việt Nam, một trường hợp mà nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá cũng đang "trông vào", khi Coca-Cola Việt Nam trước đó đã khiếu nại về quyết định này...
Trước hết, nói về quy định pháp lý, Việt Nam đã đưa ra Nghị định 132/2020/NĐ-CP (NĐ 132) Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP cũ. NĐ 132 đã mở rộng các đối tượng hơn nghị định cũ. Bên cạnh đó, NĐ 132 tuân theo khuyến cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) các quốc gia này sẽ chung một cơ chế để chống “Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận” (tiếng Anh: Base erosion and profit shifting, viết tắt: BEPS). OECD đã đưa ra BEPS để khuyến cáo các quốc gia thuộc OECD là sẽ áp dụng các quy định chi tiết thì NĐ 132 đang tuân theo thỏa thuận quốc tế này. BEPS được OECD đưa ra nhằm đảm bảo công bằng trong tính thuế và phân bổ thu nhập giữa các quốc gia.
Ông Phan Lê Thành Long chia sẻ chính sách và hoạt động doanh nghiệp |
Khi Việt Nam đưa ra NĐ 132 tuân thủ khuyến cáo thì các doanh nghiệp đa quốc gia như Coca-Cola Việt Nam sẽ phải lập các báo cáo: Báo cáo Hồ sơ toàn cầu, Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia, Báo cáo hồ sơ quốc gia.
Tôi cho rằng Tổng cục Thuế đã nghiên cứu kỹ 3 báo cáo này chứ không phải tự dưng họ phạt Coca-Cola. Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia sẽ thể hiện lợi nhuận của CocaCola Việt Nam tỷ suất lợi nhuận là bao nhiêu phần trăm, ở Trung Quốc, HongKong, Singapore, châu Âu, những "thiên đường thuế" là bao nhiêu. Nếu lợi nhuận ở các quốc gia có thuế suất bằng 0 hoặc rất thấp mà lại có lợi nhuận rất cao thì đấy là dấu hiệu cho thấy chuyển giá rất rõ ràng.
Việt Nam có nhiều quyền để áp thuế truy thu và rà soát các khoản chi phí đầu vào mà ở Coca-Cola chủ yếu là chi phí đầu vào. Chi phí đầu vào mà giá trị lợi ích kinh tế mang lại không cao thì có thể loại chi phí đấy. Đó là được gọi là chi phí của doanh nghiệp liên kết, thuộc giao dịch đặc thù.
Muốn đưa ra các quyết định về thuế đối với các công ty đa quốc gia như Coca-Cola trong vấn đề chống chuyển giá thì các bằng chứng và dữ liệu so sánh cần vững chắc để thuyết phục được. Bởi như chúng ta biết trước đó, phía Coca-Cola đang không đồng ý với quyết định và phải giải trình.
Tóm lại, để có thể quyết định (như vừa giữ nguyên), Tổng cục Thuế cần bằng chứng vững chắc thông qua các dữ liệu độc lập và nghiên cứu đánh giá các hồ sơ theo chuẩn của không chỉ Việt Nam mà còn theo chuẩn của OECD (BEPS), thì đủ tính thuyết phục.
"Còn chi phí ngầm không ước tính được..."
- Theo ông, các doanh nghiệp thường có hình thức chuyển giá như thế nào cho phù hợp với loại hình kinh doanh của họ?
Việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển giá có hai hình thức: Chuyển giá đầu vào và chuyển giá đầu ra. Chúng ta cần biết chuyển giá diễn ra khi một công ty hoạt động tại nhiều quốc gia và các quốc gia này có mức thuế suất khác nhau thì lợi nhuận có xu hướng chuyển từ quốc gia có mức thuế suất cao sang quốc gia có mức thuế suất thấp.
Trong trường hợp của Coca-Cola họ thực hiện chuyển giá đầu vào như đã phân tích ở trên. Chuyển giá đầu ra như các công ty sản xuất linh kiện điện tử, trong trường hợp các công ty sang Việt Nam sản xuất nhưng bán về công ty mẹ, công ty mẹ này cũng thu mua các phụ kiện từ các công ty con sản xuất ở nước ngoài về sau đó tập hợp bán trở lại cho các công ty con để sản xuất thiết bị điện tử. Vấn đề ở đây khi bán lại cho các công ty con, công ty mẹ sẽ bán với giá thấp, thậm chí thấp hơn giá thành, khiến cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam thậm chí lỗ, khi lỗ thì không phải nộp thuế.
Như vậy có thể hiểu, công ty con bán lại cho công ty mẹ với giá thấp thậm chí thấp hơn giá thành, nhưng bán cho bên thứ 3 độc lập lại bán theo giá thị trường, như vậy khoản chênh lệch rất cao. Khó khăn của cơ quan thuế là làm thế nào để chứng minh linh kiện công ty con bán cho bên thứ 3 giống với linh kiện họ bán cho công ty mẹ, chỉ cần thay đổi một chút về linh kiện là không chứng minh được.
Việt Nam đang có lỗ hổng trong quản lý khiến các doanh nghiệp FDI thực hiện chuyển giá đầu vào tiêu biểu như ưu đãi nhập khẩu các máy móc dây chuyền cũ khi doanh nghiệp bắt đầu đầu tư từ công ty mẹ sang Việt Nam. Khi đó, máy dù có hết khấu hao, doanh nghiệp FDI vẫn đẩy giá thành lên nhiều lần dẫn đến chi phí đầu vào, mức khấu hao tăng lên.
Trong các hình thức chuyển giá, thì chuyển giá đầu ra dễ hơn chuyển giá đầu vào do chuyển giá đầu vào khó chứng minh các khoản chi phí phát sinh trong khi chuyển giá đầu ra doanh nghiệp nắm luôn giá mua, giá bán và mức giá này không so sánh được.
- Việt Nam đang "trải thảm đỏ" cho các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên cần cân đối ra sao để đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng với doanh nghiệp nội, thưa ông?
Chính sách Việt Nam đang “trải thảm đỏ” cho các doanh nghiệp FDI. Rõ ràng không thể phủ nhận tăng trưởng kinh tế, GDP năm 2020 phần lớn nhờ vào FDI và đầu tư công. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI còn tạo việc làm cho người lao động, thu hút nguồn vốn do đó Việt Nam thường có nhiều ưu đãi.
Nhưng câu chuyện ở đây là cần cân đối giữa việc thu hút các nhà đầu tư mà tạo giá trị trong chuỗi giá trị của Việt Nam. Thay vì thu hút đại trà, chúng ta cần thu hút có chọn lọc mình xem chuỗi giá trị để giúp cho Việt Nam phát triển là những loại hình nào thu hút FDI. Thu hút FDI không còn dễ dãi nữa để cuối cùng Việt Nam nhận lại được gì? Mặc dù lao động có việc làm nhưng là lao động giá rẻ, những công nhân chỉ biết các thao tác lặp đi lặp lại gây ra những hệ lụy rất lớn.
Mặt khác, các chính sách của mình cần tuân thủ các chuẩn quốc tế, các chính sách về thuế, giá tuân thủ các chuẩn quốc tế như OECD và có truyền thông. Khi nhà đầu tư vào mình cần có sự truyền thông cơ chế phải thông thoáng, rất rõ ràng.
Một trong những hạn chế của việc thu hút FDI là các doanh nghiệp khi sang Việt Nam không nắm rõ được chi phí đầu tư để lập kế hoạch, trong khi chi phí ngầm nhiều không ước tính được, cơ chế lại không rõ ràng, nếu khắc phục được sẽ thu hút nhà đầu tư.
Khi minh bạch rõ ràng, làm truyền thông tốt, Việt Nam sẽ giảm bớt hệ lụy liên quan đến chuyển giá, Nhà nước thu được thuế. Cơ chế công bằng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội đây là yếu tố rất quan trọng. Bởi khi Việt Nam tập trung thu hút FDI, các doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi thì các doanh nghiệp nội lại bị cạnh tranh không bình đẳng do giá thành cao hơn.
- Thưa ông, với Nghị định 132/2020 thì điểm mới nhất là gì và đủ kiểm soát mức độ phức tạp, các hình thức kê khai giá tinh vi của các giao dịch liên kết?
Thứ nhất, Nghị định 132 đã có những thay đổi so với Nghị định 20 ở chỗ mở rộng các đối tượng được gọi là giao dịch liên kết, được định nghĩa rõ hơn và mở rộng các giao dịch liên kết.
Ví dụ như tại Điều 5 - Nghị định 132, khoản g) quy định: "Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột”. Như vậy Điều 5 đã mở rộng và làm rõ ra thế nào quan hệ liên kết để tránh mù mờ, phản ánh đúng bản chất giao dịch các bên có mối liên quan đến nhau.
Thứ hai, Nghị định 132 cũng tạo điều kiện thay đổi mức áp trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30% và mức 30% là kịch khung của OECD (BEPS khuyến cáo từ 10-30%). EBITDA (Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần) đã kịch khung và cho phép áp dụng hồi tố. Việc hồi tố được quy định rõ tại khoản 3, Điều 22 Nghị định 132 về “Kê khai, quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 và năm 2018”: “a) Người nộp thuế thuộc trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017, năm 2018 theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ nhưng chưa thực hiện kê khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2021".
Thứ ba, Nghị định 132 đã làm rõ hơn liên quan đến khống chế lãi vay và tuân thủ theo OECD hơn. Cụ thể, tại Nghị định 20 các tập đoàn phản đối bởi các tập đoàn là công ty lớn mới có khả năng đi vay ngân hàng về cho công ty con vay, bản chất công ty mẹ chỉ là người đi cấp vốn nhưng không có lợi nhuận nên EBITDA sẽ rất thấp khi cho công ty con vay.
Công ty mẹ sẽ có chi phí lãi vay lớn nhưng lợi nhuận không có, khi đó toàn bộ EBITDA sẽ không được trừ vào thuế. Theo OECD khuyến cáo, trường hợp này cong ty mẹ sẽ được bù trừ lãi đi vay và lãi cho vay mới tính giới hạn 30% EBITDA và cho phép chuyển phần lãi vay chưa sử dụng.
Theo đó, Nghị định 132 đã gỡ các vướng mắc của các tổng công ty, tập đoàn lớn, khi cho phép bù trừ lãi vay đầu vào và lãi vay đầu ra, khi đó các tập đoàn mới có thể đi vay và cho vay sẽ không bị khống chế.
Xin cảm ơn ông!
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp