Ngàn gốc đào Nhật Tân chờ tỏa sắc trên đất Tây Nguyên ngày giáp Tết
Được coi là nơi có nhiều vườn đào nhất Đắk Nông, cả ngàn cây đào của nông dân xã Nam Xuân đã được nhiều thương lái đặt mua, chờ xuất đi các địa phương khác phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông hiện có nhiều hộ nông dân trồng đào phục vụ Tết Nguyên đán. Tất cả đào ở đây đều có nguồn gốc từ đào Nhật Tân (Hà Nội) được người dân trực tiếp mua giống về trồng, sau 2-3 năm đào mới cho thu hoạch.
Anh Thư hiện đang trồng hơn 1.000 gốc đào Nhật Tân tại Đắk Nông |
Anh Lã Văn Thư (thôn Thanh Sơn, xã Nam Xuân) là một trong những người đầu tiên mang giống cây hoa đào Nhật Tân từ miền Bắc vào tỉnh Đắk Nông để trồng thử nghiệm.
Anh Thư quê ở Ninh Bình. Khi vào Đắk Nông lập nghiệp, anh nhận thấy khí hậu ở đây thuận lợi nên nảy sinh ý tưởng phát triển, trồng hoa đào.
Những ngày này liên tục có khách đến xem và mua đào |
"Khoảng 12 năm trước, gia đình tôi có hơn 1 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu nhưng đất cằn cỗi với sỏi đá nhiều quá, tôi phá đi một ít, chuyển đổi sang trồng đào. Mỗi năm mỗi ít, từ vài chục cây, bây giờ vườn đã trồng hơn 1000 gốc, tất cả đều là đào Nhật Tân", anh Thư cho biết.
Theo chủ nhân vườn đào lớn nhất Đắk Nông, đào Bắc trồng tại Đắk Nông vừa có thuận lợi, nhưng cũng không ít vất vả. Đất đai và khí hậu thích hợp cho cây đào phát triển, thế nhưng căn làm sao cho đào nở đúng vụ, trổ bông, khoe sắc đúng dịp Tết Nguyên đán lại rất khó.
Theo chủ nhân vườn đào, khó nhất là chăm sóc để đào nở đúng Tết |
"Khác với cây mai vàng, cứ căn ngày là lặt lá, còn cây đào là phải dựa nhiều vào thời tiết. Thời tiết Đắk Nông, ban đêm và rạng sáng thì lạnh, nhưng trưa và chiều thì nắng gắt, đặc biệt là không có mưa. Giữ cho đào nở đúng Tết thì điều quan trọng nhất là nước, tưới nước đủ cho cây khỏi héo, kích nụ nhưng không bung hoa", chủ nhân vườn đào chia sẻ kinh nghiệm.
Cũng theo anh Thư, để có được một cây đào dáng đẹp, phải có thời gian trồng trên 2 năm. Trước ngày đưa đào ra thị trường, người trồng cắt cành nhiều lần. Việc tạo hình, tạo dáng cho cây được thực hiện từ nhỏ.
Trước ngày đưa đào ra thị trường, người trồng cắt cành nhiều lần |
"Đào trồng tại Đắk Nông đã thích nghi với khí hậu nên hoa giữ được lâu, khách từ Lâm Đồng, Đồng Nai thậm chí là Bình Dương đã đến đặt mua. Hơn 50% cây đào trong vườn đã có chủ, ước tính năm nay gia đình thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ trồng đào", anh Thư nói rồi chỉ tay về phía những gốc đào đã được đánh số thứ tự và ghi tên.
Hơn 50% gốc đào đã có chủ, chuẩn bị xuất bán |
Nam chủ nhân còn tự hào khi trồng thành công đào thất thốn (loại đào quý chỉ có ở miền Bắc). Hiện tại, khu vườn của anh đã có hơn chục gốc đào thất thốn, dáng bonsai đã chuẩn bị bung hoa. Theo tiết lộ của chủ nhân, do trồng thuận lợi nên giá đào thất thốn không quá "chát" như các tỉnh phía Bắc.
Ông Trường cố định hơn 500 gốc đào để chuẩn bị bán Tết |
Cạnh vườn đào của anh Thư là hơn 500 gốc đào thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Trường (trú thôn Lương Sơn, xã Nam Xuân). Tất cả các gốc đào thuộc vườn của ông Trường đều trên 2 năm tuổi, có cây cả chục năm tuổi nên rêu phong phủ đầy gốc, thậm chí gốc cây đào còn bị lũa (bị bào mòn do thời tiết hoặc mối mọt).
Theo ông Trường, giá đào được bán lẻ dao động từ 300.000 - 1 triệu đồng. Riêng một số chậu đào có thế đẹp, nhiều năm tuổi, tán lớn, đều hoa, màu sắc lạ, được tạo dáng độc đáo có giá bán cao hơn.
Lão nông nhẩm tính, năm nay gia đình thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ trồng đào |
"Đất ở đây trồng cây công nghiệp không hiệu quả nên chúng tôi chuyển sang trồng đào. Cây đào sinh trưởng, phát triển tốt, đến mùa xuân năm tiếp theo cho ra hoa nhiều và rất đẹp nên một số hộ đã liên kết để trồng đào phục vụ Tết Nguyên đán", ông Trường cho hay.
Cũng theo ông Trường chia sẻ, sau gần 8 năm tích lũy kinh nghiệm, năm nay ông có hơn 500 gốc đào để bán Tết và nhiều cây được thuê chăm sóc. "Nếu giá đào giao động từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng/gốc thì gia đình cũng bỏ túi được khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí".
Hoa đào Đắk Nông khoe sắc, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Tân Sửu |
Nhiều người đã đến chọn đào Tết từ giữa tháng chạp |
Được biết, để hỗ trợ các hộ dân phát triển diện tích trồng đào, huyện Krông Nô đã hỗ trợ cho một số hộ hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Đây là phương pháp tưới nước tiết kiệm, được thử nghiệm để hướng tới việc mở rộng diện tích trồng đào, thay đổi cơ cấu cây trồng của địa phương này.
Theo Dân trí