Phát triển năng lượng tái tạo (Kỳ 3): Thay đổi “cuộc chơi”
Thời gian tới, Việt Nam cần phải đẩy mạnh phát triển hơn nữa các ngành công nghiệp hỗ trợ để có thể nắm bắt cơ hội phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tháng 7/2020 vừa qua, thỏa thuận về tăng cường hợp tác giữa các nhà thầu chế tạo trong nước Vietsovpetro/PVC-MS với nhà đầu tư Enterprise Energy trong lĩnh vực điện gió được ký kết trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao năng lượng 2020 nhằm hiện thực hóa dự án điện gió với số vốn gần 12 tỷ USD tại Việt Nam. Thành công bước đầu này đánh dấu sự chuyển dịch của nhà thầu cơ khí Việt Nam trong việc nắm bắt cơ hội mở ra từ Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị với nhiều điểm mới tạo cơ hội cho doanh nghiệp.
Vietsovpetro ký kết thỏa thuận hợp tác tăng cường với nhà đầu tư Enterprise Energy trong lĩnh vực điện gió tại diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020. |
Cơ hội lớn gia tăng tỷ lệ nội địa hóa
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong ngành dầu khí và cơ khí, thực trạng tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực điện gió trung bình chỉ ở mức 30% đối với dự án ngoài khơi và khoảng 40% với dự án trong bờ. Như vậy, khoảng 60% cơ hội tại các dự án điện gió vẫn đang thuộc về các nhà thầu nước ngoài.
Tương tự, đối với điện mặt trời, hiện các nhà thầu trong nước mới chỉ cung cấp được phần khung kết cấu (cọc và khung đỡ), còn lại các thiết bị khác đều phải nhập khẩu.
Liên quan đến vấn đề nội địa hóa và cơ hội cho nhà thầu trong nước, ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ - Bộ KHCN cho rằng nhà thầu cơ khí Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong việc góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Ví dụ, một trụ tua bin gió nổi ngoài khơi có trọng lượng khoảng 250 tấn như một tòa nhà, trong đó rất cần sự tham gia của các ngành cơ khí, điện, thủy lực, hệ thống máy lạnh… để hoàn thiện. Đây là cơ hội để các nhà thầu Việt Nam có thể tham gia vào dự án.
Chuyển dịch cơ cấu gắn phát triển năng lượng bền vữngÔng Đinh Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, thế giới ngày nay đang đặt ra yêu cầu lớn về chuyển dịch năng lượng bền vững, do nguồn năng lượng sơ cấp suy giảm cũng như nguy cơ về ô nhiễm môi trường.
Một trong các giải pháp quan trọng cho bài toán của ngành năng lượng lúc này là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời chuyển giao, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, bền vững như công nghệ điện gió và điện mặt trời. “Chúng ta không thể mãi chỉ nhập công nghệ phát triển nguồn điện mà phải tiến tới làm chủ công nghệ, dẫn dắt và thậm chí đi trước về công nghệ theo hướng đầu tư các nhà máy sử dụng ít đất hơn, công suất lớn hơn, phát điện ổn định hơn, giảm ảnh hưởng môi trường và giảm giá thành” – ông Nguyễn Đức Hoàng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị quyết 55 chính là cơ hội để tái cơ cấu toàn diện ngành năng lượng, từ nghiên cứu phát triển (R&D) đến đầu tư sản xuất, thương mại, thị trường, từ đó không những đáp ứng cho nhu cầu trong nước mà còn tính đến xuất khẩu. Đây là cơ hội cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình kinh tế theo hướng xanh, sạch hơn, giảm phát thải.
Theo Enternews.vn