Bác sỹ chống hủ tục cứu sống nhiều đứa trẻ trên vùng cao
Hàng chục năm qua, bác sỹ Nay Blum đã “vượt rừng” đi khám chữa bệnh và đỡ đẻ cho bà con xã Glar. Trên hành trình ấy, ông đã cứu sống biết bao đứa trẻ giáp ranh với cái chết vì hủ tục.
Từ cậu bé làng… thành bác sỹ
Bác sĩ Nay Blum hiện là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Glar (huyện Đắk Đoa, Gia Lai). Về với trạm y tế xã Glar trong những ngày dịch bệnh đã diễn biến phức tạp, bác sỹ Nay Blum cũng bận rộn hơn vì được dân làng tin tưởng bởi cái “mát tay”.
Gần 30 năm gắn bó với y tế thôn bản, bác sỹ Nay Blum và vợ H’Nhơn đã dành hết thanh xuân nhằm chữa trị các bệnh nhân trong xã và cứu sống những đứa trẻ gặp nạn vì hủ tục.
Bác sỹ Nay Blum, người đã dành cả đời mình bám vùng cao, giúp bà con chữa bệnh |
Bác sỹ Nay Blum tâm sự, xã Glar xưa kia chưa có đường lớn, bà con sống sâu trong những cánh rừng. Lúc bệnh tật, mọi người chỉ biết dùng lá rừng, nếu bệnh nặng thì ôm con bò, heo, gà đến làm lễ ở nhà thầy cúng. Thấy cảnh đó, Blum đã quyết chí đi học với mong muốn trở thành một bác sỹ chữa bệnh cho cả làng.
Nhà cậu nghèo lắm, mẹ cậu phải lấy lá sắn đùm với cơm nắm để cho Blum đi học. Cậu bé Blum thời đó đi học chỉ có chiếc áo, không có quần nên quấn bằng khố để đến lớp…Cơn mưa rừng, con đường đất đỏ gian khổ nhưng không ngăn nổi ý chí của cậu học trò làng đi tìm cái chữ.
Học đến phổ thông, Blum được xem là người có chữ, hiểu biết nhất trong xã ngày ấy. Tuy nhiên, Blum vẫn muốn đi học cao, học làm “cái bác sỹ” nên đã nói với gia đình đi xin gạo của làng để cho anh tiếp tục lên thành phố học ở trường Trung cấp y tế Gia Lai. Vì cuộc sống khó khăn, Blum phải đi làm thuê, gánh củi, mót lúa thuê để có tiền học ở thành phố.
Tốt nghiệp Trung cấp Y tế Gia Lai, đầu năm 1991, Blum đã bỏ bệnh viện phố để trở lại buôn làng. Khi ấy, hầu hết các xã của huyện Đắk Đoa không có trạm y tế, chưa có cơ chế xếp lương, trả lương cho y, bác sĩ. Gần 7 năm, Blum làm không có lương nhưng anh vẫn “băng rừng, vượt suối” để đến với các làng xa xôi giúp bà con khám chữa bệnh và hướng dẫn phòng, chống bệnh, “ăn chín, uống sôi”…
Gần 7 năm làm không lương nhưng bác sỹ Blum vẫn kiên trì bám bản làng, giải trừ nhiều dịch bệnh |
Trong lúc Blum công tác tại trạm y tế xã thì căn bệnh sốt xuất huyết năm xưa quay trở lại và bùng phát mạnh. Một huyện “vùng khó” như Đăk Đoa đều chưa có phác đồ điều trị căn bệnh truyền nhiễm này. Lúc này, Blum đã “thức trắng” nhiều tuần liền để đọc các sách y khoa nhằm tìm ra thuốc cứu dân làng. Nhiều người nhiễm bệnh nặng, sốt cao, dân làng đều đưa đến làm lễ cúng. Sau một thời gian nghiên cứu cùng với vợ là chị H’Nhơn, Blum đã tìm được phác đồ chữa bệnh sốt xuất huyết cho cả làng. Từ đó, dân làng tin và rất nghe lời của Blum.
Cứu những đứa con từ hủ tục
Trong thời gian công tác, Blum sống đều nhờ vào đồng lương của vợ là chị H’Nhơn. Hàng ngày, ông cùng vợ thường đi từng làng để thăm khám và tuyên truyền cho bà con về phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, tất cả gái, trai trong làng đều do hai vợ chồng Blum và H’Nhơn đỡ đẻ. Cũng trên hành trình ấy, vợ chồng bác sỹ Blum đã cứu sống và nuôi dưỡng được 4 người con gồm: Jưi; Mới (SN: 1983); Qưun (SN: 1989); Nay Thuym (SN: 1995).
Trong thời gian làm ở trạm y tế xã Glar, bác sỹ Nay Blum đã cứu sống 4 đưa trẻ vì hủ tục và mồ côi |
Bác sỹ Blum tâm sự: “Thấy gia đình tôi biết chữa bệnh nên nhiều người vô gia cư, có bệnh đều tìm đến gia đình để xin ở và chữa trị. Gia đình nghèo nhưng vẫn cố gắng cho bà con ở lại và khám chữa bệnh miễn phí. May mắn, vợ chồng tôi trên đường đi hành nghề y đã nhận nuôi 4 đứa con. Giờ đây, chúng đã trưởng thành và dựng vợ, gả chồng”.
Jưi được ông bà Blum nhận nuôi vào năm 1980. Lúc đó, Jưi mồ côi bố mẹ và sống lang thang như con thú hoang trong rừng. Trên đường đi vào làng, ông Blum đã gặp và nhận nuôi. Tuy nhiên, khi đưa về thì Jưi đang bị bệnh lao. Gần 2 năm trời, bác sỹ Blum và vợ đã tận tình chăm nuôi Jưi trên bệnh viện tỉnh Gia Lai.
Còn đối với Mới và Qưun là hai chị em ruột. Mẹ hai chị em mất sớm, bố bị cùi. Do bị bệnh cùi nên dân làng hắt hủi, bắt 3 bố con phải sống trong rừng sâu. Một thời gian sau thì người bố mất, xót cảnh hai chị em mồ côi nên ông Blum đã nhận về nuôi. Hàng ngày, Mới đều cùng ông Blum băng rừng đi khám chữa bệnh giúp bà con.
“Nhà đã nghèo, kiếm cái ăn qua bữa đã khó khăn nhưng thấy tôi liên tục nhận con về nuôi nên gia đình đã trách móc. Tôi nghĩ, để chúng nó trong rừng “sống khổ, sống đói”, tôi không yên tâm được. Tôi có sắn thì chúng nó ăn sắn. Không thì tôi sẽ vào đào củ mài, hái măng về cho chúng ăn”, bác sỹ Blum bộc bạch.
Tuy nhiên, Nay Thuym là đứa được ông bà cưng chiều hơn cả vì đứa con này vợ chồng Blum đã đưa tính mạng ra “thế chấp” với dân làng. Blum nhớ lại, một buổi chiều năm 1995, có người đàn ông ở xã Hnol đến nhà Blum kêu lớn: “Blum ơi, đến cứu vợ con tao với. Nó sinh khó, máu ra nhiều lắm…”. Blum và vợ vội cặp túi đồ hộ sinh rồi cùng chở nhau trên chiếc xe đạp để đến nhà sản phụ ở xã Hnol, cách 20km. Tuy nhiên, đi được một đoạn thì xe hư thế là vợ chồng đã bỏ xe và chạy bộ gần 10km. Lúc đến nơi thì trời đã khoảng 12h đêm.
Bác sỹ Blum đã hiến hơn 1.000m2 đất để xây thêm phòng cho trạm y tế xã |
Lúc đó, thấy dân làng đang bế một cháu trai còn đỏ hỏn, chưa cắt dây rốn. Sản phụ toàn thân tím tái, băng huyết, mạch đã ngừng đập. Vợ chồng bác sỹ Blum đã hô hấp nhưng không thể cứu được sản phụ. Theo luật tục thời đó, nếu người mẹ mất thì đứa con phải chôn theo mẹ. Biết sản phụ chết, bà ngoại và họ hàng đã chèn đứa con dưới lưng mẹ cho tắt thở nhưng vợ chồng bác sĩ Blum đã khóc xin đừng làm thế và một mực giải thích nhưng dân làng không nghe.
Sau nhiều giờ, dân làng và gia đình sản phụ bắt ông bà Blum phải cam kết, nếu đứa bé bị chết thì sẽ bắt ông bà phạt vạ với Yàng (trời). Đồng thời, sau khi phạt vạ sẽ đuổi vợ chồng ra khỏi làng. Khi đã đồng ý với thỏa thuận, chị H’Nhơn vội ôm đứa bé vào lòng, cởi chiếc áo của mình và áp đứa trẻ vào lòng để nó cảm nhận được hơi ấm từ người chị.
Sau đó, dân làng cũng không dám đưa vợ chồng về nên Blum đã mượn xe rồi tự chở vợ cùng Nay Thuym về nhà nuôi dưỡng. Thoát khỏi “cửa tử” và có tình yêu của ông bà Nay Blum nên Nay Thuym lớn lên khỏe mạnh, người bụ bẫm… Không tin vào điều này, người dân xã Hnol đã đến thăm cháu và xem tận mắt sự trưởng thành của người cháu mà trước kia bà con nhầm tưởng là “ma rừng”.
Từ năm 2001, bác sỹ Nay Blum đã đi học bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Dược Huế. Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Blum tiếp tục trở về làm tại Trạm y tế xã Glar và sống cùng bà con. Không những thế, bác sỹ Nay Blum còn hiến hơn 1.000m2 đất để cho nhà nước xây thêm phòng và sân của trạm y tế xã.
Theo Dân trí