Trúng đậm với thịt lợn, cổ đông Dabaco hồ hởi sắp được chia tiền
Cổ phiếu Dabaco phiên cuối tuần tăng mạnh 4,3% sau khi tập đoàn này thông báo sẽ chuyển 634 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của các công ty con về công ty mẹ tại thời điểm 31/7 để tạm ứng cổ tức năm 2020.
Cổ phiếu Dabaco tăng 4,3% sau “tin nóng”
Trái ngược với trạng thái dò dẫm của thị trường chung, cổ phiếu DBC của Tập đoàn Dabaco Việt Nam phiên 11/9 bứt phá mạnh, tăng 2.050 đồng/cổ phiếu tương ứng tăng 4,3% lên 49.900 đồng.
Nhà đầu tư dường như đang tỏ ra “phấn khích” trước thông báo của Dabaco rằng, tập đoàn này sẽ điều chuyển 634 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của các công ty con về công ty mẹ tại thời điểm 31/7 để tạm ứng cổ tức năm 2020.
Ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức vào 17/9 tới và cổ tức năm 2020 mà Dabaco chi trả cho cổ đông là “tiền tươi thóc thật”. Tỷ lệ thực hiện là 15%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng); thanh toán vào ngày 30/9.
Dabaco kinh doanh tăng trưởng mạnh trong năm 2020 |
Tuy nhiên, tại thời điểm cuối quý 2, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính công ty mẹ chỉ gần 9 tỷ đồng.
Tại cuộc họp đánh giá lại kết quả kinh doanh diễn ra ngày 1/9 vừa rồi, lãnh đạo Dabaco cũng đã hé lộ về kết quả kinh doanh của hai tháng 7, 8/2020. Theo đó, doanh thu hai tháng này đạt 2.370 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 261 tỷ đồng, bằng 75% lợi nhuận sau thuế quý 1 và bằng 35% lợi nhuận sau thuế 6 tháng năm 2020.
Luỹ kế 8 tháng năm 2020, Dabaco đạt doanh thu 8.678 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.093 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.011 tỷ đồng.
SHB “cân” sàn HNX, thị trường “nhọc nhằn” phiên cuối tuần
Phiên giao dịch cuối tuần, các chỉ số có xu hướng diễn biến tích cực hơn vào cuối phiên mặc dù bao trùm toàn phien vẫn là trạng thái giằng co, rung lắc.
Đóng cửa, VN-Index “nhọc nhằn” tăng 0,15 điểm tương ứng 0,02% lên 888,97 điểm và một lần nữa vẫn chưa thể chinh phục được ngưỡng 890. HNX-Index tăng 0,39 điểm tương ứng 0,31% lên 126,21 điểm và UPCoM-Index tăng nhẹ 0,06 điểm tương ứng 0,09% lên 59,09 điểm.
Thanh khoản duy trì tốt, đạt 309,9 triệu cổ phiếu tương ứng 5.517,66 tỷ đồng trên HSX và 48,5 triệu cổ phiếu tương ứng 498,85 tỷ đồng trên HNX. Trên thị trường UPCoM có 43,24 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 203 tỷ đồng.
Điểm tích cực là độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng giá. Thống kê cho thấy, toàn thị trường có 421 mã tăng, 82 mã tăng trần so với 385 mã giảm và 34 mã giảm sàn.
Mặc dù VN30 hôm qua giảm 0,29 điểm tương ứng 0,04% còn 825,56 điểm tuy vậy, chỉ số chính vẫn nhận được sự đồng thuận của một số mã lớn như VIC (đóng góp 0,57 điểm); CTG (đóng góp 0,31 điểm); HDB (đóng góp 0,29 điểm) và VCB (đóng góp 0,21 điểm).
Trong phiên này, VIC tăng 0,7% lên 91.100 đồng; CTG tăng 1,2% lên 25.600 đồng; MSN tăng 0,4% lên 55.000 đồng; HDB tăng 3,6% lên 30.350 đồng.
Ngược lại, tình trạng giảm tại BCM tiếp tục là chướng ngại lớn nhất đối với VN-Index. Mã này lấy đi của chỉ số chính 0,49 điểm. Bên cạnh đó, VNM, VHM, SAB, TCB cũng ảnh hưởng tiêu cực lên mức tăng chung của thị trường.
Trên HNX, cổ phiếu SHB cũng tăng 5% lên 14.600 đồng và theo đó tác động đáng kể lên chỉ số chính. Chỉ riêng SHB đã đóng góp hơn 1 điểm cho HNX-Index và “cân” toàn sàn khi HNX-Index chỉ tăng 0,39 điểm.
Về thanh khoản, nối tiếp phiên giao dịch sáng, PVX vẫn giữ được trạng thái tăng trần và khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 12 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch 21,62 tỷ đồng. HPG và GEX tương tự cũng giao dịch sôi động, đạt lần lượt 11,67 triệu cổ phiếu và 9,43 triệu cổ phiếu, nhưng hai mã này lại giảm giá.
Như vậy, kết thúc tuần này, VN-Index giảm tổng cộng 12,57 điểm tương đương 1,39% còn HNX-Index lại tăng nhẹ 0,06 điểm tương ứng 0,05%.
Theo nhận định của BVSC, trong tuần tới, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục có biến động đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen trong vùng được giới hạn bởi ngưỡng hỗ trợ 880-885 điểm và ngưỡng kháng cự 895- 905 điểm.
Lưu ý rằng, cũng trong tuần tới, hoạt động đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 9 sẽ diễn ra vào thứ 5 và hai quỹ ETFs Vaneck và FTSE sẽ thực hiện tái cơ cấu danh mục quý 3.
Theo Dân trí