Áp lực nào đối với Nga trong Thỏa thuận xanh châu Âu?
(PetroTimes) - Người dân Liên minh châu Âu (EU) đang dần quay trở lại cuộc sống bình thường sau đại dịch Covid-19 và tiến hành khôi phục nền kinh tế. Sự phục hồi kinh tế sẽ phù hợp với mức độ "xanh hóa" được khởi xướng từ năm 2019, giúp giảm đáng kể lượng khí thải CO2 và giúp cho nền kinh tế châu Âu đạt trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050.
H2: Năng lượng tương lai (Kỳ 10) |
Không một công ty dầu khí nào nằm ngoài quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu (Kỳ 2) |
Đối với Nga, chính sách về môi trường vẫn chủ yếu dừng lại ở mức độ "biển hiệu", quyết định của EU - đối tác thương mại nước ngoài lớn nhất của Nga - có thể gây ra rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu truyền thống là dầu, khí đốt và than đá. Vai trò ngày càng tăng của chủ đề môi trường trong quan hệ Nga - EU, cụ thể là về chính sách môi trường của liên minh này đã được thảo luận tại hội nghị trực tuyến về Thỏa thuận xanh châu Âu và phục hồi kinh tế EU. Chúng có ý nghĩa gì đối với Nga?
Sự khởi đầu của chính sách
Tháng 12/2019, ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới tại Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen đã công bố Thỏa thuận xanh châu Âu với mục tiêu chính là đưa nền kinh tế EU đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Điều này có nghĩa là lượng khí thải nhà kính (CO2) từ các ngành công nghiệp của EU sẽ giảm mạnh, thậm chí là không phát thải hoặc sẽ được hấp thụ bởi hệ thống rừng và đất của châu Âu, cũng như các dự án giúp giảm phát thải CO2.
Để đạt được mục tiêu này, EU lên kế hoạch xây dựng, sắp xếp lại cơ sở hạ tầng, thay đổi hệ thống năng lượng, xây dựng các tiêu chuẩn, xem xét các ưu tiên chính sách đầu tư, duy trì đa dạng sinh học trong liên minh và loại bỏ bất bình đẳng xã hội.
Bằng cách nhấn mạnh vào "Thảo thuận xanh", EU đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và khuyến khích các nước khác hành động tích cực hơn theo Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. EU cho thấy sự kiên trì như vậy trong bối cảnh: Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris, Nga đẩy mạnh kế hoạch phát triển các mỏ than và dầu khí, Trung Quốc và Ấn Độ có chính sách về môi trường khá yếu.
Cả bốn quốc gia Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cùng nhau chiếm hơn 50% lượng khí phát thải toàn cầu, trong khi toàn EU chỉ chiếm hơn 10%. Một số ý kiến chỉ trích Thỏa thuận xanh vì tỷ lệ này bởi ngay cả khi EU đạt trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050, liên minh này sẽ không cứu được cả hành tinh. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU kiên định vào quyết định của mình. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban hành động vì khí hậu của Ủy ban châu Âu Clara de la Torre, tất cả các quyết định chính trị và kinh tế của EU đã được thực hiện trên cơ sở các mục tiêu của Thỏa thuận xanh, bao gồm cả kế hoạch phục hồi nền kinh tế liên minh sau đại dịch được công bố vào đầu tháng 7. Tổng chi phí cho kế hoạch phục hồi có thể lên tới 1.850 tỷ euro.
Nga và Thỏa thuận xanh châu Âu
Ở Nga, tin tức về Thỏa thuận xanh hầu như không được chú ý và không gây ngạc nhiên. Thực tế, hầu như Nga không có chiến lược bảo vệ và thích ứng với các thay đổi khí hậu. Các chính sách về khí hậu, học thuyết sinh thái của đất nước, thậm chí việc phê chuẩn Thỏa thuận Paris giống như một chính sách trong quan hệ quốc tế.
Các văn bản pháp luật về khí hậu của Nga còn mang tính khuôn mẫu, hình thức và mâu thuẫn với các chính sách khác. Chẳng hạn như chương trình phát triển ngành công nghiệp than đến năm 2035. Chương trình này đề xuất tăng trưởng khai thác than mặc dù than được coi là nguồn năng lượng ô nhiễm nhất.
Nga cũng đưa ra các cam kết rất khiêm tốn theo Thỏa thuận Paris khi đặt mục tiêu lượng phát thải CO2 không vượt quá 70% của mức năm 1990. Theo giám đốc Viện Khí hậu và sinh thái toàn cầu, Viện Hàn lâm khoa học LB Nga Anna Romanovskaya, Nga sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu này ngay cả khi không có chính sách giảm phát thải nào. Mục tiêu khiêm tốn như vậy không thúc đẩy chính quyền thực hiện những biện pháp bảo vệ khí hậu cơ bản như phòng, chống cháy rừng, bảo tồn tài nguyên đất và hiện đại hóa nền công nghiệp.
Việc Nga không hành động đối với các vấn đề khí hậu có thể dẫn đến những vấn đề mới trong quan hệ với EU, vốn đang ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường. Ví dụ như Thỏa thuận xanh châu Âu xem xét việc áp thuế carbon đối với các mặt hàng nhập khẩu vào EU. Điều này gây lo lắng đối với các nhà xuất khẩu Nga. Phương pháp tính toán loại thuế này vẫn chưa được xác định chính xác nhưng về mặt lý thuyết, mức thuế suất sẽ phụ thuộc vào lượng khí thải từ quá trình sản xuất sản phẩm cụ thể. Ví dụ, thuế carbon sẽ được áp dụng cho các sản phẩm lọc hóa dầu nếu năng lượng cung cấp cho quá trình lọc, hóa dầu đến từ các nhà máy nhiệt điện than, nơi phát thải CO2.
Thuế nhập khẩu carbon phải đảm bảo công bằng khi áp dụng các quy tắc thương mại cho các nhà sản xuất châu Âu và nước ngoài. Về mặt lý thuyết, chính sách này khuyến khích các công ty nước ngoài giảm lượng khí thải CO2. Trước mắt, thuế này sẽ ảnh hưởng đến giá dầu, than và khí đốt cung cấp cho EU. Những công ty nào phải đóng thuế carbon, liệu có cách nào để tránh loại thuế này? Tất cả sẽ được làm sáng tỏ sau quá trình tham vấn của EU. Các nhà sản xuất Nga chắc chắn muốn tránh loại thuế này bởi vì họ không có động lực nào khác để giảm lượng khí thải trong nước. Về vấn đề này, phía EU cho biết, các quốc gia khác có thể tránh được khoản thuế mới nếu đưa ra các tiêu chuẩn khí hậu tương tự như châu Âu.
Theo tiến sĩ Igor Makarov, chuyên gia về chính sách khí hậu tại Trường kinh tế cao cấp Mátxcơva cho biết, khả năng này là hiện thực được nếu như Nga áp dụng chính sách hạn chế phát thải CO2 trong nước hoặc thiết lập hệ thống kiểm soát phát thải đối với tất cả các doanh nghiệp hoặc các doanh nghiệp tự tính toán lượng khí phát thải của mình. Nếu không có những giải pháp như vậy, Nga buộc phải tuân theo cách tính và yêu cầu của EU.
Áp lực đối với Nga
Triển vọng đưa ra những quy định kiểm soát phát thải carbon ở Nga vẫn còn mơ hồ. Liên minh các nhà công nghiệp và kinh doanh Nga phản đối chính sách hạn chế CO2 vì cho rằng, chính sách hạn chế CO2 sẽ dẫn đến một khoản thuế bổ sung không rõ ràng, trong khi không mang đến lợi ích nào cho doanh nghiệp. Những ý kiến phản đối chính sách kiểm soát carbon cũng lập luận rằng, theo luật liên bang "Về quản lý nhà nước về phát thải khí nhà kính" đã loại trừ tất cả các nghĩa vụ đối với doanh nghiệp. Tại Nga, tất cả các cơ sở hạ tầng phòng chống sự nóng lên toàn cầu (ngoại trừ các cơ sở giám sát) được xây dựng trên tinh thần tự nguyện. Các cơ sở sản xuất công nghiệp không có nghĩa vụ nào theo luật này.
Theo giám đốc nhóm nghiên cứu rủi ro và phát triển bền vững của KPMG tại Nga và các nước SNG Vladimir Lukin, sự phản đối của các công ty Nga là dễ hiểu. Thuế carbon của EU sẽ làm cho hàng hóa của Nga trở nên đắt đỏ hơn và người Nga thường sẽ làm vấn đề trầm trọng hơn.
Nhiều khả năng các nhà xuất khẩu Nga sẽ không ngại việc giảm lượng khí thải CO2. Thỏa thuận xanh hướng tới ban hành các khoản thuế bổ sung đối với các chất gây ô nhiễm được công bố ở EU sau Thỏa thuận Paris 2015. Áp lực gián tiếp đã tác động lên các công ty Nga khi tiếp cận các khoản vay và phát hành trái phiếu, cổ phiếu trên các sàn giao dịch châu Âu phải kèm theo báo cáo phát thải CO2.
Một ví dụ về cách các công ty Nga đang thích nghi với những quy định môi trường mới đó là: năm 2017, tập đoàn Rusal ra mắt sản phẩm nhôm trung hòa khí hậu Allow với 90% năng lượng trong quá trình sản xuất nhôm đến từ năng lượng tái tạo (thủy điện). Điều này giúp sản phẩm phổ biến hơn đối với các khách hàng quan tâm đến vấn đề khí hậu và môi trường.
Một số nhà xuất khẩu lớn khác của Nga đã đánh giá rủi ro liên quan đến Thỏa thuận xanh châu Âu. Các công ty dầu, than và khí đốt đang đo lượng khí thải carbon trong chính sản phẩm của họ. Rất nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào phương pháp đo lường khi tính thuế carbon của EU.
Tuy nhiên, những động thái trên còn rất khiêm tốn. Trong tương lai gần, EU sẽ thông qua luật khí hậu. Đây sẽ là cơ sở pháp lý cho việc áp dụng thuế nhập khẩu carbon. Quá trình tham vấn với các quốc gia và các nhà xuất khẩu sẽ bắt đầu. Sẽ không dễ để đạt được sự thỏa thiệp. Trong khi EU có kế hoạch chi hơn 1 nghìn tỷ euro cho phục hồi kinh tế thông qua các dự án xanh thì chính phủ Nga đang hỗ trợ các công ty năng lượng, có nghĩa là bảo vệ nền kinh tế tài nguyên phát thải nhiều CO2.
Phạm TT