Nguy hại văn hóa ngoại lai
(PetroTimes) - Mượn ý tưởng là điều dễ hiểu, nhưng bê nguyên tạo hình nhân vật của văn hóa ngoại vào MV Việt là việc hoàn toàn khác, tạo ra những sản phẩm văn hóa ngoại lai xa lạ.
Gần đây, một số ca sĩ và ê-kíp làm MV đã dựa hoàn toàn vào những câu chuyện lịch sử, văn hóa thuần Việt để làm chất liệu sáng tạo những sản phẩm thật sự ấn tượng. Đầu tiên phải kể đến là ca sĩ Hoàng Thùy Linh với một loạt các sản phẩm ca nhạc “Để Mị nói cho mà nghe”, “Tứ Phủ”, “Duyên âm”... rồi đến Chi Pu với MV từ chuyện Tấm Cám sáng tạo nên “Anh ơi ở lại”... Gần đây nhất có Hòa Minzy với MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” lấy cảm hứng từ câu chuyện lịch sử về vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu - vị hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam.
Có thể nói, ý tưởng tôn vinh, quảng bá văn hóa Việt bằng cách đưa vào một sản phẩm âm nhạc của mình hoặc tạo thành một chuỗi sản phẩm âm nhạc là một điều rất đáng hoan nghênh ở các ca sĩ. Đối tượng khán giả của họ hầu hết là khán giả trẻ, là học sinh, sinh viên. Những MV đó đã thật sự trở thành bài học lịch sử, văn hóa sinh động, dễ hiểu và dễ nhớ hơn bất kỳ những bài học khô cứng nào.
Thế nhưng, bên cạnh đó cũng có các ê-kíp làm MV đã tạo ra những sản phẩm ngoại lai không phù hợp. Nếu ai xem “Màu nước mắt”, “Tự tâm”, “Canh ba” hay “Chân ái” - những MV do Denis Đặng thực hiện cho các ca sĩ - sẽ thấy hình ảnh, câu chuyện hoàn toàn xa lạ với văn hóa Việt. Nhiều người đã chỉ rõ rằng, vị “giám đốc sáng tạo” kia đã đi nhặt nhạnh ý tưởng tạo hình từ văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản qua các bộ phim, vở kịch nổi tiếng của họ.
Hình ảnh trong các MV ngoại lai của Denis Đặng |
Chính Denis Đặng cũng thừa nhận mình đã “lấy chỗ này một ít, chỗ kia một ít” để trộn lẫn lại với nhau thành một sản phẩm và gọi đó là sự sáng tạo chứ không phải đạo nhái. Thật ra, việc đạo ý tưởng đã là câu chuyện xưa cũ trong giới nghệ sĩ rồi. Điều đáng nguy hại hơn có lẽ bản thân Denis Đặng và các ca sĩ trong MV không biết đó chính là những sản phẩm như thế đang tạo ra những giá trị văn hóa, thẩm mỹ ngoại lai không phù hợp với văn hóa Việt.
Mượn ý tưởng là điều dễ hiểu, xong bê nguyên tạo hình nhân vật của văn hóa ngoại vào MV Việt là việc hoàn toàn khác. Không biết hàng chục triệu khán giả trẻ đã xem những MV ngoại lai này có lầm nghĩ đó là nhân vật của lịch sử văn hóa Việt hay không?
Không riêng những MV mà cả những bộ phim truyền hình Việt hóa thời gian qua cũng vậy. Ngoài những lo ngại về mặt chuyên môn thì những sản phẩm này mang đến một mối lo lớn hơn, đó là những nguy hại đến môi trường văn hóa Việt. Điều này cũng giống như những sinh vật ngoại lai ốc bươu vàng, rùa tai đỏ đã gây ra thảm họa cho môi trường tự nhiên khi triệt tiêu sức sống của sinh vật bản địa!
Trúc Vân