Năng lượng tái tạo có giúp nền kinh tế thế giới nhanh chóng phục hồi?!
(PetroTimes) - Các công ty dầu khí lớn và các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới đang duy trì đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trong bối cảnh giá dầu biến động và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, song chất lượng không khí chưa bao giờ trong sạch đến thế tại các thành phố lớn ở châu Âu, Mỹ hay Ấn Độ. Lượng khí thải nhà kính trên thế giới đã giảm mạnh.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), phát thải carbon liên quan đến năng lượng sẽ giảm khoảng 8% trong năm 2020, con số này cao gấp 6 lần so với mức giảm kỷ lục vào năm 2009, trong đó Mỹ là quốc gia có mức giảm khoảng 7,5%. Điều này đã làm dấy lên hy vọng về một tương lai đạt được mục tiêu giảm phát thải nhà kính trên thế giới theo Hiệp ước chống biến đổi khí hậu tại Paris. Tuy nhiên, sự thật là thế giới đang phụ thuộc vào năng lượng dầu mỏ và không dễ gì thay đổi được điều này.
Biến động tiêu thụ năng lượng của thế giới (Nguồn: IEA) |
Trong báo cáo tác động của đại dịch coronavirus, IEA đã chỉ ra rằng nhu cầu năng lượng sụp đổ là điều chưa từng có tiền lệ. Xét về dài hạn, đại dịch lần này đã cho thấy những dấu hiện thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ sang cơ cấu năng lượng carbon thấp. Công nghiệp năng lượng tái tạo đang vươn lên phát triển chắc chắn và ổn định hơn dầu mỏ.
Royal Dutch Shell tuyên bố cắt giảm chi tiêu xuống mức 3 - 4 tỷ USD và đầu tư xuống dưới 20 tỷ USD trong năm 2020. Mặc dù vậy, Shell cam kết duy trì mức cắt giảm khí thải và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo gồm: điện năng, hạ tầng bộ nạp EV cho xe điện cũng như theo đuổi mô hình kinh doanh năng lượng carbon thấp trong tương lai.
BP cho biết sẽ duy trì mức đầu tư khoảng 500 triệu USD cho lĩnh vực năng lượng carbon thấp trong năm 2020 mặc dù cắt giảm đến 25% chi tiêu, xuống còn khoảng 12 tỷ USD. Trong khi đó, công ty năng lượng lớn nhất Đan Mạch Ørsted A/S đã bán tài sản thăm dò dầu khí cuối cùng vào năm 2017 và bán mảng kinh doanh LNG vốn đang bị thua lỗ trong năm 2019 và chuyển đổi hoàn toàn sang lĩnh vực năng lượng sạch. Hiện nay, năng lượng tái tạo chiếm đến 90% sản lượng điện của Ørsted. Trong Quý I/2020, Ørsted công bố lợi nhuận tăng 27% và cho biết Covid-19 sẽ không tác động nhiều đến kế hoạch lợi nhuận cả năm của công ty. Tập đoàn điện lực lớn của Tây Ban Nha Iberdrola cũng báo cáo tăng trưởng lợi nhuận ròng trong Quý I/2020 là 5% và dự định tăng chi phí đầu tư thêm 12% lên 10 tỷ EUR.
Nhiều dự án mới được công bố gần đây cho thấy sự phát triển của lĩnh vực năng lượng sạch/tái tạo. Liên doanh giữa Abu Dhabi Power Corporation và EDF, Jinko Solar đã trúng thầu dự án điện mặt trời công suất 2GW dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2022. Số lượng các dự án năng lượng mặt trời tại Mỹ đang gia tăng nhanh chóng. Chính phủ các quốc gia sẵn sàng kích hoạt các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế khổng lồ, giúp nền kinh tế có thể phục hồi trong ngắn hạn và tạo nên sự thay đổi cơ bản trong các thập kỷ tới. Trong đó, các kế hoạch đầu tư vào năng lượng sạch được tin tưởng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Năng lượng sạch được dự báo sẽ đóng vai trò trung tâm trong quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới và chuyển đổi năng lượng, với 2 trụ cột là năng lượng gió và điện mặt trời. Để đạt được bước tiến trong kế hoạch chuyển đổi năng lượng này, IEA cho rằng các kế hoạch hành động chính cần được thực hiện gồm: Thiết lập chương trình hành động kết hợp mục tiêu chống biến đổi khí hậu với việc tạo thêm việc làm; Các doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch (IEA cho rằng chính phủ các quốc gia đóng vai trò thúc đẩy đến 70% đầu tư năng lượng toàn cầu thông qua chính sách); Ưu tiên xây dựng các trung tâm lưu trữ năng lượng và chú trọng tiết kiệm năng lượng.
Trung tâm Đào tạo và Thông tin Dầu khí (CPTI)