3 hoạt động âm thầm tiêu hao năng lượng của bạn
(PetroTimes) - Bạn học tập hay làm việc, năng lượng thể chất và tinh thần đều tiêu hao. Nhưng năng lượng của bạn còn có thể bị rút mòn bởi những hoạt động thường ngày mà bạn không ngờ tới.
1. Làm nhiều việc một lúc
Não của chúng ta mỗi lúc chỉ có thể tập trung vào một thứ. Nếu bạn làm nhiều việc cùng lúc, não sẽ phải liên tục chuyển đổi qua lại. Hiệu suất công việc sẽ giảm 40% và khiến bạn phải tiêu hao nhiều năng lượng hơn.
Chẳng hạn bạn đang viết một bản báo cáo, thấy có email tới, bạn liền đọc và trả lời email. Trả lời xong email bạn lại quay lại tiếp tục viết báo cáo. Tuy nhiên, lúc này khi khởi động lại bạn có thể phải cần tới hơn 20 phút để tập trung trở lại.
Làm nhiều việc cùng lúc sẽ tiêu hao nhiều năng lượng hơn - Ảnh minh họa |
Cơ chế này cũng tương tự hoạt động của động cơ xe chúng ta sử dụng hằng ngày. Chiếc xe đốt nhiều xăng nhất vào lúc nổ máy và tăng tốc sau khi phanh. Bộ não cũng sẽ tiêu hao nhiều năng lượng nhất vào lúc bắt đầu một việc hoặc phải giải quyết một vấn đề khó. Nếu bạn làm nhiều việc cùng lúc, mỗi khi chuyển việc là mỗi lần bạn phải “nổ máy”.
Bạn hãy thử so sánh hiệu quả di chuyển của một người đi xe trên đường không hề phải dừng lại trong khi người kia phải liên tục dừng đèn đỏ. Chắc chắn người không phải dừng xe liên tục sẽ đảm bảo tốc độ ổn định, thậm chí dễ dàng tăng tốc, họ không chỉ về đích trước mà xe của họ còn đỡ tốn xăng hơn người kia.
Giải pháp: Bạn hãy đặt nguyên tắc không ôm đồm, xử lý thật tập trung và gọn gàng từng việc. Đồng thời, trước khi bắt tay vào công việc quan trọng, hãy loại bỏ các nguy cơ cản trở tiềm ẩn, ví dụ tắt tiếng chuông điện thoại, tạm ngừng check mail... Khi bạn thực hiện tốt điều này, bạn cũng sẽ hình thành được thói quen giải quyết công việc một cách chuyên nghiệp.
2. Tiếp nhận thông tin không quan trọng
Mọi thông tin được truyền đến bạn, bộ não đều ngay lập tức tiếp nhận và giải mã chúng. Chẳng hạn, khi bạn lướt Facebook, bạn thấy ảnh bạn bè mình post những tấm hình đi ăn, đi chơi, não bạn liền giải mã những thông tin mới này: người đó ăn gì, chơi gì, với ai, ở đâu, chỗ đó như thế nào… rồi lại kết nối các thông tin cũ: người ấy là ai, xưa như thế nào, nay họ ra sao…
Như vậy, dù chỉ xem lướt qua tấm hình, nhưng não bạn đã tự động thực hiện quy trình giải mã và âm thầm đốt của bạn một năng lượng với những thông tin không đầu không cuối và không thực sự quan trọng.
Chưa kể trí tò mò có thể dẫn dụ bạn đi xa hơn, khiến não bạn tiếp tục phải thực hiện những quy trình xử lý thông tin lan man và vô tận. Cho đến khi bạn có thể quay lại với các công việc của mình thì năng lượng của bạn đã bị bòn rút quá nhiều, khả năng tập trung sẽ bị bị suy giảm.
Giải pháp: Bạn cần kiểm soát để hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những thông tin không cần thiết trong cả ngày và tạm ngừng tiếp nhận thông tin khác khi xử lý các việc quan trọng. Để thực hiện, hãy đặt ra quy định cho bản thân, tìm nguồn gốc đang tiêu hao năng lượng tinh thần của bạn. Chẳng hạn, như bạn đang tiêu tốn quá nhiều năng lượng vào lướt web, Facebook, Tiktok…, bạn cần đặt những khung giờ nhất định, giảm tần suất truy cập, thậm chí có thể quyết liệt nói không với các trang mạng xã hội này.
3. Đưa ra các quyết định
Trong một ngày bạn phải ra nhiều quyết định và đây hoạt động gây tốn năng lượng cho bộ não nhất, bởi khi làm điều này bạn cần suy nghĩ rất nhiều, đưa ra các lý do, liên hệ với thực tế, bối cảnh hay các mục tiêu cho các quyết định của mình.
Các quyết định có thể dễ dàng hay đơn giản, kiểu như chọn bữa sáng là bánh mì hay phở, nhưng cũng có những câu hỏi phức tạp đòi hỏi não bạn tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, ví dụ bạn sẽ mặc bộ quần áo nào giữa vô vàn các trang phục để có thể gây cảm tình trong một cuộc hẹn.
Như vậy, nội các việc thường nhật như ăn gì, uống gì, mặc gì, đặt cuộc hẹn lúc nào, mua sắm gì, với các mức độ quan trọng khác nhau cũng có thể khiến bạn lãng phí năng lượng. Bạn chắc chắn không thể loại bỏ chúng hoàn toàn, tuy vậy có thể tìm cách tiết giảm.
Giải pháp: Để hạn chế được việc phải ra quyết định, bạn cần loại bỏ sự cầu kì của bản thân. Đơn giản hóa vấn đề, lên kế hoạch chặt chẽ và thiết lập một số nguyên tắc sẽ giúp việc đưa ra quyết định dễ dàng hơn. Bạn có thể tham khảo cách dồn tối đa năng lượng vào thứ quan trọng, biến những chuyện khác càng đơn giản, càng ít phải quyết định càng tốt của một số người thành công. Chẳng hạn như Mark Zuckerberg - thường mua quần áo giống nhau để không mất thời gian vào việc lựa chọn trang phục, hay Barack Obama thường mặc một bộ xám hoặc xanh để dành tâm trí chọn trang phục cho các việc khác...