Ngày càng nhiều hộ dân lựa chọn điện mặt trời áp mái
(PetroTimes) - Tính đến đầu tháng 3/2020 đã có 24.300 dự án điện mặt trời áp mái đã đi vào hoạt động trên cả nước. Với tiềm năng phát triển lớn và sự khuyến khích của Nhà nước, số dự án điện mặt trời áp mái được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.
Sản xuất điện mặt trời áp mái hòa lưới hộ gia đình và doanh nghiệp là một hướng sản xuất hiệu quả nhờ vốn đầu tư thấp và hình thức đầu tư mang tính xã hội hóa.
So với điện mặt trời lắp đặt tập trung, điện mặt trời áp mái hòa lưới có nhiều ưu điểm hơn, như không tốn diện tích đất; giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình áp thiết bị; điện mặt trời áp mái được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp, không cần đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải nên chi phí đầu tư thấp; có tác dụng làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống.
Điện mặt trời áp mái đang thu hút nhiều hộ gia đình tham gia |
Mô hình điện mặt trời áp mái hòa lưới phát điện phân tán đang được khuyến khích phát triển giúp làm giảm bớt quy mô các trung tâm nguồn điện, góp phần hạn chế sự cố xảy ra ở trung tâm nguồn điện lớn. Hiện nay số hộ gia đình sử dụng điện mặt trời áp mái trên cả nước đang không ngừng tăng.
Tính đến đầu tháng 3/2020 đã có 24.300 dự án điện mặt trời áp mái đã đi vào hoạt động trên cả nước. Với tiềm năng phát triển lớn và sự khuyến khích của Nhà nước, số dự án điện mặt trời áp mái được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.
Thống kê đo được miền Nam nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, số giờ nắng trung bình là 6-8 giờ/ngày và liên tục trong suốt cả năm. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình khá cao, đạt từ 4-4,5 kWh/m2/ngày.
Đồng Tháp là một trong những địa phương đứng đầu về phát triển điện mặt trời áp mái tại khu vực phía Nam. Số giờ nắng đo được đạt từ 2.200-2.500 giờ/năm, vì thế việc khai thác nguồn điện năng lượng mặt trời rất thích hợp và đầy tiềm năng. Không chỉ các doanh nghiệp, nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa cũng chọn điện mặt trời áp mái để tiết kiệm tiền điện và sinh lợi từ nguồn điện dư nối lên lưới.
Đồng Tháp hiện đã có 144 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Trong 9 tháng đầu năm 2019, sản lượng điện thương phẩm đã đạt 1.885.387.962 kWh, tăng 13,64% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài sản lượng điện cung cấp cho khách hàng trên địa bàn, sản lượng điện bán sang Campuchia trong 9 tháng đầu năm 2019 qua điểm cửa khẩu quốc tế Dinh Bà đạt 8.991.300 kWh, tăng 107,71% so với năm 2018; qua cửa khẩu Thường Phước đạt 1.984.100 kWh, tăng 45,64% so với năm 2018.
Còn tại Cần Thơ, theo Công ty Điện lực TP Cần Thơ, thành phố có trên 724 công trình điện mặt trời áp mái được nối vào lưới điện quốc gia, với tổng công suất 7.621 kWp. Ước tính, số tiền đầu tư cho một hệ thống điện mặt trời áp mái, có công suất lắp đặt từ 6-7m2/kWp (tương đương thu từ 4-5 kWh điện), trên dưới 20 triệu đồng, với thời gian bảo hành trên 25 năm.
Dự kiến, trong năm 2020, Công ty Điện lực TP Cần Thơ sẽ thực hiện ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng, đạt tổng công suất khoảng 12.000 kWp…
Theo thống kê chung về số giờ nắng trên cả nước, khu vực phía Bắc có khoảng 1.800-2.100 giờ nắng mỗi năm. Trong đó, các vùng Tây Bắc và vùng Bắc Trung Bộ được xem là những vùng có nắng nhiều. Ngoài ra một số vùng được dự báo số giờ nắng ít hơn nhưng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái cũng đã bắt đầu khởi động phát triển.
Tại Quảng Trị hiện toàn tỉnh có 77 hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái hòa lưới đã hoàn thành lắp đặt và đấu nối vào lưới điện hạ áp với tổng công suất lắp đặt là 986,56 kWp. Công ty Điện lực Quảng Trị là doanh nghiệp đi đầu trong việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái hòa lưới, đã lắp đặt trên mái tất cả các nhà điều hành sản xuất với 19 hệ thống, tổng công suất lắp đặt là 532,35 kWp. Các tổ chức, hộ gia đình đầu tư lắp đặt 58 hệ thống, với tổng công suất lắp đặt là 454,21 kWp.
Sau một thời gian, tỉnh Bắc Ninh cũng đã có 66 dự án điện mặt trời áp mái được bổ sung vào lưới điện của tỉnh với công suất 392,28/180 kWp (đạt 218% kế hoạch Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giao). Sản lượng phát lên lưới 10 tháng năm 2019 đạt 44.640 kWh. Một số dự án đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả như: Dự án điện mặt trời áp mái tại Nhà điều hành Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh công suất sử dụng đạt 50 kWp; dự án tại Chung cư Hudland công suất sử dụng 100 kWp; hệ thống điện mặt trời áp mái của gia đình ông Nguyễn Văn Chung (phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn) sản lượng 13.437 kWh; gia đình ông Chu Văn Đức (thị trấn Thứa, Lương Tài) sản lượng 3.564 kWh.
Trước nguy cơ về thiếu điện giai đoạn 2021-2023, Chính phủ đang xem xét để tiếp tục có cơ chế khuyến khích về giá điện cố định đối với điện mặt trời trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết năm 2021, nhằm thúc đẩy các dự án đã có trong quy hoạch triển khai đầu tư và một phần các dự án đã đăng ký hoàn tất các thủ tục về quy hoạch, đấu nối, chuẩn bị dự án và triển khai thi công.
Đây được xem là động lực lớn thúc đẩy ngành năng lượng mặt trời phát triển trong đó khuyến khích điện mặt trời áp mặt tại các gia đình, giảm áp lực thiếu nguồn điện trong những tháng cao điểm của cả nước.
M.T
Hà Nội: Nhiều ưu đãi khi lắp điện mặt trời áp mái |
Nên có thông tư riêng cho điện mặt trời áp mái? |
Điện mặt trời đã đủ cơ chế phát triển? |