Giá điện sinh khối
Cần cơ chế linh hoạt hơn
(PetroTimes) - Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn cần cơ chế linh hoạt hơn trong việc tính giá điện sinh khối. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới đã có trao đổi với ông Hoàng Đức Thắng - Giám đốc Dự án Nhà máy Điện sinh khối mía đường Tuyên Quang - về vấn đề này.
PV: Ông nhận định thế nào về tình hình phát triển điện sinh khối tại nước ta?
Ông Hoàng Đức Thắng |
Ông Hoàng Đức Thắng: Lâu nay, những nguồn phụ phẩm nông nghiệp chưa được tận dụng tốt để phát triển điện sinh khối, phần nhiều được coi là rác thải gây lãng phí lớn. Hiện nước ta chưa có nhiều dự án điện sinh khối tận dụng được loại rác thải này, bởi quy mô của hầu hết các dự án nhỏ. Nguyên nhân một phần do chi phí vận chuyển nhiên liệu rất cao khiến các nhà đầu tư còn dè chừng.
PV: Nhà máy Điện sinh khối mía đường Tuyên Quang đang hoạt động như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Đức Thắng: Công ty CP Mía đường Sơn Dương (SONSUCO) là chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện sinh khối mía đường Tuyên Quang, được lắp đặt tại Nhà máy Đường Tuyên Quang, đã được nghiệm thu có tải, chính thức công nhận phát điện thương mại vào ngày 4-1-2019.
Công suất lắp đặt của nhà máy điện là 25 MW, tương ứng với công suất nhà máy đường 6.000 tấn mía/ngày. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu của nhà máy đường trong những năm gần đây giảm vì sản lượng mía thấp, niên vụ 2019-2020 chỉ đạt công suất 2.400-2.600 tấn mía/ngày. Với sản lượng mía cả vụ chỉ đạt 120.000 tấn, nhà máy chỉ phát điện được 55 ngày, phát được 10.000.000 kWh lên lưới quốc gia. Sau khi kết thúc vụ sản xuất, nhà máy đang thu mua vỏ cây, rơm rạ và các nhiên liệu sinh khối khác để phát điện sinh khối độc lập, mỗi tháng, sản lượng điện lên lưới dự kiến đạt 2,5-3 triệu kWh.
PV: Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, trong đó đã tăng giá điện sinh khối. Theo ông, với mức giá này, các nhà máy điện sinh khối đã thực sự “sống” tốt?
Ông Hoàng Đức Thắng: Theo Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg ngày 5-3-2020 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, trong đó sửa đổi quy định giá điện sinh khối. Cụ thể, với giá điện sinh khối tại dự án đồng phát, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.634 đồng/kWh, tương đương 7,03 UScent/kWh (quy định cũ 1.220 đồng/kWh, tương đương 5,8 UScent/kWh); với các dự án điện sinh khối khác, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.968 đồng/kWh, tương đương 8,47 UScent/kWh; tính theo tỷ giá trung tâm của VND/USD được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 21-2-2020.
Với việc điều chỉnh này, Nhà máy Điện sinh khối mía đường Tuyên Quang sẽ được hưởng giá điện đồng phát nhiệt điện 7,03 UScent/kWh. Tuy nhiên, do lượng mía ít, không đủ công suất thiết kế, nhà máy phải thu mua các nguồn nhiên liệu sinh khối khác để đốt lò hơi, duy trì hoạt động. Kể cả lúc sản xuất đường và không sản xuất đường, nhà máy điện sinh khối chỉ được áp dụng một giá 7,03 UScent/kWh.
Bã mía là nhiên liệu tốt cho nguồn năng lượng sinh khối |
PV: Ông có kiến nghị gì để điện sinh khối phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai?
Ông Hoàng Đức Thắng: Để phát triển điện sinh khối và phát huy năng lực của thiết bị có sẵn, đề nghị Chính phủ cho phép các nhà máy điện sinh khối được tính giá với cơ chế linh hoạt. Cụ thể, các nhà máy điện sinh khối độc lập tại các vùng nguyên liệu mía, đối với thời gian vụ sản xuất từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 4 năm sau tính giá điện đối với giá điện sinh khối tại dự án đồng phát; đối với thời gian hết vụ sản xuất từ tháng 5 đến hết tháng 11 hằng năm, được tính giá điện theo các dự án điện sinh khối khác.
Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, điện sinh khối được nhà nước khuyến khích phát triển và được mua tại điểm giao nhận trên 10 UScent/kWh. Tại Việt Nam, giá điện sinh khối 7,03 UScent/kWh và 8,47 UScent/kWh bước đầu sẽ thúc đẩy các dự án điện sinh khối nối lưới sẵn cải tiến công nghệ, có thể phát điện quanh năm, đồng thời hấp dẫn các nhà đầu tư quan tâm tới các nhà máy điện sinh khối độc lập tại các vùng nguyên liệu sẵn có. Tuy nhiên, điều khiến nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại là giá mua nguyên liệu sinh khối để sản xuất điện so với giá điện bán ra cộng với các chi phí đang chênh lệch.
Tất cả nguồn phế phẩm của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp đều có thể biến thành năng lượng sinh khối. Ngành nông nghiệp ngoài chức năng cung cấp lương thực, thực phẩm, nguyên liệu công nghiệp, giờ đây còn cung cấp nguyên liệu để sản xuất năng lượng sạch. Việc sử dụng năng lượng sinh khối sẽ tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, nhất là ở những vùng trung du, miền núi có thể trồng mía, sắn và các cây có dầu.
Đề nghị Chính phủ có những hỗ trợ về vốn và có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đã tham gia và đang có chủ trương đầu tư vào năng lượng sinh khối, vì đầu tư năng lượng sinh khối cần vốn đầu tư lớn, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, Chính phủ từng bước có cơ chế giá phù hợp ngang bằng với giá điện sinh khối ở các nước trong khu vực để thúc đẩy nguồn năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Quyết định số 08/2020/QĐ-TTg, giá điện sinh khối tại dự án đồng phát, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.634 đồng/kWh, tương đương 7,03 UScent/kWh; với các dự án điện sinh khối khác, biểu giá mua điện tại điểm giao nhận là 1.968 đồng/kWh, tương đương 8,47 UScent/kWh. |
Đức Minh