Những tác động của khủng hoảng giá dầu
(PetroTimes) - Đại dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Arập Xêút như một cú hích đẩy giá dầu lao dốc không phanh. Đâu là giới hạn của đà giảm giá “vàng đen” hiện nay, những nước phụ thuộc vào dầu mỏ sẽ hành động ra sao sau cú sốc kép?
Cuộc chiến giá dầu
Cuộc họp của OPEC+ (OPEC và 10 nước đối tác) được tổ chức vào ngày 6-3-2020 để thảo luận về việc giảm sản lượng. Arập Xêút cho rằng cần phải hỗ trợ giá dầu vì đã giảm 30% kể từ đầu năm 2020 do dịch Covid-19. Nga đã từ chối, muốn duy trì sản xuất của mình để giữ vững thị phần trước các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ.
Những tác động của khủng hoảng giá dầu |
Thỏa thuận giảm sản lượng đã hết hạn vào cuối tháng 3-2020 và về mặt lý thuyết, các nước có thể tăng sản lượng tùy ý, bước vào thời kỳ cạnh tranh mạnh mẽ như năm 2014, cố gắng duy trì thị phần bằng cách tối đa hóa sản xuất và hạ giá dầu. Arập Xêút đã phản ứng ngay lập tức, phát động cuộc chiến giá cả bằng cách giảm giá bán từ tháng 4, đồng thời tăng 25% sản lượng khai thác, lên 12,3 triệu thùng/ngày trong tháng 5.
Quyết định của Moscow và Riyadh dường như có một mục đích chung: Phá vỡ thế tương quan Arập Xêút - Mỹ - Nga. Thực vậy, sau khi trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, Mỹ đã làm đảo lộn cục diện dầu mỏ bằng cách gia tăng liên tục sản lượng từ năm 2012 đến 2019, từ khoảng 6 triệu thùng/ngày lên 13 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, giá thấp có thể cản trở khả năng duy trì sản xuất của Mỹ.
Mới đây, ngày 1-4-2020, Tập đoàn Dầu khí đá phiến Whiting của Mỹ đã nộp đơn xin phá sản. Công ty Rystad dự báo trong năm 2020 sẽ cắt giảm 100 tỉ USD đầu tư vào thăm dò và sản xuất, trong đó gần 65 tỉ USD đầu tư trực tiếp vào các mỏ dầu đá phiến ở Mỹ.
Nếu giá dầu tiếp tục giảm có thể giáng một đòn nặng nề vào ngành dầu khí Mỹ và làm đảo lộn “bàn cờ” chính trị của Mỹ. Chính phủ Mỹ đã phản ứng ngay lập tức và đang xem xét một gói tài chính trợ giúp ngành công nghiệp dầu mỏ. Ngày 3-4, Tổng thống Donald Trump đã gặp gỡ lãnh đạo các tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ để bàn về vấn đề này.
Giá dầu sẽ xuống 20 USD/thùng?
Trong báo cáo cuối cùng được công bố vào ngày 9-3-2020, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã đề xuất 3 kịch bản nhu cầu dầu năm 2020.
Kịch bản trung tâm: Ước tính nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm khoảng 90.000 thùng/ngày. Dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát trong quý I ở Trung Quốc, mặc dù đã lây lan sang các khu vực khác.
Ảnh minh hoạ |
Kịch bản thứ hai bi quan hơn: Dự đoán nhu cầu dầu sẽ giảm 730.000 thùng/ngày trong năm 2020 vì sự lây lan của dịch Covid-19 ở châu Âu, châu Á và các khu vực khác và sự phục hồi chậm của các nền kinh tế trong các quý tới của năm 2020.
Kịch bản thứ ba khá lạc quan: Dự đoán mức tăng trưởng nhu cầu dầu 480.000 thùng/ngày, nhờ sự lây lan trong phạm vi hẹp của dịch Covid-19 ở châu Âu, châu Á và Mỹ. Trong kịch bản này, IEA chỉ xem lĩnh vực giao thông là bị hạn chế.
Hầu hết các nhà phân tích và ngân hàng đã hạ dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu. Cuối năm 2019, Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu tăng 1,1 triệu thùng/ngày vào năm 2020, nhưng đã sửa đổi xuống 550.000 thùng/ngày vào tháng 2-2020 và hiện đang điều chỉnh còn 150.000 thùng/ngày. Cuộc chiến giá dầu do Arập Xêút gây ra có thể kéo giá dầu xuống còn khoảng 20 USD/thùng.
Tin vui là giá dầu trong tuần đầu tháng 4-2020 đã khởi sắc trở lại ở khoảng 30 USD/thùng với dầu Brent nhờ những thông tin về khả năng Tổng thống Mỹ đứng ra hòa giải cuộc chiến dầu mỏ giữa Arập Xêút và Nga để cứu lấy ngành công nghiệp dầu mỏ. Arập Xêút sau đó cũng đã kêu gọi OPEC+ nhóm họp khẩn cấp để ổn định thị trường.
Các quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ sẽ làm gì?
Đối với các nước sản xuất dầu mỏ, cuộc chiến giá cả do Arập Xêút gây ra có thể là nguồn gây bất ổn sâu sắc. Các quốc gia này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Sự chuyển đổi đó làm cho các nước xuất khẩu dầu mỏ phải xác định lại mô hình kinh tế.
Chính sách mà Arập Xêút hiện đang thực hiện không phù hợp với mong muốn đa dạng hóa kinh tế thông qua kế hoạch “Vision 2030” được đưa ra năm 2016. Đó là lấy thặng dư từ bán dầu mỏ tài trợ cho nền kinh tế. Hydrocarbon chiếm hơn 3/4 xuất khẩu của 9 trong số 15 nước xuất khẩu hàng đầu. Ngân sách của Nga phụ thuộc 25% từ dầu khí, con số này lên tới gần 78% với ngân sách của Arập Xêút và 80% của Kuwait và Qatar. Tuy nhiên, hiện nay, mức giá dầu cần thiết để giữ cân bằng ngân sách cho các nước xuất khẩu dầu dường như đều vượt quá 50 USD/thùng (riêng Nga tuyên bố chỉ cần 42 USD/thùng).
Tác động đến chuyển đổi năng lượng
Giá dầu giảm không phải là tin tốt cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Thực tế, giá dầu là giá “chỉ đạo” trên thị trường năng lượng và thường tác động đến giá của các mặt hàng năng lượng khác.
Một nghiên cứu của IEA đã nhấn mạnh sự phụ thuộc mạnh mẽ vào giá dầu của việc chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải carbon, một liên kết mang lại vị thế quan trọng cho các quốc gia sản xuất hydrocarbon trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng hiện tại. Điểm tích cực duy nhất là giá dầu thấp có thể khiến nhiều quốc gia giảm trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch.
Tóm lại, các sự kiện trên thị trường dầu mỏ hiện tại mang lại rất nhiều bất ổn trong tương lai. Lớn hơn cả cuộc chiến giá cả giữa Nga và Arập Xêút, đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến nền kinh tế thế giới và thị trường dầu mỏ. Nó làm tăng sự bất ổn địa chính trị giữa các nước sản xuất và có thể tác động lớn đến nội bộ của nhiều quốc gia
Song Phương