"Ngày vía Thần Tài" là bịa đặt?
(PetroTimes) - Theo giáo sư Hoàng Chương, “ngày vía Thần Tài” không phải là ngày truyền thống trong văn hóa của người Việt Nam, đây là ngày được một số người vụ lợi tự đặt ra…
Theo tục lệ, cứ đến ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, nhà nhà lại nô nức sắm sửa lễ vật cúng vía Thần Tài - vị thần chủ quản về tài lộc để mong được một năm làm ăn suôn sẻ, đắc lộc đắc tài. Ngoài ra, một số công ty kết hợp khai trương vào ngày này, để may mắn thuận lợi hơn.
Nhiều doanh nghiệp còn thể hiện sự tri ân khách hàng vào ngày vía Thần Tài. |
Với quan niệm mua vàng ngày vía Thần Tài (10/1 âm lịch) sẽ đem lại sự may mắn, làm ăn thuận lợi, tiền bạc rủng rỉnh cho cả năm, đến ngày này nhiều người dân lại đổ xô đi mua vàng để cầu may cầu phát tài cho một năm mới bắt đầu.
Theo GS. Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam thì truyền thống người Việt Nam từ xưa đến bây giờ có những ngày có ý nghĩa văn hóa, tâm linh thì cần phải phát huy. Tuy nhiên, ngày Thần Tài không phải là ngày truyền thống của người Việt Nam, đây là ngày được một số người dân tự đặt ra mang tính chất vụ lợi. Tâm linh không phải là vì tiền mà tâm linh mang ý nghĩa nhân văn, văn hóa.
Nói về nguồn gốc có ngày Thần Tài GS. Hoàng Chương khẳng định: "Tại sao lại có ngày Thần Tài? Ngày Thần Tài là ngày gì? Nó có cũng vô nghĩa. Bản thân tôi là một nhà văn hóa nhưng tôi không ủng hộ cho cái ngày mà người ta gọi là "ngày vía Thần Tài" này. Trong câu chúc tết dân gian, người ta thường chúc: 'Vạn sự như ý, phát tài phát lộc' đây là một câu chúc hết sức có văn hóa, ý nghĩa. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh lại một lần nữa, không hề có ngày Thần Tài".
Cũng theo ông Hoàng Chương, ngày xưa, tôi không nghe thấy cái ngày Thần tài bao giờ cả, bây giờ người ta đặt ra để mang tính chất thương mại mà thôi. Ngày này không có ý nghĩa văn hóa, tâm linh, ý nghĩa giáo dục truyền thống thì tôi cho rằng đây là ngày vô giá trị. Ngày này được đặt ra xuất phát từ những người có tham vọng về tiền. Là một nhà văn hóa, tôi không ủng hộ ngày Thần Tài này.
Giáo sư Hoàng Chương cũng cho rằng việc người dân kéo nhau đi mua vàng vào ngày vía Thần Tài là do mê tín, thể hiện tham vọng làm giàu. Ông Hoàng Chương phân tích: "Người dân đi mua vàng như thế tạo nên một làn sóng theo phong trào đám đông, có thể làm loạn, rối loạn thị trường mua bán vàng, làm đảo lộn đời sống văn hóa, kinh tế là không thể ủng hộ được".
Quan điểm của ông Hoàng Chương đang được khá nhiều người ủng hộ nhưng xét một khía cạnh khác của văn hóa dân gian thì việc được đại đa số người dân làm theo, ủng hộ trong nhiều năm qua đã dần hình thành phong tục tập quán. Đây chính là nền tảng của văn hóa dân gian, những gì người dân cho là tốt giống như câu "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" vẫn thể hiện một nét văn hóa có tính bản sắc của người Việt đó là sự hiền hòa, đời sống tâm linh phong phú.
Mặt khác, việc người dân Việt Nam có tục tích trữ vàng để phòng cơ không phải là điều tồi tệ đối với nền kinh tế mà còn có tính quy luật kích thích thị trường. Nguyên nhân bởi người Việt trước Tết thường cố gắng bằng mọi cách thu tiền về tay khiến ngân hàng nhà nước năm nào cũng phải in thêm tiền. Chính vì vậy, việc người dân bung tiền tích lũy đi mua sắm vào đầu năm mới cũng là một cách luân chuyển tiền tệ mạnh và tích cực.
Bời vậy, chỉ trích mê tín là hợp lý nhưng để thực sự nhìn nhận một nét văn hóa dân gian thì cần nhiều luận chứng, luận cứ.
Tùng Dương
| Do đâu có "ngày vía Thần tài"? |
| Đón ngày Vía Thần Tài, giá vàng hướng tới tuần tăng "nóng" |
| Giá vàng liên tiếp mất đỉnh, dân buôn "hóng" Vía Thần tài |