Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: "Doanh nghiệp sốt ruột cải cách, nhưng thể chế lại đủng đỉnh"
(PetroTimes) - Mặc dù môi trường kinh doanh được đánh giá chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn vấn đề như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói: “Doanh nghiệp sốt ruột cải cách, nhưng thể chế lại đủng đỉnh”.
Môi trường kinh doanh Việt Nam đã thay đổi nhưng rất ít |
Cải thiện môi trường kinh doanh: Giảm về số lượng thì vô nghĩa! |
Cắt giảm giấy phép con – Điều kiện kinh doanh: Điển hình “trên nóng dưới lạnh” |
Ngày 17/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết về cải cách môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia sau khi khảo sát trên 10.000 doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, môi trường kinh doanh được đánh giá chuyển biến tích cực, dù không đồng đều giữa các lĩnh vực.
Nộp thuế là 1 trong 2 lĩnh vực được đánh giá cải cách mạnh mẽ, khi thời gian làm thủ tục nộp thuế một năm giảm từ 498 giờ còn 384 giờ. Nhưng kết quả này của Việt Nam vẫn gấp đôi mức bình quân các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương, khoảng 173 giờ.
Nộp thuế được đánh giá là lĩnh vực cải cách mạnh mẽ |
Hai lĩnh vực nữa cũng được đánh giá được cải thiện là lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng (tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng là 74%). Ngược lại, thủ tục phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu được đánh giá ít chuyển biến.
Đáng chú ý, chi phí lót tay trong thanh tra, kiểm tra thuế giảm, nhưng 30% doanh nghiệp cho biết phải trả khoản này cho cán bộ thanh tra. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI nhận xét, ở đây có phần trách nhiệm của doanh nghiệp, khi bị phát hiện sai phạm thì muốn "giảm nhẹ tội nên lót tay cho cán bộ thuế".
Doanh nghiệp vẫn "kêu" rất nhiều về tiếp cận vốn tín dụng và cản trở lớn nhất là điều kiện vay vốn phải có tài sản thế chấp (86% doanh nghiệp). Trong khi đó, gần 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải "bồi dưỡng" cán bộ ngân hàng nếu muốn vay được vốn.
Báo cáo của VCCI phản ánh thực tế đáng lo ngại, tình trạng ưu ái doanh nghiệp sân sau vẫn rất nghiêm trọng. Cùng đó, doanh nghiệp cũng khó đoán định sự thay đổi chính sách khi tỷ lệ này tăng từ 42% năm 2014 lên 67% năm 2018. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính có xu hướng tăng. Hiện tượng tham nhũng vặt khi làm thủ tục hành chính vẫn không giảm.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nêu cảm nhận, địa phương, doanh nghiệp sốt ruột cải cách, nhưng thể chế lại đủng đỉnh. "Sự chậm trễ về thủ tục, thể chế đang là rào cản, cần giải quyết", ông Lộc nhận xét.
Theo đánh giá của VCCI sau một năm các bộ, ngành cam kết cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép con giảm còn 48%.
Dẫu vậy, tỷ lệ này vẫn ở mức cao, theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI. Ông cho biết, nếu nhân con số này với hơn 714.000 doanh nghiệp hiện nay thì có đến gần 350.000 doanh nghiệp vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó.
Ông Tuấn cho biết, năm 2019 nhiều bộ, ngành "có vẻ như không muốn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này vì đã cắt giảm trong năm 2018". Bởi hiện theo ghi nhận trong số các bộ, ngành mới có Bộ Công Thương, Y tế và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra dự thảo Nghị định cắt giảm hoặc đang trong quá trình rà soát.
Theo đánh giá của VCCI, vẫn còn nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không minh bạch, không khả thi. Nhiều ngành nghề không nên xác định là kinh doanh có điều kiện vẫn tiếp tục được giữ lại như ngành nghề xuất khẩu gạo; kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển; kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Với những cải cách đã thực hiện, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 30 bậc trong 4 năm qua, nhưng vẫn đang ở mức trung bình của thế giới, năng lực cạnh tranh trong ASEAN chưa vào top 4. "Chừng nào chúng ta còn hài lòng với thể chế trung bình thì không thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, phải là thể chế vượt trội", ông Vũ Tiến Lộc nói và nhấn mạnh, duy trì đà cải cách từ nay đến năm 2020, Việt Nam mới đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp.
Nguyễn Hưng